Đánh giá độ tin cậy của thang đo

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ đại học ở việt nam ( Toàn văn luận án + phụ lục đính kèm ) (Trang 104)

NHÂN LỰC TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌ CỞ VIỆT NAM 4.1 Mô tả mẫu nghiên cứu

4.2.1.Đánh giá độ tin cậy của thang đo

Để đảm bảo 22 tiêu chí phản ánh kỹ năng mà người nghiên cứu đã đưa ra trong Bộ tiêu chí đề xuất của luận án đủ độ tin cậy để lấy ý kiến trong Phiếu khảo sát, có thể tiến hành một phép kiểm định thống kê thông qua hệ số tin cậy Cronbach alpha.

Để tính Cronbach alpha cho một thang đo thì thang đo phải có tối thiểu 3 biến đo lường. Hệ số Cronbach alpha có giá trị biến thiên trong khoảng [0,1]. Về lý thuyết, Cronbach alpha càng cao càng tốt vì nó phản ánh thang đo có độ tin cậy cao (Nguyễn Đình Thọ, 2011:350).

Nhiều nhà nghiên cứu đã đồng ý rằng khi Cronbach alpha từ 0,8 trở lên đến gần 1 thì thang đo lường là tốt, từ 0,7 đến gần 0,8 là sử dụng được (Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008:24). Mặc dù vậy, nếu Cronbach alpha ≥ 0,6 là thang đo cũng đã có thể chấp nhận được về mặt độ tin cậy (Nguyễn Đình Thọ, 2011:351), (Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008:24).

Tuy nhiên, hệ số Cronbach alpha cũng không nên quá lớn (α ≥ 0,95) vì nó cho thấy có nhiều biến trong thang đo không có khác biệt gì nhau, nghĩa là chúng cùng đo lường một nội dung nào đó của khái niệm (Nguyễn Đình Thọ, 2011:350).

Ngoài ra, do các biến đo lường dùng để đo lường cùng một khái niệm nghien cứu nên chúng phải có tương quan chặt chẽ với nhau. Vì vậy, ngoài hệ số Cronbach alpha, người ta còn kiểm tra thêm hệ số tương quan biến - tổng hiệu chỉnh (Corrected item- total correlation). Hệ số này lấy tương quan của biến đo lường xem xét với tổng các biến còn lại của thang đo (không tính biến đang xem xét). Nếu một biến đo lường có hệ số tương quan biến – tổng hiệu chỉnh ≥ 0.30 thì biến đó đạt yêu cầu (Nunnally & Bernstein, 1994, dẫn theo Nguyễn Đình Thọ, 2011:351).

Tóm lại, nếu thang đo có hệ số Cronbach alpha ≥ 0,6 và hệ số tương quan biến - tổng hiệu chỉnh (Corrected item-total correlation) ≥ 0.30 thì thang đo đó đủ độ tin cậy và biến đo lường đạt yêu cầu để đo lường một khái niệm nào đó.

Việc tính toán các hệ số này cho các thang đo tầm quan trọng của các tiêu chí đánh giá kỹ năng và thang đo cảm nhận thực tế về các tiêu chí đánh giá kỹ năng đã được trình bày cụ thể trong các Phụ lục 6a, 6b, 7a, 7b và được tổng hợp trong bảng 4.1 .

Kết quả tính toán đã cho thấy thang đo tầm quan trọng và thang đo cảm nhận thực tế về các tiêu chí đánh giá kỹ năng đều có hệ số Cronbach alpha rất cao, đều > 0,8

103

và <0,95, tức là các thang đo này đều có độ tin cậy cao để đo lường khái niệm chất lượng đào tạo nhân lực trình độ ĐH.

Cần lưu ý là hệ số tương quan biến - tổng hiệu chỉnh (Corrected item-total correlation) của phần lớn các tiêu chí đều ≥ 0.30, tức là đạt yêu cầu để đo lường khái niệm. Tuy nhiên, một số tiêu chí về tầm quan trọng vẫn có hệ số này gần bằng 0.30, tức là về mặt thống kê có thể loại tiêu chí này. Chẳng hạn như Tầm quan trọng của tiêu chí Khả năng cập nhật kiến thức mới của Khối Kinh tế-Quản lý có hệ số tương quan biến - tổng hiệu chỉnh = 0,282, nếu không loại biến này thì hệ số Cronbach alpha của thang đo ban đầu sẽ là 0,871, nếu loại biến này thì Cronbach alpha sẽ giảm xuống còn 0,870. Như vậy, không cần thiết phải loại tiêu chí này vì mức tăng hệ số tin cậy Cronbach alpha sẽ là rất không đáng kể (gần như không tăng), trong khi nếu để biến này thì Cronbach alpha = 0,871 đã là có độ tin cậy rất cao rồi.

Tóm lại, sau khi tính toán hệ số Cronbach alpha của các thang đo, người nghiên cứu có thể rút ra kết luận là tất cả các thang đo về tầm quan trọng và cảm nhận thực tế về các tiêu chí phản ánh kỹ năng đều có độ tin cậy cao để tiến hành đo lường khái niệm nghiên cứu là chất lượng đào tạo nhân lực trình độ ĐH.

104

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ đại học ở việt nam ( Toàn văn luận án + phụ lục đính kèm ) (Trang 104)