Giao tiếp của con người trong mỗi lĩnh vực hoạt động khác nhau đều mang những đặc trưng khác nhau. Để hiểu rõ hơn về khái niệm nhu cầu giao tiếp và kỹ năng của sinh viên sư phạm, trước hết chúng ta phải phân tích để hiểu rõ về đặc điểm của người thầy giáo trong lĩnh vực hoạt động lao động.
- Nghề mà đối tượng quan hệ trực tiếp là con người (là chủ thể giao tiếp). - Trong quá trình dạy và học, người thầy giáo bằng cách tái tạo lại những cái của lịch sử xã hội đã tạo ra, bằng năng lực sư phạm (trong đó có kỹ năng giao tiếp) tổ chức và điều khiển việc lĩnh hội, nắm bắt những kinh nghiệm, tinh hoa của nhân loại, qua đó, phát triển nhân cách chưa hoàn thiện của học sinh.
- Nghề mà công cụ chủ yếu là nhân cách của chính mình. Có nghĩa là, người thầy giáo ngoài trình độ chuyên môn của mình, còn sử dụng chính phẩm chất của bản thân để giáo dục. Điều này thể hiện qua thái độ, cử chỉ, ánh mắt, tư thế, lời nói sao cho phù hợp với các chuẩn mực hành vi xã hội. Sự phối hợp hài hoà, hợp lý giữa các vận động này đòi hỏi ngươì giáo viên phải có kỹ năng giao tiếp tốt. Bởi lẽ thầy giáo không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, không chỉ dạy trẻ kiến thức mà “nghệ thuật làm người” qua chính hành vi, nhân cách của người thầy.
Với những đặc điểm nghề nghiệp như vậy, ta thấy được nghề thầy giáo rất khó khăn và phức tạp, nó đồi hỏi người thầy giáo phải có nhân cách trong sáng, mẫu mực, có phẩm chất và năng lực cao, luôn có ý thức tu dưỡng, rèn luyện và tự rèn luyện để hoàn thiện nhân cách.
Xuất phát từ những đặc điểm lao động của người thầy giáo, giao tiếp trong nghề lao động sư phạm cũng mang những đặc trưng riêng không giống với các loại hình giao tiếp khác.