Nhà trường sư phạm cần nhận thấy được vị trí quan trọng của mình trong quá trình hình thành và phát triển giao tiếp của SV.
- Ngay từ thời kì đầu SV mới bước vào trường cần phải xác định được khả năng giao tiếp của SV, trên cơ sở đó có những biện pháp tác động, điều chỉnh kịp thời, có những cách thức rèn luỵên phù hợp. Hằng năm cần có sự khảo sát, kiểm tra, đánh giá nhu cầu giao tiếp để phát hiện những lệch lạc, thiếu hụt hay mong muốn, nguyện vọng của SV, qua đó có phương hướng điều chỉnh và phát triển kịp thời.
Mặc khác, trong từng tiết học cụ thể, bên cạnh việc truyền thụ kiến thức theo hướng một chiều mà hãy đưa ra cách thức để SV được tự thể hiện vấn đề, mạnh dạn trong phát biểu và đưa ra ý kiến, nhằm xây dựng tính tích cực trong SV, không thể cứ ngồi trông chờ vào giảng viên. Trong chương trình đào tạo đề cao vai trò của môn tâm lý học giao tiếp để SV có cách nhìn toàn diện ý nghĩa của giao tiếp đối với đặc trưng nghề thầy giáo.
- Cần thường xuyên tổ chức các hình thức rèn luyện sao cho tạo sự hứng thú, thu hút đông đảo SV tham gia, tránh trường hợp nội dung không phù hợp với hình thức, không phù hợp với đặc điểm của SV SP. Các hoạt động được diễn ra mang đậm dấu ấn đặc thù riêng của nghề thầy giáo như: cuộc thi nghiệp vụ sư phạm, đồ dùng dạy học, các cuộc thi tài năng: thi hùng biện, thuyết trình, kiến thức giáo dục. Từ đó trở thành một thói quen tốt, nề nếp sống lành mạnh, trở thành nhu cầu cần thiết của SV. Đồng thời cần tổ chức
các buổi giao lưu giữa SV cùng lớp, giữa các lớp, giữa các ngành, giữa các khoa, tạo điều kiện cho SV tham gia các liên hoan âm nhạc - thể dục - nghiệp vụ sư phạm liên trường một cách chu đáo, tích cực và có hiệu quả. Cần tạo điều kiện cho SV tăng cường thực tế, thực tập, dự giờ, tiếp xúc với học sinh để họ tập trung quan sát, trải nghiệm, làm quen dần với hoạt động giao tiếp ở nhà trường, để SV được tiếp xúc với những đối tượng giao tiếp thường xuyên và chủ yếu trong hoạt động nghề nghiệp sau này.
- Nhà trường, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên cần phải hợp tác phối hợp tổ chức các hoạt động giao tiếp, tạo điều kiện mở rộng phạm vi giao tiếp, hướng SV vào giao tiếp với đám đông.. bằng cách tăng cường tổ chức các câu lạc bộ Văn học, câu lạc bộ Tiếng Anh, câu lạc bộ bạn yêu âm nhạc, dạ hội, các câu lạc bộ từ thiện, các hội diễn văn nghệ…Tổ chức cho SV giao lưu với các cơ quan, đoàn thể đóng trên địa bàn. Khi tổ chức các hoạt động giao tiếp cho SV phải chú ý đến những sắc thái riêng về đặc điểm giới tính, khoá học và chuyên ngành đào tạo.