b. Công thức Bijker
6.3.3. Bảo tồn thiên nhiên
Như đã thảo luận ở chương 5, các vùng bờ biển cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho kinh tế và xã hội của con người. Các chức năng của sinh quyển, nơi chịu trách nhiệm làm ra hàng hóa và dịch vụ có thể phân loại thành chức năng điều hòa, sử dụng, sản xuất và thông tin (De Groot,1992; Vellinga và cộng sự,1994). Mặc dù, mỗi chức năng cung cấp mỗi kiểu hàng hóa và dịch vụ đặc thù khác nhau, nhưng chúng lại có quan hệ chặt chẽ với các chức năng khác. Ví dụ các vùng đất ngập nước là nơi ươm trồng nhiều loài cá phụ thuộc vào khả năng duy trì chất lượng nước nhờ đồng hóa các chất thải hữu cơ và vô cơ.
Trải qua nhiều thế kỷ, sự phát triển của vùng bờ biển đã phát triển nhanh chóng nhờ nhiều cơ hội phát triển kinh tế, điều này do chức năng sử dụng và sản xuất tạo ra. Tuy nhiên, người ta thường không nhận thức được rằng các chức năng điều hòa cung cấp các điều kiện tự nhiên chủ yếu để xác định tiềm tàng (hoặc năng suất bền vững tối đa) của chức năng sử dụng và tạo sản phẩm. Nói cách khác, người ta thường không nhận ra đặc tính động của hệ bờ biển tự nhiên cho phép khai thác tài nguyên được tạo ra ở vùng bờ biển trong một số giới hạn và những thay đổi tận gốc hệ thống tự nhiên có thể ảnh hưởng xấu đến tài nguyên sẵn có hoặc tái sinh tài nguyên. Tương tự như ví dụ trên, sự phá hủy hoặc gây ô nhiễm các vùng đất ngập nước làm giảm khả năng đồng hóa chất thải của nước ở bờ biển và dẫn tới các điều kiện ít thuận lợi cho cá đẻ. Du lịch bờ biển được lợi nếu môi trường bờ biển lành mạnh.
Một trong số những lý do chính làm mất liên tục môi trường sống tự nhiên do hoạt động của con người là tầm quan trọng của tự nhiên và môi trường trong sạch đối với sức khỏe của con người không được phản ánh đầy đủ trong việc hoạch định kinh tế và việc ra quyết định (De Groot, 1992b). Khó mà gắn giá trị tiền tệ với hiệu quả của các chức năng điều chỉnh, không giống với chức năng sử dụng và chức năng
sản xuất. Kết quả là khi chi phí và lợi ích của sự phát triển vùng ven biển được đánh giá, các hậu quả tiềm tàng gây tổn hại đến các chức năng điều chỉnh thường không được tính đến, mặc dù những tổn hại này có thể làm giảm các cơ hội để phát triển tài nguyên trong tương lai. Theo De Groot (1992b), để bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, giá trị kinh tế tổng thể của các hệ thống tự nhiên và động vật hoang dã trong đó, cần được thể hiện tốt hơn trong quy hoạch sử dụng đất và trong các công cụ ra quyết định.
Ngày càng nhiều nghiên cứu ước tính tổng giá trị kinh tế của các chức năng vùng đất ngập nước ven biển. Các số liệu công bố thay đổi từ 1,5 triệu USD/km2 đến 13 triệu USD/km2, trung bình là 2 – 5 triệu USD/km2 đối với các nước thuộc tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và 1,25 triệu USD/km2 đối với các nước đang phát triển (Fankhauser, 1995).
Như vậy, tầm quan trọng của việc bảo tồn các hệ thống tự nhiên ven biển ngày càng được thừa nhận, đặc biệt khi có các dự báo về sự thay đổi ở quy mô toàn cầu. Do các hệ sinh thái tự nhiên ven biển có chức năng điều chỉnh với tiềm năng tối đa của chúng chẳng hạn như chống xói mòn và đồng hóa chất thải, chúng bền vững hơn và có khả năng phản ứng đối hơn với sự gia tăng mực nước biển và ô nhiễm. Người ta tính toán được là việc bảo vệ vùng đất ngập nước ở Boston, Mỹ đã tiết kiệm được hàng năm 17 triệu USD riêng cho việc bảo vệ chống lụt, chưa kể đến các lợi ích khác như giảm được bùn cát (Hair, 1988).
Có thể kết luận rằng tổng giá trị kinh tế của các hệ sinh thái tự nhiên ven biển rất đáng kể và thường vượt xa lợi nhuận trước mắt từ việc sử dụng không bền vững một số các chức năng của một vùng xác định. De Groot (1992b) cho rằng chi phí liên quan đến bảo tồn tự nhiên và quản lý các khu sinh thái biển phải được nhìn nhận như là đầu tư sinh lợi vì nó tạo ra việc làm và cơ hội bảo vệ cho các mục đích sử dụng khác như giải trí) và các lợi ích khác như chức năng thông tin và điều chỉnh.