b. Công thức Bijker
6.3.2. Ngư nghiệp
Khoảng 200 triệu người sinh nhai trực tiếp hoặc gián tiếp bằng ngư nghiệp (Weber, 1994). Ngư nghiệp là quan trọng đối với an ninh lương thực của nhiều nước, vì cá là nguồn Protein động vật chính. Trong số 40 nước xếp hạng cao nhất về tiêu thụ
các nguồn Protein biển theo đầu người, đa số là các nước đang phát triển. Sản lượng đánh bắt cá biển đạt cao nhất năm 1989 là 85 triệu tấn, trong khi đánh bắt nước ngọt là 6,4 triệu tấn, chiếm khoảng 7% so với tổng số (FAO,1993). Mặc dù sản lượng đánh bắt đảm bảo phát triển bền vững nguồn cá biển được ước tính là 100 triệu tấn (Russel
và Yonge), nhưng số lượng các loài cá có giá trị cao đang suy giảm chứng tỏ rằng những loài này đang bị khai thác quá mức. Tuy vậy, những hoạch định của các nước
cho thấy sản lượng và giá trị xuất khẩu từ ngư nghiệp vẫn còn tăng lên nhiều. Vào năm 2000, nhu cầu về cá biển được ước tính là vượt sản lượng hàng năm chừng 20 triệu tấn, nên hậu quả tất nhiên là giá sản phẩm biển tăng lên và nguồn protein biển
cho nhiều người ở các nước đang phát triển đang giảm xuống (Burbridge,1995).
Theo Burbridge (1995), có ba xu hướng cơ bản trong phát triển ngư nghiệp ở các nước công nghiệp và các nước đang phát triển. Một là, ở nhiều nước giảm số người làm nghề cá thủ công. Điều này là do trữ lượng đánh bắt ven bờ bị giảm nhanh vì các tầu đánh cá được cơ giới hoá hiện đại. Hai là, khai thác quá mức do tăng nỗ lực đánh bắt và tăng hiệu quả của công cụ đánh bắt. Xu hướng thứ ba là sự suy thoái môi trường sống vùng bờ, nơi đẻ trứng, ươm và nuôi nhiều cá vây và giáp xác có giá trị cao. Có thể có xu hướng thứ tư là giảm sút lượng đánh bắt thương mại ở biển trên thế giới nói chung. Chưa có đủ dữ liệu để chứng minh điều này, nhưng các dữ liệu của FAO cho thấy 13 trong số 15 vùng đánh cá chính đã vượt giới hạn sản lượng bền vững ước tính và số lượng bến cá ở những vùng này đang suy giảm.
Một giải thích khác về sự giảm sút nghề cá biển là hiện tượng mất dần môi trường sống của các hệ sinh biển do ô nhiễm biển và hướng chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản. Ở những nước như Thái Lan và Philipin, người ta ước tính rằng hơn 70% rừng ngập mặn bị chặt phá và thay vào đó là ao nuôi tôm. Tác động của các hoạt động nuôi trồng thủy sản ở bờ biển còn rất lâu mới có thể phục hồi được, nó đòi hỏi phải có sự thay đổi hẳn các hệ sinh thái vùng bờ. Ngoài việc mất đi dải rừng ngập mặn và các hệ sinh thái quí vùng ven biển, thì một số tác động khác như sụt lún đất, sự axit hóa đất và nước ở cửa sông, mặn hóa nước ngầm và đất nông nghiệp và các mặt hàng kinh tế và dịch vụ do các hệ tự nhiên ở bờ biển mang lại cũng đang dần bị biến mất. Điều này đã làm giảm năng suất nông nghiệp và thu nhập trang trại, cung cấp nước giảm, mất thu nhập từ lâm ngư nghiệp và tăng nguy cơ ngập lụt ở bờ biển. Một trong những vấn đề kinh tế xã hội nảy sinh từ việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản quy mô lớn là làm tăng tần số bùng nổ dịch bệnh, trong đó tảo phát triển quá mức được gọi là thuỷ triều đỏ, có thể giết hàng loạt cá làm mất phần lớn thu nhập và đe dọa sức khoẻ cộng đồng.