Luật Giáo dục năm 2005 quy định: “Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống GDQD về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn nhà giáo, quy chế thi cử, hệ thống văn bằng, chứng chỉ; tập trung quản lý chất lượng giáo dục, thực hiện phân công, phân cấp quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục” [42, tr.3].
- Theo chức năng về quản lý, thì QLNN về giáo dục tập trung vào các nhiệm vụ chính sau:
(i). Quản lý mục tiêu, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục;
(ii). Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách phát triển giáo dục;
(iii). Sử dụng ngân sách nhà nước như là công cụ để thu hút, cân đối các nguồn lực và điều chỉnh sự phát triển giáo dục, bảo đảm công bằng xã hội.
(iii). Huy động và sử dụng các nguồn lực, tổ chức phát huy và phối hợp các lực lượng tham gia phát triển giáo dục
(iv). Thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và đánh giá giáo dục. - Hiện nay QLGD ở nước ta đang trong giai đoạn từng bước trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục theo nguyên tắc:
(i). Chính phủ chịu trách nhiệm về chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục ở tầm quốc gia; quyết định chính sách đầu tư từ ngân sách nhà nước và tổ chức đánh giá hệ thống và chất lượng giáo dục ở tầm quốc gia; định kỳ báo cáo Quốc hội và nhân dân.
(ii). Bộ GD&ĐT, tham mưu giúp Chính phủ trong việc xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục ở tầm quốc gia; tổ chức chỉ đạo phát triển giáo dục; tổ chức thanh tra, giám sát, đánh giá về giáo dục; phối hợp hoạt động giáo dục của các ngành các cấp, các địa phương.
(iii). Các Bộ, Ngành khác có liên quan, chịu trách nhiệm về QLGD theo phân công của Chính phủ.
(iv). Chính quyền địa phương được trao quyền quyết định và chịu trách nhiệm vê huy động các nguồn lực, xây dựng hệ thống, đảm bảo chất lượng giáo dục và cụ thế hóa các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục tại địa phương.
(v). Các cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ về tài chính, nhân lực, tuyển sinh ... và chịu trách nhiệm chính về sản phẩm đào tạo.
- Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập [12]. Với quy định đó, trường tiểu học được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Vì vậy, cán bộ, giáo viên phải có quyền hạn cao hơn trong việc lựa chọn người Hiệu trưởng của mình, đồng thời đòi hỏi đội ngũ Hiệu trưởng phải có trách nhiệm lớn hơn đối với công việc quản lý nhà trường. Điều đó có tác động rất lớn đến công tác phát triển đội ngũ Hiệu trưởng các trường học, làm thay đổi nhận thức đã tồn tại nhiều năm trước đây về việc tuyển chọn, bổ nhiệm và sử dụng đội ngũ CBQLGD nói chung, Hiệu trưởng các trường tiểu học nói riêng.
- Nghị định 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ Quy định về trách nhiệm quản lý về giáo dục, tại điều 8 có ghi rõ: “Bảo
đảm đủ biên chế công chức cho Phòng Giáo dục và Đào tạo, biên chế sự nghiệp cho các cơ sở giáo dục; chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Nhà nước, ban hành các chủ trương, biện pháp để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn.” Với quy định này đã tạo điều kiện tự chủ cho UBND cấp huyện và phòng GD&ĐT kịp thời thực hiện chế độ chính sách để phát triển đội ngũ cán bộ và nhà giáo tại địa phương.