Biện pháp 2: Tăng cường quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ hiệu trưởng trường tiểu học huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn (Trang 93 - 96)

quy hoạch đội ngũ Hiệu trưởng trường tiểu học

3.2.2.1. Mục tiêu của biện pháp

Để khắc phục thực trạng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Hiệu trưởng trường tiểu học của ngành GD&ĐT huyện Chi Lăng trong thời gian vừa qua là chỉ quan tâm đến đối tượng là Hiệu trưởng đương nhiệm để cử đi đào tạo, bồi dưỡng, chưa tạo điều kiện quan tâm nhiều đến đối tượng cán bộ kế cận trong nguồn đã được quy hoạch. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chủ yếu thực hiện theo chỉ tiêu, kế hoạch của Sở GD&ĐT và UBND huyện.

Điều đó cho thấy rõ hạn chế là việc đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với quy hoạch phát triển đội ngũ Hiệu trưởng trường tiểu học. Thực hiện biện pháp này chính là khắc phục hạn chế đó để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Hiệu trưởng trường tiểu học. Khắc phục tình trạng đào tạo, bồi dưỡng tùy tiện, không theo kế hoạch, không gắn với việc bố trí, sử dụng cán bộ, gây lãng phí, thậm chí nảy sinh tiêu cực. Đồng thời chuẩn bị thật tốt nguồn cán bộ bổ sung, thay thế kịp thời đội ngũ Hiệu trưởng sẽ nghỉ hưu hoặc miễn nhiệm.

Mục tiêu đề ra từ năm 2015 và đến năm 2020, phát triển đội ngũ Hiệu trưởng trường tiểu học huyện Chi Lăng đủ số lượng (không giao cho phó Hiệu trưởng điều hành nhà trường), đảm bảo chất lượng và đồng bộ về cơ cấu. Phấn đấu 100% Hiệu trưởng trường tiểu học trong huyện đều đạt trình độ lý luận chính trị trung cấp; trình độ đào tạo đạt 100% trình độ đại học; 100% Hiệu trưởng có trình độ tin học B và tương đương; 70% Hiệu trưởng có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; 100% Hiệu trưởng được bồi dưỡng về QLGD.

3.2.2.2. Nội dung của biện pháp

- Phòng GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị trường tiểu học phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dựỡng dài hạn, ngắn hạn gắn với quy hoạch của nhà trường, trình Phòng GD&ĐT của huyện phê duyệt.

- Nội dung đào tạo bồi dưỡng cần tập trung vào những nội dung sau: + Đào tạo, bồi dưỡng về những chủ trương đổi mới của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước về phát triển KT-XH và đổi mới sự nghiệp GD&ĐT trong giai đoạn hiện nay.

+ Kiến thức và năng lực quản lý giáo dục, quản lý hành chính, quản lý tài chính và tài sản; quản lý tổ chức bộ máy và phát triển đội ngũ; khả năng phân tích, tổng hợp và dự báo; kĩ năng xây dựng kế hoạch, tầm nhìn chiến lược, trình độ LLCT, ngoại ngữ, tin học...

- Quá trình thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải gắn chặt với quy hoạch, ưu tiên tạo điều kiện cho cán bộ nguồn kế cận đội ngũ Hiệu trưởng trường tiểu học tham gia học tập, bồi dưỡng.

3.2.2.3. Cách thức thực hiện biện pháp

- Phòng GD&ĐT chủ động tham mưu với UBND huyện phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Hiệu trưởng các trường tiểu học của ngành theo giai đoạn từ nay đến năm 2020, theo hướng gắn với quy hoạch, kế hoạch bố trí sử dụng đội ngũ.

- Tham mưu với Sở GD&ĐT và UBND huyện để cử Hiệu trưởng và cán bộ trong diện quy hoạch học các lớp trung cấp lý luận chính trị tại trường Chính trị Hoàng Văn Thụ của tỉnh; phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Chi Lăng tổ chức bồi dưỡng về LLCT; phối hợp với Ban tuyên giáo của Huyện uỷ mở lớp bồi dưỡng chính trị trong dịp hè hàng năm; phối hợp với Trường CĐSP Lạng Sơn tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ QLGD; phối hợp với trường Trung cấp Kinh tế của tỉnh mở các lớp bồ dưỡng và cấp chứng chỉ cho Hiệu trưởng và cán bộ nguồn về kiến thức quản lý tài chính; cử cán bộ trong diện quy hoạch đi học các lớp đại học chính quy, tại chức, liên thông để nâng cao trình độ đào tạo, chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tham quan học tập về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nguồn Hiệu trưởng và Hiệu trưởng đương nhiệm; khuyến khích tự học, tự bồi dưỡng; tham gia bồi dưỡng thường xuyên theo quy định của ngành.

Trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, Phòng GD&ĐT cần tích cực tham mưu với UBND huyện xây dựng chính sách hỗ trợ của địa phương đối với người được cử đi học; chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện nghiêm túc chế độ, chính sách đối với người đi học, đặc biệt những CBQL thuộc đối tượng được thụ hưởng chế độ ưu đãi, thu hút của Chính phủ theo Nghị định 116/2006/NĐ- CP ngày 20 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Nghị định 19/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 2 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Quyết định số 23/2013/ QĐ- UBND tỉnh Lạng Sơn về chính sách hỗ trợ cho CB, CC, VC sự nghiệp đi học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Sau khi Hiệu trưởng trường tiểu học và cán bộ nguồn đã được đào tạo, bồi dưỡng, Phòng GD&ĐT theo dõi mức độ tiến bộ để đánh giá đúng trình độ, năng lực cán bộ. Từ đó bổ nhiệm, bố trí sử dụng hợp lý, đúng người, đúng việc, đúng vị trí. Tiến tới chỉ bổ nhiệm Hiệu trưởng trường tiểu học là người đã được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục và đảm bảo đủ các tiêu chuẩn theo Chuẩn hiệu trưởng và Điều lệ trường tiểu học.

- Phòng GD&ĐT tăng cường công tác kiểm tra công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong nguồn quy hoạch của nhà trường. Kiểm tra đánh giá về xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn kế cận Hiệu trưởng của nhà trường. Kiểm tra, đánh giá năng lực của cán bộ sau khi đã tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn bị cho bổ nhiệm, bố trí phù hợp.

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ hiệu trưởng trường tiểu học huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn (Trang 93 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)