Cơ chế quản lý của các cơ quan nhà nước đối với các cơ sở bán buôn, bán lẻ
chủ yếu được thể hiện qua các công cụ quản lý nhà nước, tính chất của hệ thống quản lý nhà nước cũng như chất lượng của việc quản lý nhà nước đối với các cơ sở
bán buôn, bán lẻ chủ yếu.
2.2.3.1. Các công cụ quản lý
Nhà nước, các Bộ ngành và địa phương quản lý hoạt động của các cơ sở bán buôn, bán lẻ chủ yếu ở nước ta bằng chính sách và pháp luật thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật. Các quy định pháp luật là công cụ hữu hiệu để quản lý hoạt động của các cơ sở bán buôn, bán lẻ chủ yếu, có thể chia thành 3 nhóm như
sau:
* Hệ thống quy định việc thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp:
Phụ lục 2, Phụ lục 4 về tóm lược các luật và quy định chung của Việt Nam và các quy định chuyên ngành có tác động đến việc gia nhập thị trường.
* Hệ thống quy định về quản lý các hoạt động trên thị trường: Phụ lục 3
* Hệ thống quy định về việc theo dõi, kiểm tra và kiểm soát thị trường:
Hệ thống này do lực lượng của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương); các Cục phụ trách quản lý chất lượng hàng hóa, quyền sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) v.v... vận hành để ngăn chặn các hoạt động buôn bán không lành mạnh, v.v...
Nhìn chung các văn bản pháp luật của Việt Nam đã ban hành trong thời gian qua để quản lý hoạt động của các cơ sở bán buôn, bán lẻ chủ yếu, đặc biệt là hệ
thống các đạo luật kinh doanh đã tiếp cận gần hơn với quy tắc và thông lệ quốc tế, phù hợp với cam kết WTO về lĩnh vực này. Các văn bản dưới luật của Việt Nam đã ban hành thể hiện tăng cường hỗ trợ phát triển nhằm từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ phân phối nói chung cũng như hoạt động của các cơ
sở bán buôn, bán lẻ chủ yếu nói riêng. Tuy nhiên, công cụ quản lý đối với các cơ sở
bán buôn, bán lẻ chủ yếu Việt Nam còn một số tồn tại chung sau đây:
- Nhiều đạo luật như Luật, Pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ... được ban hành nhưng rất lâu không có các văn bản hướng dẫn thực hiện đã hạn chế hiệu lực thi hành của pháp luật.
- Hệ thống các văn bản pháp luật chưa thực sựđồng bộ hoặc còn chồng chéo, nhiều văn bản pháp luật liên quan đến ngành dịch vụ phân phối còn thiếu.
- Khả năng đưa các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhanh chóng đến với các doanh nghiệp còn rất hạn chế vì nhiều lý do như thiếu các văn bản hướng dẫn của các Bộ có liên quan như Bộ Tài chính và các Bộ chuyên ngành, do thủ tục hành chính chậm trễ.
- Tính ổn định của hệ thống luật chưa cao, nhiều văn bản pháp luật thường xuyên thay đổi hoặc thay đổi bất ngờ, đặc biệt là về các văn bản dưới luật trong đó
điển hình là những văn bản về thuế của Nhà nước.
- Thủ tục hành chính tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn rườm rà, nhiều mặt hàng doanh nghiệp muốn được kinh doanh như xăng dầu, thuốc chữa bệnh... còn quá nhiều thủ tục phức tạp. Triển khai thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa chưa được phổ biến rộng rãi, chưa được nhiều cơ quan, chính quyền các địa phương hưởng ứng.
- Khả năng điều hành chính sách vĩ mô của Nhà nước còn nhiều hạn chế (ví dụ như chính sách chống lạm phát, chính sách tài chính tiền tệ, tỷ giá...) đã tác động mạnh đến nền kinh tế trong đó có ngành dịch vụ phân phối.
Bên cạnh đó, khi nghiên cứu về công cụ quản lý của các cơ quan nhà nước
đối với các cơ sở bán buôn, bán lẻ chủ yếu có thể thấy một thực trạng rằng quy hoạch tổng thể là một trong những công cụ quản lý sẵn có ở Việt Nam trong đối với các cơ sở bán buôn, bán lẻ chủ yếu. Các quy hoạch tổng thể thường được xây dựng dưới dạng quy hoạch ngành từ 5-10 năm với kết quả khó nhận biết được. Bộ
Kế hoạch và Đầu tư trong Báo cáo đánh giá giữa kỳ về việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2006-2010 đã phê phán mạnh các kết quả đạt được trong việc thực hiện các quy hoạch tổng thể: “Chất lượng công tác lập quy hoạch tổng thể ở Việt Nam còn thấp, thiếu tầm nhìn dài hạn, thiếu cơ sở kinh tế, xã hội và môi trường”. Trên thực tế, việc lập quy hoạch tổng thể với ý nghĩa là một kỹ thuật quy hoạch được phát triển từ đầu thế kỷ 20 khó còn phù hợp với thực tiễn ngày nay... Như vậy, quy hoạch tổng thể không còn là công cụ cho phép quản lý theo kịp với những thay đổi nhanh chóng về thời gian, nhu cầu, sự phát triển của công nghệ...
2.2.3.2. Tính mở của hệ thống quản lý
Một vấn đề rất quan trọng là sự minh bạch trong giai đoạn xây dựng các văn bản pháp luật và chính sách mới.
Ở nước ta các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương không có nghĩa vụ chính thức phải tham khảo ý kiến của các bên liên quan trong các giai đoạn soạn thảo (và tiền soạn thảo) các quy định mới. Ví dụ như khi xây dựng quy hoạch, các Sở Công Thương và Sở Kế hoạch và Đầu tư hiếm khi thực hiện việc tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp (và thậm chí còn hiếm hoi hơn đối với các doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài) mặc dù điều đó là rất cần thiết. Thay vào đó, việc lấy ý kiến thường diễn ra sau khi quy hoạch đã được thiết kế, mà quá trình lập quy hoạch không thể làm lại, do đó việc lấy ý kiến chỉ có ý nghĩa hình thức. Các doanh nghiệp thường phàn nàn nhất về việc thiếu minh bạch trong quá trình lập quy hoạch, đặc biệt là ở các cấp địa phương và cấp tỉnh.
Ngoài ra, sự thiếu thống nhất trong cách hiểu và vận dụng các quy định pháp luật của các cơ quan quản lý địa phương về các văn bản pháp luật do trung ương ban hành cũng tạo ra vấn đề về sự minh bạch đối với các nhà đầu tư bởi họ thường không nắm được các quyền của mình giữa hai cách diễn giải đối lập nhau.
2.2.3.3. Chất lượng quản lý
Nhìn chung, kể từ khi tiến hành cải cách đổi mới, Việt Nam đã đạt được tiến bộ lớn trong việc cải cách cơ chế quản lý đối với các cơ sở bán buôn, bán lẻ chủ
yếu như ban hành hàng loạt các quy định, chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống cơ
sở bán buôn, bán lẻ chủ yếu, việc sáp nhập 2 luật đầu tư trong nước và nước ngoài,
đơn giản hóa hệ thống cấp phép kinh doanh và cho phép nhà đầu tư nước ngoài
được sở hữu 100% vốn của doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam...
Tuy nhiên, hệ thống quản lý hiện nay đối với các cơ sở bán buôn, bán lẻ chủ yếu vẫn còn tồn tại một số điểm thiếu nhất quán và không rõ ràng chủ yếu là do sự phân cấp chức năng và quyền hạn từ trung ương xuống địa phương, các cơ quan chức năng địa phương đôi khi diễn giải khác nhau về cùng một văn bản, gây ra sự nhầm lẫn và bất bình đẳng trong kinh doanh. Hệ thống quản lý đối với các cơ sở bán buôn, bán lẻ chủ yếu hiện nay cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi sự thiếu minh bạch và thiếu nhất quán về điều kiện gia nhập thị trường phân phối của nhà đầu tư nước ngoài.
Một trong các nguyên nhân của tình trạng này là do trong cam kết dịch vụ
phân phối Việt Nam được thực hiện ENT khi nhà đầu tư nước xin phép mở thêm cơ
sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất. Nhưng đến nay, sau hơn 5 năm gia nhập WTO, Việt Nam vẫn chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về cách
thức sử dụng các tiêu chí ENT của các cơ quan có thẩm quyền cho mục đích phê duyệt cấp phép. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã phát triển thành hệ
thống chuỗi không dựa vào ENT mà bằng nhiều cách lách luật khác như liên doanh liên kết với tỷ lệ vốn ít hơn 51% hoặc thực hiện nhượng quyền sau khi đã mở cơ sở
bán lẻ thứ nhất…
2.2.4. Tác động của việc thực thi các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới về mở cửa dịch vụ phân phối đến quản lý nhà nước đối với các cơ