Tăng cường sức mạnh tài chính

Một phần của tài liệu nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng seabank tại tỉnh khánh hòa (Trang 89 - 92)

Xét ở tầm vĩ mô, tăng cường năng lực tài chính của ngân hàng thường theo hướng tăng quy mô vốn điều lệ, đảm bảo mức an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế và tuân thủ pháp luật ngân hàng Việt Nam. Theo đó, các NHTM cần xác định một tỷ lệ hợp lý lợi nhuận ròng được sử dụng hằng năm để tăng vốn điều lệ hoặc có thể tiến hành sáp nhập và mua lại (M&As) các ngân hàng nhỏ để hình thành nên một ngân hàng có tiềm lực tài chính lớn hơn. Hoạt động M&As là một trong những phương thức quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của các NHTM nội địa Việt Nam thông qua việc gia tăng giá trị và nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro trước sự cạnh tranh khốc liệt của những tập đoàn tài chính khổng lồ nước ngoài khi mà Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc tế và thực hiện các cam kết mở cửa thị trường.

Xét ở góc độ quy mô của chi nhánh, để tăng cường năng lực tài chính SeABank Nha Trang cần đồng bộ các giải pháp: Lành mạnh hóa tình hình tài chính; tăng cường hoạt động quản lý rủi ro.

* Lành mạnh hóa tình hình tài chính:

SeABank chi nhánh Nha Trang cần phải lành mạnh hóa tình hình tài chính bằng cách tăng cường và xử lý các khoản nợ quá hạn, nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro tín dụng, xử lý nhanh các tài sản cấn trừ nợ hoặc khởi kiện ra tòa án để yêu cầu cơ quan thi hành án thu hộ.

Xử lý nhanh các tài sản bằng cách mua hoặc giới thiệu cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để mua tài sản thế chấp đảm bảo cho món vay của khách hàng. Xuất ngoại bảng những khoản nợ xấu làm sạch báo cáo tài chính ngân hàng.

* Tăng cường hoạt động quản lý rủi ro:

Quản lý rủi ro trong ngân hàng là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của tất cả các ngân hàng, trong đó chủ yếu và đa số vẫn là quản lý rủi ro tín dụng. Để có thể phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng, Ngân hàng SeABank Nha Trang áp dụng các giải pháp sau:

- Thẩm định tư cách khách hàng: Là bước đầu tiên và quan trọng trong việc đưa ra quyết định cấp tín dụng, thẩm định tư cách khách hàng được thực hiện như sau:

+ Đánh giá năng lực pháp lý: năng lực pháp lý của khách hàng nhằm ràng buộc trách nhiệm của khách hàng trước pháp luật và để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của ngân hàng. Xác định tính pháp lý của khách hàng là cơ sở để ký kết và thực hiện hợp đồng tín dụng.

+ Đánh giá uy tín: Uy tín của khách hàng vay, đối với khách hàng cá nhân uy tín thể hiện ở công việc hiện tại, hành vi ứng xử, lịch sử tín dụng. Uy tín của khách hàng doanh nghiệp thể hiện ở khả năng quản lý, điều hành của người lãnh đạo doanh nghiệp. Doanh nghiệp có lịch sử tín dụng tốt, có phương án kinh doanh khả thi, có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và ổn định cũng góp gần nâng cao uy tín của doanh nghiệp.

+ Đánh giá tài chính: Năng lực tài chính của cá nhân thể hiện ở mức thu nhập từ công việc hiện tại, từ các hoạt động đầu tư; năng lực tài chính của doanh nghiệp thể hiện ở sổ sách kế toán, ở báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh, tài sản nợ - có và nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp. Thẩm định năng lực tài chính giúp cho ngân hàng nắm được thực trạng và triển vọng về khả năng thanh toán của khách hàng trong thời gian đến để có thể cho vay và thu hồi nợ được được đảm bảo mang lại hiệu quả cho ngân hàng.

+ Đánh giá cơ sở vật chất: Đối với khách hàng cá nhân cơ sở vật chất thể hiện ở các tài sản hiện có của cá nhân có thể chứng minh được như: bất động sản, chứng khoán, cổ phần, cổ phiếu..; cơ sơ vật chất kỹ thuật, công nghệ của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhằm xác định thực trạng và triển vọng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp để khẳng định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.

- Tài sản đảm bảo: SeABank chi nhánh Nha Trang cần lựa chọn hình thức đảm bảo phù hợp với yêu cầu của một khoản vay đồng thời định giá chính xác giá trị tài sản dùng làm thế chấp tại thời điểm vay vốn.

+ Đối với tài sản thế chấp là chính chủ: SeABank chi nhánh Nha Trang phải xác định chính xác quyền sử dụng, quyền sở hữu, tính lưu thông và sự tồn tại thực tế của tài sản đó đối với khách hàng vay vốn.

+ Đối với tài sản thế chấp là tài sản của bên thứ ba: SeABank chi nhánh Nha Trang phải xác định chính xác tính pháp lý, năng lực tài chính, uy tín và trách nhiệm của bên thứ ba (bên bảo lãnh).

- Cập nhật thông tin rủi ro về khách hàng: Việc nắm bắt kịp thời, chính xác thông tin khách hàng giúp cho ngân hàng có những chiến lược kinh doanh phù hợp và hạn chế rủi ro ở mức cao nhất. Các nguồn thông tin có thể thu thập để nhận biết khách hàng có những rủi ro từ: Báo cáo tài chính mà doanh nghiệp phải cung cấp định kỳ; báo cáo kiểm toán, thông tin thị trường, cơ quan pháp luật; cập nhật thông tin tín dụng từ CIC.

- Tăng cường công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ: Xuất phát từ công tác kiểm toán nội bộ là khâu hết sức quan trọng trong ngành ngân hàng vì nó có tác dụng ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các rủi ro có thể xảy ra trong ngân hàng (rủi ro tín dụng, rủi ro thất thóat tài sản) một cách khách quan hay chủ quan (các hành vi trục lợi, cố ý làm trái, gian lận trong ngành ngân hàng). Công tác kiểm toán nội bộ hoạt động tốt sẽ gián tiếp giúp ngân hàng tăng lợi nhuận và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Hiện tại công tác kiểm toán nội bộ tại SeABank Nha Trang nói riêng, SeABank nói chung vẫn chưa phát huy được hết vai trò của mình và còn tồn tại những bất cập, những bất cập của bộ phận kiểm toán nội bộ xuất phát một phần là do cơ chế quản lý và điều hành của SeABank, cụ thể là:

+ Dù là bộ phận mang tính chất độc lập nhưng cán bộ kiểm toán nội bộ lại tồn tại chính tại ngân hàng đó và dường như bị chi phối bởi Ban lãnh đạo của chi nhánh đó, vì vậy những hoạt động của họ không còn mang tính khách quan nữa.

+ Nguyên tắc cán bộ kiểm toán nội bộ của hàng phải là những cán bộ giỏi về nghiệp vụ ngân hàng, am hiểu về qui định của pháp luật và những qui định của ngân hàng. Thế nhưng trên thực tế, bộ phận kiểm toán nội bộ vẫn chưa thật sự đạt được những yêu cầu đó.

Do vậy, để khắc phục những tồn tại trên, và góp phần hoàn thiện công tác kiểm toán nội bộ ngày càng trở thành trợ thủ đắc lực cho ban lãnh đạo, SeABank Nha Trang cần phải:

+ Có những chế độ đãi ngộ khác nhau cho những người làm công tác kiểm toán nội bộ tại chi nhánh nhằm chiêu dụ những cá nhân đủ tiêu chuẩn làm việc và gắng bó lâu dài với SeABank.

+ Chuyển bộ phận kiểm toán nội bộ của chi nhánh về một cơ quan đầu não khác như chuyển về Văn phòng Đại diện của từng khu vực, hoạt động dưới sự giám sát của Văn phòng Miền.

+ Đối với từng lĩnh vực hoạt động của ngân hàng cần xây dựng bằng văn bản qui định các qui trình cụ thể, trong qui trình này khéo léo kết hợp những chốt chặn để nhân viên kiểm soát dễ dàng kiểm soát trong quá trình tác nghiệp.

- Phân tán rủi ro: Phân tán rủi ro được thực hiện theo phương pháp chia sẽ rủi ro giữa các nhà đầu tư với nhau, không tập trung vốn vào một khách hàng, hoặc đầu tư vào một lĩnh vực một ngành nghề. Trên cơ sở đó, SeABank chi nhánh Nha Trang cần đa dạng hóa hình thức cho vay, đầu tư vào nhiều lĩnh vực.

- Giám sát hoạt động trích lập quỹ dự phòng rủi ro tín dụng: Để có biện pháp xử lý kịp thời những khoản tín dụng bị rủi ro, SeABank chi nhánh Nha Trang hàng quý phải thực hiện việc trích lập quỹ dự phòng xử lý rủi ro theo qui định của Thống đốc NHNN Việt Nam và đưa vào chi phí.

Rủi ro luôn tiềm ẩn trong mọi lĩnh vực mà ngân hàng đang đầu tư. Trên cơ sở nhận biết tác hại của rủi ro, SeABank chi nhánh Nha Trang phải luôn chủ động tìm mọi biện pháp phòng ngừa, phân tán rủi ro … để hạn chế đến mức thấp nhất tác tác hại của nó.

Một phần của tài liệu nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng seabank tại tỉnh khánh hòa (Trang 89 - 92)