2.1.1. Chỉ định
Chúng ta tiến hành cưa sừng cho gia súc trong các trường hợp sau:
- Sừng gia súc phát triển không bình thường. Sừng mọc cong xuống, đâm vào má làm cho da có thể bị thối loét, hoại tử.
- gia súc đực tính tình hung dữ, có sừng nhọn dễ gây nguy hiểm cho người và gia súc tiếp xúc với chúng.
- Sừng gia súc bị dập, gãy do trượt ngã hay đánh nhau dẫn đến viêm. Muốn điều trị triệt để phải cắt phần sừng bị viêm.
2.1.2. Chuẩn bị
Cố định: gia súc được cố định trong giá 4 trụ, phần đầu buộc chặt vào giá sao
cho nó không lắc qua lắc lại được, sừng sẽ cưa phải lộ ra sao cho dễ tiến hành nhất.
Vệ sinh: đầu tiên cắt lông phần gốc sừng, sau đó sát trùng kỹ toàn bộ phần sừng Gây tê: phóng bế thần kinh sừng bằng novocain 3% với lượng 10ml/bên. Vị trí
gây tê là trung điểm đường thẳng nối từ bờ trên hố mắt tới gốc sừng và rìa ngoài của xương trán.
Sừng trâu, bò có 2 phần: phần vỏ và phần tuỷ; chỉ phần tuỷ là có thần kinh và mạch máu nếu cưa chưa đến phần tuỷ thì không cần gây tê.
2.1.3. Phương pháp phẫu thuật
Dùng cưa đã sát trùng cưa thật nhanh, dứt khoát sau khi gây tê khoảng 15 phút. Nếu cưa tới tuỷ thì người phụ mổ phải chuẩn bị bông, vải gạc vô trùng để ép ngay vào vết cưa sau khi cưa xong. Ðối với trâu, bò do mạch máu của sừng rất lớn; khi cưa gần
tới gốc sừng, máu có thể bắn xa hàng m. Trường hợp này không thể cầm máu bằng vải gạc được mà phải dùng một thanh kim loại nung nóng áp ngay vào thiết diện cắt. Các đầu mạch máu sẽ quăn lại, kết hợp với ép bông vải gạc để cầm máu.
Sau khi máu đã cầm, dùng cồn iod 5% sát trùng lại vết cưa, rắc kháng sinh lên rồi dùng vải gạc vô trùng quấn quanh sừng theo hình số 8.
2.1.4. Hộ lý, chăm sóc
Không cho trâu, bò đầm ao hồ; làm cho nước bẩn tràn vào xoang sừng có thể gây nhiễm trùng tuỷ sừng dẫn đến nhiễm trùng lan xuống xoang trán. Theo dõi và thay băng hàng ngày, sau 7 ngày có thể tháo băng sừng.
2.2. Phương pháp cắt sừng
2.1. Chuẩn bị
Cố định, gây tê: phương pháp cố định, gây tê giống như trong phương pháp cưa sừng. Vệ sinh: cắt sạch lông vùng xung quanh gốc sừng, rồi rửa sạch bằng xà phòng
và nước lạnh sau đó lau khô rồi sát trùng bằng cồn iod 5%.
2.2. Phương pháp phẫu thuật
Sau khi chờ từ 10 – 15 phút cho con vật tê, ta rạch da xung quanh gốc sừng và về 2 phía ngược chiều nhau để mở rộng vết thương.
Bóc tách da để bộc lộ gốc sừng, sau đó dùng cưa sắc cắt cụt từ gốc sừng. Để cầm máu có hiệu quả, ta sử dụng thanh kim loại to bản nung nóng vừa phải áp lên thiết diện cắt 2 – 3 lần.
Sửa lại da sao cho khi khâu thuận lợi nhất, rắc bột kìm khuẩn vào thiết diện cưa. Khâu da lại theo phương pháp khâu từng nút.
2.3. Hộ lý, chăm sóc
Hộ lý chăm sóc như phương pháp cưa sừng.
2.3. Phương pháp hủy mầm sừng
Hủy mần sừng hay còn gọi là phương pháp khử mần sừng hay phá mầm sừng. Phương pháp áp dụng cho trâu bò dưới một tháng tuổi. Cố định con vật ở tư thế đứng (người khỏe mạnh dùng hai chân của mình kẹp chặt lấy cổ con vật, hai tay giữ chặt hai tai của vật nuôi).
Mầm sừng hơi nhú, hình tròn bên ngoài có màu đen, không có lông mọc. Cắt lông xung quanh vùng sừng mọc, sát trùng bằng cồn iod 5%.
Có thể sử dụng novocain 1% gây tê thấm cho mỗi bên sừng.
Dùng dao thật sắc cắt ngang sừng với độ dày khoảng 1mm. Sau khi cắt sẽ tạo thành thiết diện hình tròn, máu thấm đều. Sử dụng viên xút khan chà sát nhiều lần cho đến khi cầm máu thì thôi. Hay có thể dùng thanh kim loại nóng áp vào vùng máu đang chảy, dưới sức nóng của thanh kim loại sẽ tạo thành vảy trên vùng vừa cắt, giúp cầm máu.
Dưới tác dụng của xút hay sức nóng mầm sừng hay tổ chức xung quanh nó chết đi, sau 2 – 3 ngày vẩy khô bong ra kéo theo cả mầm sừng đã chết.
Chú ý: Khi dùng thanh kim loại nung nóng không nên để nhiệt độ quá cao sẽ gây bỏng cho vật nuôi.
2.4. Phương pháp vá mũi trâu bò
Trâu, bò bị sứt mũi không những rất khó sử dụng trong cày kéo, chăn dắt, chăm sóc mà còn làm mất vẻ đẹp tự nhiên của chúng. Phẫu thuật vá mũi trâu bò bị sứt có những mục đích sau:
- Phục hồi khả năng sản xuất, giúp cho việc chăn thả dễ dàng. - Lấy lại vẻ đẹp tự nhiên cho con vật.
Vá mũi trâu bò bị sứt dựa trên nguyên lý điều trị vết thương mới vô trùng. Trong thực tế đa số trường hợp mũi trâu bò bịsứt đều hoá sẹo do không được quan tâm điều trị kịp thời. Muốn tiến hành phẫu thuật vá mũi cần phải tạo vết thương mới. Khi tiến hành phẫu thuật phải chú ý những điểm sau:
- Cố gắng tiến hành phẫu thuật trong điều kiện vô trùng.
- Khi tạo vết thương mới phải cắt hết tổ chức hoá sẹo vì còn tổ chức sẹo thì vết cắt rất khó lành, thiết diện 2 vết cắt phải tương đối bằng nhau.
- Khi khâu phải áp chặt thiết diện 2 vết cắt vào nhau.
- Cầm máu triệt để, tránh để các cục máu đông nằm giữa 2 vết cắt.
- Ðối với những gia súc mà mũi bị viêm hoá mủ, hoại tử thì nên điều trị khỏi rồi mới tiến hành phẫu thuật vá mũi.
2.4.1. Chuẩn bị
Cố định gia súc trong giá 4 trụ và buộc chặt phần đầu vào giá sao cho phần đầu hơi thấp. Nếu không có giá 4 trụ có thể lợi dụng các gốc cây có hai chạc để kẹp đầu gia súc sao cho đầu gia súc không lắc qua lắc lại được. Tuyệt đối không được vật gia súc nằm dưới đất để tiến hành phẫu thuật vì máu có thể chảy vào khí quản.
Rửa sạch sẽ phần mặt gia súc bằng nước xà phòng. Phải rửa kỹ phần bên trong hốc mũi. Sau đó lấy vải gạc vô trùng lau khô.
Dùng cồn iod 5% sát trùng kĩ phần mũi từ trong ra ngoài, từ chóp mũi trên xuống chóp mũi dưới.
Sử dụng novocain 3% để gây tê thấm. Mỗi chóp mũi đưa thuốc vào hai điểm: ở bên trái và bên phải của chóp mũi. Đâm kim từ rìa ngoài của chóp mũi vào, một mũi từ trái qua phải và một mũi từ phải qua trái. Mỗi mũi tiêm 10ml. Phần chóp mũi trên cũng làm như vậy. Ðợi 10 phút cho thuốc tê phát huy tác dụng, sát trùng lại một lần nữa hai chúp mũi rồi phẫu thuật.
2.4.2. Phương pháp phẫu thuật
* Tạo vết thương mới
Tiến hành tạo vết thương mới ở phần chóp mũi dưới trước. Dùng dao cắt một thiết diện phẳng hình thang, đáy lớn nằm phía ngoài chóp mũi, đáy nhỏ nằm bên trong giáp với sụn mũi. Khi mổ phải dứt khoát, tạo ra mặt cắt bằng phẳng. Ðối với những con có tổ chức hoá sẹo cần cắt triệt để tổ chức này. Vết cắt nông, sâu tuỳ thuộc vào độ dày của tổ chức sẹo, cắt làm sao cho máu rớm đều là được. Sau khi cắt xong, người phụ mổ dùng vải gạc vô trùng ép chặt vào thiết diện cắt. Ðối với những vị trí có máu phun ra thì dùng panh kẹp lại để cầm máu.
Ðối với chóp mũi trên cũng làm tương tự, hai thiết diện mổ phải tương xứng với nhau. Sau khi cầm máu triệt để dùng penicillin 2tr UI hoà với 20 ml novocain 3% tiêm vào thiết diện hai vết mổ vừa để chống nhiễm trùng vừa bổ sung thuốc tê khi khâu.
*Phương pháp khâu
Đầu tiên phải khâu hai nút giảm sức căng. Nút thứ nhất, đâm mũi kim cách bờ vết mổ của chóp mũi trên 2cm xuống thiết diện cắt của chóp mũi trên, rồi rút kim. Tiếp tục đâm kim vào thiết diện cắt chóp mũi dưới sao cho mũi kim đi ra cách bờ vết mổ chóp mũi dưới cũng là 2cm. Sau đó thắt và cắt nút chỉ. Nút chỉ cắt phải để dài ở cả hai đầu vì sau đó còn dùng để buộc vải gạc che vết thương. Nút khâu giảm sức căng thứ hai cũng làm tương tự. Chú ý khi thắt nút chỉ người phụ mổ phải ép thật chặt sao cho hai vết mổ càng sát vào nhau càng tốt.
Khâu các nút bổ sung theo phương pháp khâu nút đơn. Có thể khâu thêm 4-6 nút khâu bổ sung tuỳ thuộc vào bề rộng của vết cắt. Mỗi mũi khâu bổ sung cách nhau 1cm. Sau khi khâu xong, chỉnh lại đường khâu, dùng cồn iod 5% sát trùng toàn bộ vết mổ. Sử dụng vải gạc vô trùng gấp lại vài lần, tẩm kháng sinh rồi đặt vào vết mổ, cố định gạc bằng đầu chỉ thừa của nút giảm sức căng.
2.4.3. Hộ lý, chăm sóc
Sau khi phẫu thuật xong phải nuôi nhốt gia súc để tránh gia súc gặm cỏ, uống nước bẩn gây nhiễm trùng vết mổ.
Hàng ngày cho vật ăn cỏ phải rửa sạch, để khô ráo rồi mới cho ăn; cho uống nước đun sôi để nguội có pha thêm một ít muối; tuyệt đối không cho trâu, bò đằm tắm.
Ðúng 7 ngày sau khi phẫu thuật phải cắt chỉ, khi cắt chỉ cũng phải cố định giống như khi phẫu thuật. Khi cắt chỉ vết mổ đã lành nhưng không được xỏ mũi ngay mà phải đợi 3 - 4 tháng sau mới được xỏ mũi.
2.5. Phẫu thuật cắt bỏ nhẫn cầu gia súc
Phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu dùng trong các trường hợp nhãn cầu bị tổn thương nghiêm trọng hoặc viêm, nhiễm trùng hóa mủ.
2.51. Chuẩn bị
Gia súc được cố định trên bàn mổ hay trên nền có lót rơm, cỏ khô. Mắt được phẫu thuật nằm phía trên.
Sát trùng bên trong hố mắt bằng dung dịch rivalnol 0,1% hay cresol 0,2%. Bên ngoài hố mắt bằng cồn iod 5%.
Dùng novocain 3% với liều lượng 20ml tiêm vào sau nhãn cầu để gây tê thần kinh mắt, làm cho nhãn cầu lồi ra.
Để đảm bảo cho phẫu thuật tiến hành thuận lợi, nên gây mê nông cho gia súc khi phẫu thuật.
2.5.2. Phương pháp phẫu thuật
Mở rộng hai mí mắt bằng hai móc mở rộng vết thương. Dùng kéo nhỏ cắt đứt kết mạc xung quanh nhãn cầu, đồng thời cắt đứt các cơ bám trên nhãn cầu. Dùng panh kẹp lôi nhãn cầu ra khỏi hốc mắt, sử dụng kéo cong cắt nhãn cầu sau đó dùng chỉ thắt cuống mắt lại để tránh xuất huyết. Hoặc có thể thắt cuống mắt trước rồi mới cắt bỏ nhãn cầu.
Dùng vải gạc vô trùng tẩm dung dịch sát trùng + kháng sinh đắp vào hố mắt (vừa giúp sát trùng, vừa giúp cầm máu). Sau khi đã cầm máu triệt để, ta khâu mí mắt một vài mũi khâu tạm sau 4-5 ngày thì cắt chỉ.
2.5.3. Hộ lý, chăm sóc
Để tránh nhiễm trùng cho vết mổ ta sử dụng kháng sinh tiêm cho gia súc từ 3-5 ngày. Cho vật nuôi nghỉ ngơi, ăn các loại thức ăn giàu dinh dưỡng.
Hàng ngày, kiểm tra vết mổ và nhỏ mắt bằng dung dịch kháng sinh (tobramycine, tobra-dex,…).
2.6. Phẫu thuật cắt tai
Phẫu thuật cắt tai trên thực tế phục vụ mục đích thẩm mỹ trên động vật cảnh (chó). Ngoài ra, phẫu thuật cắt tai còn dùng để xử lý các trường hợp động vật bị cắn rách tai, hay viêm hoại tử vành tai.
2.6.1. Chuẩn bị
Cố định gia súc nằm nghiêng về một bên, tai cần cắt ở phía trên. Cắt, cạo sạch lông vùng tai và gốc tai.
Sát trùng trong và ngoài vành tai bằng cồn iod 5%.
Gây mê, gây tê cho gia súc. Đối với phẫu thuật cắt tai, ta chỉ cần gây mê nông cho gia súc kết hợp với gây tê thấm.
2.6.2. Phương pháp phẫu thuật
Để tránh chảy máu nhiều trong quá trình phẫu thuật, người ta dùng sợi chun buộc ở gốc tai cần cắt. Hay dùng bộ kẹp tai chuyên dụng (có nhiều hình dạng khác
nhau) để kẹp vào tai cần cắt, vừa có tác dụng cầm máu, vừa có chức năng tạo hình đồng thời giúp người phẫu thuật dễ dàng khi thực hiện.
Các loại kẹp tai này có nhiều hình dạng, mô phỏng các dạng tai khác nhau. Tùy theo nhu cầu của gia chủ mà sử dụng kẹp thích hợp.
Trong trường hợp không có bộ kẹp tiêu chuẩn thì người phẫu thuật có thể sử dụng bìa cứng tạo nên các mẫu tai.
Cắt tai theo bộ kẹp đã kẹp sẵn trên tai.
Đối với phẫu thuật cắt tai cách cầm máu tốt nhất là sử dụng pháp đốt.
Kéo da phía ngoài vành tai trùm lấy sụn và vào trong vành tai, rồi khâu da tai ngoài với da tai trong. Sử dụng phương pháp khâu thùa khuy áo.
2.6.3. Hộ lý, chăm sóc
Công tác hộ lý chăm sóc động vật trong phẫu thuật cắt tai không có gi đặc biệt. Chỉ cần giữ gìn vệ sinh tốt, tránh tắm cho vật nuôi khi vết thương chưa lành hẳn. Sau 7 – 10 ngày có thể cắt chỉ.