- Đặt băng có đai hay khung sắt
3.6. Bệnh thối móng
Bệnh này thường xảy ra đối với bò sữa nhập nội giống cao sản, chưa thích nghi với điều kiện khí hậu thời tiết nóng ẩm mưa nhiều ở Việt Nam.
3.6.1. Nguyên nhân
Cho gia súc ăn thức ăn giàu đạm.
Bò nuôi nhốt tại chuồng thiếu vận động.
Chuồng trại của gia súc thường xuyên bị lầy lội, phân nước tiểu tích tụ tạo điều kiện cho vi khuẩn yếm khí tồn tại; khi móng chân vật nuôi bị tổn thương, vi khuẩn yếm khí xâm nhập vào gây bệnh.
Móng chân không được sửa chữa thường xuyên, phát triển không bình thường dễ bị tổn thương.
3.6.2. Triệu chứng
Bệnh chủ yếu phát sinh ở hai chân sau, thường có hai loại: bệnh xảy ra ở phần cứng (phần sừng) của đáy móng và bệnh phát sinh ở phần mềm của móng (kẽ móng).
* Bệnh ở đáy móng
Giai đoạn đầu có những triệu chứng giống như bệnh hà móng nhưng mức độ nặng hơn, con vật đi lại, đứng lên và nằm xuống rất khó khăn, kiểm tra đáy móng thấy có từ 1 – 2 vết loét nhỏ ở phần cứng của móng bằng đầu ngón tay. Khi dùng nạo móng hay dao nạo, gọt vết loét thấy càng sâu vết loét càng rộng, tổ chức sừng bị thối rữa và hoại tử càng nhiều, tạo thành hang hốc rộng và sâu bên trong, tổ chức sừng bị hoại tử lẫn với máu có màu đen bẩn như bùn có mùi thối. Vật nuôi bị què rất nặng.
* Bệnh ở phần mềm của móng
Vết loét xuất hiện ở kẽ móng, tạo thành vết thương nhiễm trùng yếm khí ăn sâu vào giữa hai móng. Hiện tượng nhiễm trùng và gây hoại tử có thể lan rộng đến các khớp giữa đốt thứ hai và đốt thứ ba của ngón chân.
Trong trường hợp này, chân con vật bị què rất nặng không thể đi lại được, nằm bẹp. Nếu không điều trị kịp thời con vật sẽ kế phát các bệnh về đường tiêu hóa hay nghiêm trọng hơn là bị nhiễm độc toàn thân.
3.6.3. Điều trị
Trường hợp nhẹ: dùng novocain 0,25% kết hợp với kháng sinh phóng bế dây
thần kinh bàn với liều lượng 10 – 15 ml. Mở rộng vết thương, sau đó dùng dao nạo sạch tổ chức hoại tử cho đến khi rớm máu đều trên toàn bộ vết thương. Sử dụng thuốc tím 5% hay oxi già 3% rửa vết thương sau đó rửa lại bằng cồn iod 5% một vài lần. Rắc bột kìm khuẩn hay bôi thuốc mỡ kháng sinh vào vết thương. Băng vết thương nhằm tránh nhiễm phân, nước tiểu. Xử lý móng thối hàng ngày cho đến khi khỏi bệnh. Chú ý nhốt gia súc trên nền chuồng cao ráo, sạch sẽ.
Trường hợp bệnh nặng: phẫu thuật cắt bỏ móng thối.