CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NHIỄM TRÙNG NGOẠI KHOA

Một phần của tài liệu BAI GIANG NGOAI KHOA TY 42 (Trang 98 - 99)

I. KHÁI NIỆM NHIỄM TRÙNG NGOẠI KHOA

Nhiễm trùng là tổng hợp các hiện tượng xảy ra trong cơ thể vật nuôi do sự tác động lẫn nhau giữa cơ thể và vi sinh vật xâm nhập vào trong nó. Dạng đỉnh điểm của quá trình sinh học này được thể hiện bằng sự phát triển của bệnh nhiễm trùng.

Nhiễm trùng ngoại khoa hình thành trên nền của những vết thương hay các phẫu thuật, để điều trị nó người ta dùng các thủ thuật ngoại khoa là chính, ngoài ra còn kết hợp với các phương pháp khác.

II. PHÂN LOẠI NHIỄM TRÙNG

Nhiễm trùng ngoại khoa gây ra bởi một loài vi sinh vật thì được gọi là nhiễm trùng đơn. Nhiễm trùng hỗn hợp là loại nhiễm trùng do nhiều loài vi sinh vật gây ra.

Nếu những nhiễm trùng tiên phát bị biến chứng bởi sự xâm nhập bổ sung của vi sinh vật khác loài thì gọi là nhiễm trùng thứ phát.

Nhiễm trùng nhắc lại là nhiễm trùng xuất hiện sau khi cảm nhiễm lại chính loài vi sinh vật trước đó gây nên.

Căn cứ theo thời gian tiến triển của nhiễm trùng người ta chia ra: nhiễm trùng quá cấp tính, cấp tính, á cấp tính và mạn tính.

Căn cứ vào đặc tính của tác nhân gây bệnh và phản ứng của cơ thể người ta chia ra 3 loại chính gồm nhiễm trùng hoá mủ, nhiễm trùng thối rữa và nhiễm trùng yếm khí.

Ngoài ra nhiễm trùng ngoại khoa do các loại nấm Actinomyces, Botriomyces,… gây ra được gọi là nhiễm trùng ngoại khoa đặc biệt.

III. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NHIỄM TRÙNG NGOẠI KHOA NGOẠI KHOA

3.1. Tính chất của vết thương

Vết thương ở những tổ chức có khả năng vận động càng nhiều, sự nhiễm trùng của vết thương càng phát triển nhanh.

Vết thương càng có nhiều tổ chức bị dập nát, nhiều vật lạ, nhiều cục máu đông, vết thương càng rộng, hình thái của vết thương càng phức tạp (có nhiều ngóc ngách, hình thành những hang túi, dịch viêm không thoát hết ra ngoài) thì tốc độ nhiễm trùng của vết thương càng phát triển nhanh.

3.2. Trạng thái cơ thể gia súc

Tình trạng dinh dưỡng của gia súc càng tốt thì sức đề kháng của cơ thể chống lại hiện tượng nhiễm trùng càng cao. Ngược lại gia súc bị suy yếu nhất là cơ thể bị rối loạn trao đổi chất, rối loạn quá trình điều hoà thần kinh miễn dịch, thiếu sinh tố, mất máu nặng thì tốc độ phát triển của nhiễm trùng càng nhanh.

Ngoài ra hệ thống thần kinh của gia súc cũng có vai trò rất quan trọng đối với sự nhiễm trùng ngoại khoa của vết thương, nó quyết định sự phản ứng và sự bảo vệ của cơ thể đối với nhân tố gây bệnh.

3.3. Vi sinh vật gây bệnh

Số lượng vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào trong vết thương càng nhiều, độc lực càng mạnh thì tốc độ phát triển nhiễm trùng càng nhanh, càng nặng. Ngoài ra trong vết thương cùng một lúc có nhiều loại vi khuẩn xâm nhập thì vết thương nhiễm trùng cũng phát triển nhanh và nặng hơn nhiều. Ví dụ: vết thương bị nhiễm vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) và các loại cầu khuẩn khác thì bệnh uốn ván sẽ xuất hiện rất sớm.

Một phần của tài liệu BAI GIANG NGOAI KHOA TY 42 (Trang 98 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(158 trang)