3.1. Gẫy xương
Gẫy xương là trường hợp xương bị phá hủy một phần hay toàn phần sự nguyên vẹn về hình thái giải phẫu của nó. Khi xương bị gẫy kéo theo những tổn thương của các tổ chức xung quanh như: cơ, gân, mạch máu, thần kinh bị đứt hay dập nát.
3.1.1. Nguyên nhân
Gẫy xương ở vật nuôi thường xảy ra do chấn thương cơ giới (tai nạn xe cộ, đánh đập, đánh nhau, ngã từ trên cao xuống,…).
Vật nuôi bị mắc các bệnh về xương: còi xương, nhuyễn cốt, loãng xương. Vật nuôi thường bị gẫy ở xương chi trong quá trình vận động, lao tác. Chó, mèo thường có nguy cơ bị gẫy xương cao hơn so với trâu, bò, lợn do chúng là những loài hiếu động, thường xuyên tiếp xúc với nguy hiểm.
3.1.2. Phân loại
* Căn cứ vào thời gian phát triển gẫy xương
Gẫy xương bẩm sinh: xảy ra trong quá trình phát triển của bào thai, do sự tác động của yếu tố ngoại cảnh lên cơ thể mẹ khi mang thai ở kỳ cuối.
Gẫy xương hậu sinh: là những trường hợp gẫy xương trong quá trình sinh trưởng, phát triển của gia súc. Chủ yếu là do các tác động về cơ giới hay các quá trình bệnh lý của xương.
* Căn cứ vào đặc điểm tổn thương của tổ chức
Gẫy xương kín: xương có thể bị gẫy một phần hay hoàn toàn nhưng da vẫn ở trạng thái hoàn chỉnh, không nhìn thấy đầu xương lòi ra.
Gẫy xương hở: gẫy xương kèm theo vết thương hở, đầu xương lòi ra ngoài. Trường hợp gẫy xương này thường rất nguy hiểm, nguy cơ nhiễm trùng vào xương rất cao do bị nhiễm bẩn khi lòi ra ngoài da hay do mảnh vụn của xương.
Gẫy xương hoàn toàn: xương bị gẫy rời ra
Gẫy xương không hoàn toàn: xương bị rạn nứt, không rời ra. Tổ chức bao bọc ngoài xương không bị rách. Thông thường kiểu gẫy xương này hay gặp ở chó.
* Căn cứ vào hướng của vết gẫy so với trục xương
Gẫy ngang: mặt cắt vết gẫy vuông góc với trục của xương. Gẫy xương chéo: vết gẫy tạo với trục xương thành một góc nhọn. Gẫy xương dọc: vết gẫy cùng chiều với trục xương.
Gẫy xoắn: vết gẫy xoắn theo trục của xương. Gẫy răng cưa: vết xương gẫy có hình răng cưa.
Gẫy phức tạp: vùng xương bị gẫy tạo thành nhiều mảnh vụn.
3.1.3. Triệu chứng
Gia súc bị gẫy xương thường xuất hiện các triệu chứng sau:
- Đau đớn: hiện tượng đau biểu hiện rõ hay không phụ thuộc vào vị trí gẫy xương, mức độ tổn thương của xương và tổ chức xung quanh. Hiện tượng đau xuất hiện ngay sau khi gia súc bị gẫy xương, kéo dài đến ngày thứ 3 sau đó giảm dần.
- Rối loạn chức năng: gẫy xương cản trở chức năng sinh lý của cơ quan bị gẫy. - Thay đổi hình thái: hình thái giải phẫu cơ quan của xương bị thay đổi về kích thước, vị trí.
- Vùng xương bị gẫy tổ chức sưng, thủy thũng rất nặng.
- Khi cầm chân con vật lắc thì nghe tiếng lạo xạo như hai mảnh sành cọ vào nhau.
3.1.4. Chẩn đoán
Dựa vào kết quả hỏi bệnh chủ gia súc: gia súc có bị tác động cơ giới hay không. Gia súc vận động bị động.
Chụp X-quang thấy xương bị gẫy.
Nếu gia súc bị gẫy xương chậu, sờ nắn qua trực tràng có thể phát hiện được bệnh.
3.1.5. Phương pháp xử lý gẫy xương
Đối với gia súc cày kéo, nuôi thịt, ngựa đua thì cần loại thải.
Vật nuôi nhỏ (chó, mèo), gia súc non, động vật quý hay thú cưng thì yêu cầu điều trị nên đặt ra.
* Phương pháp cấp cứu gẫy xương
Khi xương bị gẫy việc đầu tiên phải làm là cầm máu, đề phòng nhiễm trùng vết thương nhất là với trường hợp gẫy xương hở.
Giữ cho xương gẫy ở trạng thái yên tĩnh, tiến hành cố định hai đầu xương vào đúng vị trí của nó.
Tìm mọi biện pháp có thể được để làm cho gia súc ở trạng thái yên tĩnh, bớt cử động.
Nắn chỉnh và sắp xếp các đầu xương, mảnh xương bị gẫy vào vị trí cũ. Việc nắn chỉnh và sắp xếp phải được tiến hành trong điều kiện gây mê toàn thân hay gây tê cục bộ.
Chú ý: việc sắp xếp các đầu xương không để sai lệch, không để một phần tổ chức nằm chèn giữa hai đầu xương gẫy.
Cố định xương: có rất nhiều phương pháp cố định xương.
- Bó nẹp
Dùng các thanh tre, gỗ được bào trơn; kích thước tùy theo chiều dài của xương gẫy để làm nẹp cố định sương. Để đảm bảo sự lưu thông của máu, khi đặt nẹp cần dùng bông, vải gạc quấn vào nẹp. Khi đặt nẹp phải đặt đối xứng từng đôi một, dùng băng cuộn để cố định vị trí của nẹp rồi quấn chặt lại để cố định nẹp giữ chặt hai đầu xương. Trong những thời gian nhất định nên nới lỏng băng cố định một ít để giảm hiện tượng phù nề do tắc tuần hoàn cục bộ.
Hay sau khi đã chỉnh các xương về đúng trục giải phẫu của nó, dùng các nẹp bằng thép không gỉ ép theo chiều dọc của xương sau đó cố định các thanh nẹp bằng dây buộc. Việc sử dụng dây buộc có thể gây trở ngại tuần hoàn máu của màng xương do đó có thể thay thế bằng các đinh ốc. Các thanh nẹp được khoan các lỗ ngang tương ứng với nhau, dùng các đinh ốc cố định chúng lại.