III. Đối tượng nghiên cứu
3.3.2 Hoàn thiện chế độ quản lý ngoại hối
Để thực hiện tốt chính sách tỷ giá như đã đề cập thì việc trước hết là NHNN cần chuẩn bị một lượng dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường những lúc cần thiết. Quản lý dự trữ ngoại hối tốt sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, chính sách quản lý dự trữ ngoại hối còn gặp phải nhiều hạn chế:
Thứ nhất, hành lang pháp lý về dự trữ ngoại hối còn bộc lộ nhiều bất cập về tổ
chức và thực hiện, nghiệp vụ kiểm soát, quản lý nội bộ hoạt động dự trữ ngoại hối.
Thứ hai, chiến lược quản lý dự trữ ngoại hối vẩn còn thụ động, chưa tương
xứng với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Thực tế cho thấy, năm 2011 có lần mức DTNH đã giảm đến 12,6 tỷ USD và hiện nay thì tình trạng này đã được cải thiện trên 17 tỷ USD, tương đương 9-11 tuần nhập khẩu mà theo IMF thì mức này phải từ 12-14 tuần nhập khẩu mới được cho là an toàn. Định hướng chiến lược mới chỉ đặt ra để đáp ứng nhu cầu chi tiêu trả nợ Chính phủ, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế mà chưa tính đến tầm vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng kinh tế…
Thứ ba, điều chỉnh lại cơ chế mua bán các khoản thu, chi bằng ngoại tệ của
NSNN theo hướng tập trung ngoại tệ vào một đầu mối là NHNN, tạo điều kiện cho NHNN thực hiện tốt chức năng quản lý và điều hành thị trường ngoại tệ. Việc bộ tài chính nắm giữ ngoại tệ có thể đưa lại sự thuận lợi trong chi tiêu bằng ngoại tệ nhưng xét về tổng thể nền kinh tế thì đó vẫn mang tính chất lợi ích cục bộ mà chưa thể hiện sự thống nhất trong quản lý ngoại hối.
Vì vậy vấn đề hiện nay là nước ta cần tăng cường dự trữ ngoại hối thông qua các giải pháp cải thiện cán cân thanh toán quốc tế: thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu bán ngoại tệ lại cho ngân hàng hay trong thời gian khan hiếm ngoại tệ, cần quy định một tỷ lệ kết hối trong khoảng thời gian nhất định để ngân hàng có nguồn cung ngoại tệ cho thị trường. NHNN cần có những biện pháp nhằm tập trung dự trữ ngoại hối về một đầu mối để dễ dàng sử dụng nguồn ngoại tệ khi cần thiết, tránh việc mất đồng bộ giữa thu và chi và do đó, dẫn đến tính trạng lên chiến lược về lâu dài không chính xác với tình hình thực tế.
Mặt khác, chính sách quản lý ngoại hối hiện nay được cho là quá chặt, chưa thể đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ cá nhân và nhu cầu bảo hiểm rủi ro của các doanh nghiệp cũng vì thế mà chưa thể phát triển. Cần xây dựng một chính sách quản lý ngoại hối thông thoáng hơn, từng bước tự do hóa các giao dịch vãng lai, nới lỏng và tạo điều kiện cho các giao dịch vốn. Một điều tương đối thành công của chính sách ngoại hối hiện nay đó là tỷ lệ kết hối được giảm xuống 0%, một dấu hiệu cho thấy Chính phủ cũng đang cố gắng tự do hóa các giao dịch vãng lai để phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Nếu tỷ giá được ấn định một cách hợp lý, các doanh nghiệp sẽ không ngần ngại bán ngoại tệ cho ngân hàng, do đó sẽ không ảnh hưởng đến cung ngoại tệ trên thị trường. Vì thế, bước đi này là một bước đi quan trọng và đúng đắn cần được duy trì cùng sự phối hợp với chính sách tỷ giá. Một chính sách ngoại hối tốt sẽ tăng cường khả năng chuyển đổi cho đồng nội tệ trong các giao dịch ngoại hối, tăng khả năng hòa nhập, cải thiện cán cân thanh toán từ đó làm dồi dào nguồn dự trữ ngoại hối của nước ta.
Hơn nữa, về dịch vụ kiều hối Chính phủ đã có những chính sách nhằm thu hút ngoại tệ từ kiều bào, ví dụ như: trước đây người nhận kiều hối bắt buộc phải bán toàn bộ ngoại tệ cho ngân hàng thì nay họ được lựa chọn giữa việc nhận nội tệ hoặc là ngoại tệ. NHNN đã mở rộng mạng lưới làm dịch vụ tạo thuận lợi cho giao dịch của khách hàng. Nhờ đó mà lượng kiều hối tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên cũng có mặt trái của nó đó là NHNN không thể kiểm soát được lượng ngoại tệ rất lớn đang trôi nổi ngoài thị trường. Do đó, để quản lý được lương lớn ngoại tệ này thì Chính phủ nên cân nhắc việc chuyển kiều hối chỉ nên nhận bằng nội tệ, người thụ hưởng kiều hối khi có yêu cầu chuyển ngoại tệ ra nước ngoài sẽ được quyền mua lại lượng ngoại tệ theo như qui định của pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH1 với tỷ giá mua ngay thời điểm giao dịch.