Sự cần thiết nâng cao quyền tự chủ tài chính các trường dạy nghề công lập

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm nâng cao quyền tự chủ tài chính của các Trường dạy nghề trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Trang 27 - 33)

nghề công lập

Nếu phân theo mức độ tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên thì có ba loại hình ĐVSN gồm ĐVSN tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động, ĐVSN tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động và ĐVSN do NSNN đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động. Theo đó những quy định về cơ chế quản lý tài chính của mỗi loại hình cũng khác nhau. Đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động có mức độ về tự chủ lớn hơn đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động, đơn vị do NSNN đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động có mức độ tự chủ thấp nhất so với hai loại hình trên. Tính tự chủ tài chính càng cao khi mức độ kinh phí sử dụng phụ thuộc vào ngân sách nhà nước càng thấp. Việc quy

định như vậy đảm bảo tính linh hoạt, hiệu quả trong quản lý tài chính, khuyến khích sự phát triển của đơn vị, khuyến khích xã hội hoá hoạt động sự nghiệp.

Bên cạnh đó mỗi lĩnh vực sự nghiệp có những đặc thù riêng nên có những điều kiện, cơ hội khác nhau để phát huy, mở rộng, khai thác các nguồn thu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao chất lượng phục vụ.

Đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, nguồn kinh phí hoạt động được hình thành từ hai nguồn chủ yếu: nguồn kinh phí NSNN cấp và nguồn thu sự nghiệp (thu học phí, thu từ hoạt động dịch vụ, thu khác...) trong đó nguồn ngân sách nhà nước là chủ yếu. Giáo dục đào tạo luôn là lĩnh vực được Nhà nước ưu tiên, phấn đấu tăng chi ngân sách cho giáo dục chiếm 20% tổng chi NSNN tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập có cơ hội nâng cao chất lượng, tăng nguồn kinh phí phục vụ cho mục đích phát triển chiến lược giáo dục và đa dạng hoá các loại hình giáo dục. Thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục, Nhà nước điều chỉnh tăng học phí theo lộ trình. Từ đó các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập có thêm nguồn thu để nâng cao chất lượng giáo dục, giảm gánh nặng cho ngân sách băng cách tăng cường quyền tự chủ tài chính của các trường, giao quyền cho các trường trong việc tự quyết định học phí.

Như vậy, có thể thấy vấn đề tăng cường tự chủ tài chính tại các ĐVSN công lập phụ thuộc vào từng lĩnh vực, loại hình hoạt động và chức năng nhiệm vụ được giao của đơn vị.

Trước khi thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính, trong suốt một thời gian dài, Nhà nước ta áp dụng một cơ chế quản lý tài chính chung cho tất cả các cơ quan đơn vị từ các cơ quan hành chính đến đơn vị sự nghiệp. Cơ chế tài chính cũ chưa có sự phân biệt đối với các cơ quan nhà nước và các ĐVSN công lập. Mặc dù về tính chất hoạt động, chức năng và nhiệm vụ của ĐVSN công lập và cơ quan nhà nước là giống nhau. Hiệu

quả quản lý theo chức năng và nhiệm vụ của ĐVSN công lập bị gò bó và bị động trong thực hiện chức năng nhiệm vụ, có tư tưởng ỷ lại vào NSNN, không chủ động trong sử dụng nguồn ngân sách cấp và khai thác các nguồn tài chính vào đầu tư phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ với chất lượng ngày càng tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm của ĐVSN chưa được bảo đảm.

Cơ chế quản lý tài chính ĐVSN công lập được xác định trên cơ sở trách nhiệm và lợi ích của toàn dân nhưng chủ yếu quản lý chi tiết các yếu tố đầu vào hơn là “đầu ra” và “kết quả” nên không phát huy được quyền tự chủ, sáng tạo. Cơ chế phân phối và khuyến khích vật chất, tiền lương, tiền thưởng phúc lợi còn mang tính bình quân chưa tạo động lực khuyến khích ĐVSN công lập chủ động sáng tạo phát huy nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.

Cơ chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có thu ra đời trong quá trình thực hiện tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng điều hành các đơn vị sự nghiệp công để hoạt động theo cơ chế riêng, phù hợp, có hiệu quả. Ngày 16/01/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2002/NĐ-CP về cơ chế tài chính cho đơn vị sự nghiệp có thu. Trên thực tế khi được giao quyền tự chủ, các trường dạy nghề công lập đã chú trọng hơn trong việc phát triển và mở rộng các hoạt động dịch vụ để tăng thu. Tuy nhiên qua thực tế triển khai, cơ chế này đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, bất cập như đối tượng thực hiện chỉ giới hạn ở các đơn vị sự nghiệp có thu, phạm vi tự chủ mới chỉ ở lĩnh vực tài chính, các đơn vị sự nghiệp có thu chưa được trao quyền về nhiệm vụ tổ chức bộ máy biên chế. Nhằm khắc phục những hạn chế của Nghị định 10/2002/CP, ngày 25/4/2006 Chính phủ ban hành Nghị định 43/2006/CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các trường dạy nghề công lập trực thuộc Bộ NN&PTNT là một bước đi quan trọng thúc đẩy Bộ NN&PTNT rà soát lại và xác định đúng chức năng, nhiệm vụ, biên chế của các trường dạy trực thuộc Bộ NN&PTNT từ đó có cơ chế quản lý phù hợp, góp phần đẩy mạnh cải cách nền hành chính nhà nước, xoá bỏ tình trạng hành chính hoá các hoạt động sự nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trường dạy nghề trực thuộc Bộ NN&PTNT, chuyển dần từ cơ chế quản lý theo yếu tố đầu vào sang cơ chế quản lý theo đầu ra và kết quả hoạt động đối với trường dạy nghề trực thuộc Bộ NN&PTNT.

Các trường dạy nghề trực thuộc Bộ NN&PTNT đã phát huy mọi khả năng sẵn có của đơn vị về nguồn nhân lực, máy móc, trang thiết bị, phương tiện để sản xuất, cung ứng hàng hoá, dịch vụ ngày càng phong phú và đa dạng với chất lượng ngày càng cao cho xã hội, tạo điều kiện cho người học có cơ hội được tiếp xúc lựa chọn các hoạt động dịch vụ với nhiều cấp độ khác nhau, phù hợp với khả năng chi trả của họ. Đối với các trường dạy nghề công trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đã tổ chức nhiều hình thức đào tạo như đào tạo chính quy, đào tạo thường xuyên, đào tạo tập trung và đào tạo từ xa, tổ chức liên doanh liên kết đào tạo với nước ngoài, mời chuyên gia nước ngoài vào mở lớp đào tạo hoặc gửi đi đào tạo nước ngoài.

Cơ chế tự chủ tài chính cho phép và đòi hỏi các trường dạy nghề trực thuộc Bộ chủ động xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, xây dựng các chuẩn đánh giá “đầu ra” và “kết quả” của từng hoạt động, quyết định mức chi phù hợp với đặc thù của đơn vị. Từ đó đã sử dụng kinh phí NSNN cấp giao thực hiện tự chủ và các nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ tiết kiệm và hiệu quả hơn, góp phần cải thiện thu nhập cho cán bộ, viên chức với cơ chế phân phối theo hiệu quả công việc của từng bộ phận, cán bộ viên chức. Thu nhập của cán bộ, viên chức và người lao động ở các trường dạy nghề công lập trực

thuộc Bộ được giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính không chỉ được đảm bảo đủ tiền lương cơ bản theo cấp bậc chức vụ do Nhà nước quy định mà còn giải quyết được thu nhập tăng thêm ở các mức độ khác nhau từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ và tiết kiệm chi hoạt động thường xuyên.

Giao quyền tự chủ tài chính cho các trường dạy nghề công lập góp phần xoá bỏ cơ chế xin - cho, lành mạnh hoá NSNN, thúc đẩy thực hiện công khai và minh bạch tài chính ngân sách. Cùng với quá trình thực hiện cơ chế giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm cho các trường dạy nghề công lập thì căn cứ và định mức phân bổ ngân sách ngày càng rõ ràng, công khai và minh bạch hơn.

Với những kết quả đạt được như trên có thể khẳng định việc giao quyền tự chủ tài chính cho các trường dạy nghề công lập trực thuộc Bộ Nn&PTNT là đúng hướng phù hợp với tiến trình cải cách nền hành chính nhà nước, cho phép đòi hỏi các trường dạy nghề công lập tự chủ và tự chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động của mình hướng tới phục vụ xã hội, từng bước hướng tới thực hiện cơ chế quản lý ngân sách theo đầu ra và kết quả. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện:

+ Để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đầy đủ hơn và tạo động lực thúc đẩy các trường phát huy tốt quyền tự chủ của mình trong thực hiện nhiệm vụ, quản lý tài chính thì có cần khống chế mức thu nhập tăng thêm trả cho cán bộ, viên chức của các trường dạy nghề công lập hay không. Bởi quy định này giảm dần sự khuyến khích các đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ tích cực tìm kiếm các biện pháp hữu hiệu để tổ chức thực hiện quản lý tài chính, tiết kiệm các khoản chi, khai thác có hiệu quả các nguồn thu theo quy định của pháp luật. Vì vậy không nên khống chế tổng mức thu nhập tăng thêm trả cho cán bộ viên chức trong các trường dạy nghề công lập thực hiện cơ chế

tự chủ. Nếu quy định khống chế tổng mức thu nhập tăng thêm để đảm bảo công bằng thì nên sử dụng chính sách thuế thu nhập cá nhân.

+ Cơ chế giao quyền tự chủ tài chính thực chất là một bước khởi đầu chuyển đổi cơ chế quản lý theo đầu vào dần sang cơ chế quản lý theo đầu ra với nguyên tắc phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực hiện quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm của mình. Việc đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của các trường dạy nghề công lập bằng thước đo nào và đánh giá như thế nào để có thể xác định đơn vị đã thực hiện trách nhiệm của mình đến đâu và hoàn thành hay không hoàn thành. Giao quyền tự chủ tài chính cho các trường dạy nghề công lập với yêu cầu các đơn vị phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì việc kiểm soát và đánh giá đầu ra và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của đơn vị thực hiện tự chủ là quan trọng hàng đầu. Thực tế trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các trường công lập đang gặp khó khăn trong việc xác định và xây dựng các tiêu chí chuẩn mực để kiểm soát và đánh giá hoạt động nói chung và thực hiện nhiệm vụ được giao nói riêng.

Cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường dạy nghề trực thuộc Bộ NN&PTNT là bước đầu của sự trao quyền cho các trường dạy nghề chủ động sử dụng nguồn kinh phí NSNN giao và thực hiệm việc tạo lập nguồn thu tại các trường dạy nghề. Do đặc thù của các trường dạy nghề, kinh phí NSNN giao tự chủ tài chính nên việc chi tiêu gắn liền với trách nhiệm được giao, sản phẩm của các trường dạy nghề được kinh phí NSNN giao thực hiện dạy nghề sau khi sản phẩm hoàn thành, được bán ra thị trường thu lại một phần chi phí nên có đặc thù riêng,

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính các trường gặp phải nhiều vướng mắc như: Cơ chế chính sách của nhà nước còn thiếu đồng bộ, chậm đổi mới, chậm ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định 43

quy định, Bộ chủ quản phối hợp với các Bộ để ra văn bản hướng dẫn lĩnh vực Bộ chủ quản phụ trách nhưng hầu như các bộ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Việc phân cấp đầu tư, mua sắm tài sản, XDCB cho đơn vị tự thực hiện của Bộ chủ quản đã được thực hiện nhưng giá trị tài sản phân cấp còn thấp, nhiều định mức, tiêu chuẩn như định mức giờ giảng, chế độ thanh toán ngoài giờ... đã lạc hậu nhưng vẫn sử dụng làm hạn chế tính chủ động, tự chủ tài chính của các trường.

Nghị định 43/2006/CP thực chất chỉ là giao quyền tự chủ cho các trường trong việc tổ chức chi, chưa giao quyền tự chủ về huy động nguồn lực tài chính từ học phí do người học đóng góp. Đây là một bất cập lớn cho các trường trong việc chủ động tìm kiếm, huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển, thu hút nhân tài, xây dựng cơ sở vật chất nâng cao chất lượng đào tạo, trong khi ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đào tạo hàng năm tăng không đáng kể. Ngoài ra, Nhà nước chưa có hướng dẫn, chưa có quy định cụ thể về việc liên doanh, liên kết, về tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành, chất lượng và kết quả hoạt động của đơn vị được giao quyền tự chủ nên việc triển khai, thực hiện còn nhiều vướng mắc. Mặt khác, tính chủ động của các trường trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn mang tính hình thức.

Vì vậy, việc hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp là cần thiết nhằm khắc phục những bất cập của cơ chế tài chính hiện hành.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm nâng cao quyền tự chủ tài chính của các Trường dạy nghề trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Trang 27 - 33)