Mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương là một trong các mục tiêu rất quan trọng của DLST. Lợi ích có thể tồn tại dưới hai dạng trực tiếp và gián tiếp. Lợi ích trực tiếp là lợi ích mà người dân địa phương có được thông qua việc tham gia
vào hoạt động du lịch và có thu nhập. Chẳng hạn, tham gia cung cấp các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, bán hàng lưu niệm, tham gia hướng dẫn khách du lịch, v.v. Lợi ích gián tiếp là lợi ích mà người dân địa phương có được thông qua việc sử dụng các công trình phúc lợi như: đường xá, bệnh viện, trường học, hệ thống cấp và thoát nước, hệ thống điện, v.v, được xây dựng bằng nguồn kinh phí trích ra hàng năm từ lợi nhuận du lịch.
VQG Tràm Chim có Trung tâm đón và tổ chức cho khách tham quan, ăn uống và lưu trú tại Vườn nhưng doanh thu hàng năm cũng không đáng kể cụ thể như sau:
Bảng 3.6. Tổng doanh thu du lịch ở VQG Tràm Chim (2006 – 2010) Đvt: Ngàn đồng
Stt Năm Doanh thu
1 2006 143.480
2 2007 332.756
3 2008 317.080
4 2009 378.780
5 2010 435.620
Nguồn: Trung tâm Dịch vụ DLST và giáo dục môi trường VQG
Với nguồn doanh thu có được, ngoài trang trải các khoản chi phí phục vụ du lịch, số tiền còn lại Trung tâm dịch vụ DLST và giáo dục môi trường VQG trả lương cho nhân viên theo dạng hợp đồng với mức lương trung bình 1.500.000 đồng/người/tháng. Số tiền hàng năm mà Trung tâm dịch vụ DLST và giáo dục môi trường phải trả cho các nhân viên này là 108.000.000 đồng/năm.
Theo Giám đốc Trung tâm dịch vụ DLST và giáo dục môi trường VQG, doanh thu từ du lịch hàng năm không đủ chi cho các khoản chi phí dịch vụ và trả lương cho tất cả nhân viên của trung tâm du lịch. Chính vì vậy, hiện tại có 05 nhân viên thuộc diện biên chế được Nhà nước trả lương. Do điều kiện như vậy nên chưa có khoản tiền trích ra hàng năm để phục vụ cho lợi ích của người dân địa phương.
Việc tạo điều kiện cho người dân địa phương được tham gia vào các hoạt động du lịch ở VQG trong những năm qua cũng chưa làm được. Một vài nguyên nhân dẫn đến trường hợp này là vì số lượng du khách đến VQG hàng năm còn ít; hơn nữa, VQG có diện tích khá lớn và được chia cắt bởi nhiều kênh mương ăn thông gần khu dân cư
nên việc quản lý nhân viên rất khó khăn nếu mục đích của họ vào VQG để khai thác tài nguyên chứ không phải là làm du lịch.
Hiện tại ở các xã và thi trấn vùng đệm có khoảng 09 hộ kinh doanh nhà nghỉ. Hàng năm vào mùa du lịch cao điểm từ tháng 01 đến tháng 05 ở VQG cũng thường có một số lượng khách du lịch đến lưu trú. Họ chủ yếu là khách đi câu cá hoặc tham quan dưới hình thức tự tổ chức theo dạng gia đình, bạn bè. Thời gian nghỉ trung bình khoản 01 đêm. Có thể nói đây là lợi ích duy nhất nhưng rất khiêm tốn mà người dân địa phương được hưởng từ du lịch ở VQG. Tuy nhiên, đây chỉ là sự phát triển mang tính chất tự phát chứ chưa hề có sự liên kết nào với hoạt động du lịch ở VQG.