Giải pháp về tổ chức quản lý và quy hoạch

Một phần của tài liệu Một số giải pháp góp phần phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp (Trang 101 - 103)

a) Tổ chức quản lý:

VQG Tràm Chim là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp đối với mọi hoạt động tổ chức du lịch, bao gồm cả công tác tư vấn giúp cho Trung tâm Du lịch của Vườn chuẩn bị các dự án đầu tư phát triển du lịch.

Để tổ chức quản lý quy hoạch DLST Tràm Chim có hiệu quả cần thành lập Ban tư vấn phát triển du lịch bao gồm một số thành viên của các Sở, Ngành có liên quan trong tỉnh và các Viện, Trường, Trung tâm,… Ban tư vấn có nhiệm vụ tư vấn và góp ý cho việc triển khai các chính sách, cơ chế, kinh tế, tài chính để tạo ra môi trường phát triển thuận lợi cho công tác đầu tư thực hiện quy hoạch DLST, đồng thời góp phần tư vấn các dự án đầu tư nằm trong quy hoạch và điều phối việc thực hiện sao cho có kết quả nhất.

b) Quản lý theo Quy hoạch:

Ban Lãnh đạo VQG chỉ đạo cho trung tâm du lịch thực hiện quản lý chặt chẽ phạm vi và nội dung được quy hoạch, xác định rõ ranh giới quy hoạch du lịch.

Xác định các dự án có khả năng thực thi cao và hiệu quả lớn để ưu tiên đầu tư, hình thành chương trình DLST, tuyến DLST với nhiều sản phẩm, loại hình du lịch đặc sắc và hấp dẫn du khách. Có chính sách đầu tư thoả đáng nhằm cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới cơ sở hạ tầng ở các khu và tuyến DLST.

Bản chất của DLST là không thể phát triển một cách tự phát mà cần có quy hoạch thận trọng. Để DLST phát triển bền vững và hỗ trợ bảo tồn là phải có sự quản lý, thực hiện theo quy hoạch. Bởi vậy, việc quy hoạch DLST cần có sự phối hợp của các chuyên gia về sinh thái, bảo tồn, các nhà hoạch định chính sách cũng như các cấp lãnh đạo địa phương ở các xã và thị trấn vùng đệm VQG [12].

Việc quản lý, thực hiện hoạt động DLST theo quy hoạch nhằm đảm bảo các hoạt động du lịch không vi phạm các nguyên tắc và không đi quá giới hạn cho phép. Chính vì vậy, việc phối hợp quản lý, giám sát DLST trong quá trình phát triển cần

có sự thống nhất theo quy hoạch và phải luôn kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế và có hiệu quả.

c) Quản lý bằng các thủ tục hành chính, các nôi quy:

Xu hướng nhu cầu của khách du lịch hiên nay là thích tìm đến các khu tự nhiên hấp dẫn, hoang sơ, môi trường trong lành - nơi thích hợp cho DLST phát triển. Tuy nhiên, DLST không thể phát triển một cách ồ ạt và đáp ứng mọi nhu cầu của các loại khách với số lượng lớn. Vì vậy trong DLST cần đảm bảo sức chứa.

Ở VQG Tràm Chim các hoạt động du lịch điều do các nhà quản lý VQG trực tiếp giám sát và điều hành. Đây là điều kiện thuận lợi trong việc điều tiết lượng khách đến tham quan VQG. Đối với trường hợp vào những ngày đông khách nên ưu tiên giải quyết cho đoàn có đăng ký trước, đối với các đoàn có số lượng khách vừa phải cũng nên ưu tiên hơn đoàn có số lượng khách quá đông.

Ban hành các nội quy, quy định liên quan đến phát triển du lịch trong phạm vi VQG đối với các đơn vị, cá nhân điều hành du lịch, kể cả đối với khách tham quan. Trong những trường hợp có những hành vi vi phạm tùy theo mức độ mà có hình thức xử lý thích đáng.

d) Quản lý bằng cách điều tiết mức thu lệ phí:

Để đảm bảo chất lượng và giữ đúng bản chất của DLST, các nhà điều hành du lịch đôi khi cần phải thực hiện những biện pháp hạn chế số lượng khách tham quan. Nhưng rất khó để hạn chế số lượng khách đến tham quan trong khi họ chờ đợi để được mua vé vào tham quan.

Một biện pháp có thể điều tiết lượng khách nhằm tránh sự tập trung quá đông vào các ngày lễ, ngày cuối tuần là việc áp dụng biểu giá lệ phí du lịch với các mức khác nhau. Các lệ phí đó bao gồm phí tham quan, dịch vụ hướng dẫn, giá thuê phòng nghỉ, giá phương tiện vận chuyển, v.v. Chẳng hạn, tăng lệ phí đối với các ngày có xu hướng đông khách, trong khi đó lại giảm giá vào các ngày có xu hướng ít khách.

DLST đích thực là du lịch dành cho những khách thực sự có nhu cầu hiểu biết, trân trọng các giá trị của môi trường tự nhiên và văn hóa xã hội bản địa. Họ là

những người có các hành vi bảo vệ môi trường, đóng góp cho mục tiêu bảo tồn và phát triển cộng đồng.

Trong khi các khách tham quan thông thường đến VQG chỉ là “Để xem cho biết” nhằm thỏa trí tò mò lại ngần ngại khi mua vé vào tham quan và hạn chế chi tiêu, thì ngược lại, khách DLST đích thực thường sẵn sang chi trả cao hơn cho những kinh nghiệm du lịch lý thú và ủng hộ bảo tồn. Bởi vậy, một trong những biện pháp để hạn chế số lượng các du khách đại chúng là tăng lệ phí tham quan và các lệ phí dịch vụ du lịch. Như vậy, doanh thu vẫn cao mà lại hạn chế được các tác động lớn về môi trường do quá tải về du lịch.

Hoạt động du lịch ở VQG Tràm Chim mang tính mùa vụ rất sâu sắc. Để góp phần khắc phục tình trạng này, có thể giảm giá vé và giá các loại dịch vụ khác vào mùa vắng khách để khuyến khích khách du lịch đến tham quan.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp góp phần phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp (Trang 101 - 103)