* Nguồn: theo Tile M. (2003) [150]
* Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác
Smith (2007) [132] và Tile (2003) [150] tổng kết một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác trong chẩn đoán gãy khung chậu:
- Chụp cộng hưởng từ (MRI – Magnetic Resonance Imaging): MRI sử dụng trong gãy khung chậu thường để đánh giá các biến chứng tắc tĩnh mạch sâu của hệ tĩnh mạch chậu và chi dưới, ít được chỉ định trong lâm sàng.
- Siêu âm: siêu âm bụng đánh giá tổn thương các cơ quan trong ổ bụng, và trong chậu hông. Trong cấp cứu BN gãy khung chậu, sau khi tiến
hành xong công tác sơ cấp cứu ban đầu, cần thực hiện ngay siêu âm ổ bụng (tốt nhất là siêu âm tại chỗ, ngay tại phòng cấp cứu). Một số thương tổn siêu âm có thể nhanh chóng phát hiện được như: dịch tự do trong ổ bụng, khối máu tụ sau phúc mạc, tình trạng tổn thương bàng quang và một số tạng khác như gan, lách, tụy….Siêu âm Doppler đánh giá các biến chứng tổn thương mạch máu chi dưới.
- Chụp động mạch: phát hiện tổn thương động mạch vùng chậu, xác định chẩn đoán và tiến hành kỹ thuật làm tắc mạch, cầm máu trong gãy khung chậu có biến chứng tổn thương mạch máu.
- Chụp cản quang niệu đạo, bàng quang ngược dòng: phát hiện tổn thương niệu đạo và bàng quang.
1.3.3. Điều trị gãy khung chậu
* Cấp cứu, hồi sức BN gãy khung chậu
- Những trường hợp gãy khung chậu không vững đa số có tổn thương kết hợp nhiều cơ quan khác, thường nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, nổi bật là sốc mất máu, tình trạng toàn thân nặng, người bệnh thường nằm im, thở nhanh nông, da xanh, niêm mạc nhợt, chân tay lạnh, trán lấm tấm mồ hôi, mạch nhanh nhỏ >110 lần/phút, hoặc mạch ngoại vi không bắt được tùy theo tình trạng sốc.
- Theo nguyên tắc cấp cứu điều trị đa chấn thương ATLS (Advanced Trauma Life Support), Russell (2009) đưa ra quy trình xử trí tổn thương khung chậu theo các bước [122]:
Bước 1: Theo nguyên tắc ABC của hồi sức cấp cứu, kiểm tra ngay lưu thông đường hô hấp, nếu có ùn tắc đờm dãi hoặc dị vật phải lấy hết dị vật, hút sạch đờm dãi, thở oxy, đặt BN tư thế gối cao vai, đầu nghiêng về một bên tránh tụt lưỡi, nếu có suy hô hấp nặng phải đặt nội khí quản để bóp bóng hoặc thở máy hỗ trợ. (Nguyên tắc ABC: A= Airway with cervical spine control: kiểm
soát đường thở và cột sống cổ; B= Breathing: kiểm soát hô hấp; C= Circulation: kiểm soát tình trạng tim mạch).
Bước 2: Cho đặt ngay hệ thống dịch truyền một hoặc hai đường, nếu tình trạng BN nặng, nên đặt hệ thống truyền tĩnh mạch dưới đòn nhằm bổ sung dịch thể nâng huyết áp, theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm để chủ động tính toán số lượng dịch truyền. Trong hồi sức cấp cứu sốc chấn thương do gãy khung chậu, vai trò truyền máu vô cùng quan trọng, bổ sung lượng máu mất càng sớm càng tốt [26].
Bước 3: Tiếp theo, hoàn chỉnh xét nghiệm chẩn đoán, khám xét theo quy trình, tránh bỏ sót tổn thương [46], [77], [103], [104], [107].
- Khám toàn thân: đánh giá tình trạng mất máu, tìm nguyên nhân; khám hệ thần kinh trung ương, hệ tiêu hóa, tiết niệu sinh dục, hệ cơ xương...
- Khám khung chậu: xác định có gãy khung chậu hay không, nếu có phải đánh giá độ vững của khung chậu. Bất động tạm thời khung chậu bằng các dụng cụ chuyên dụng có sẵn hoặc băng ép đai quanh chu vi khung chậu để cố định tạm thời.
* Điều trị bảo tồn gãy khung chậu
Điều trị bảo tồn gãy khung chậu là phương pháp kinh điển thường được áp dụng nhất, hiện nay, đây vẫn là phương pháp điều trị gãy khung chậu phổ biến tại đa số các cơ sở điều trị ở nước ta.
Phương pháp thông thường, để BN nằm bất động tại giường hoặc gác cao hai chân trên khung Braunn (bất động tư thế "ếch"). Asley Cooper (1842), đề xuất phương pháp kéo liên tục bằng xuyên đinh qua lồi cầu xương đùi hoặc lồi củ trước xương chày, với lực kéo tạ 5 - 10 kg; Malgaigne (1859), đưa ra phương pháp điều trị bảo tồn bằng băng ép quanh chu vi khung chậu, tạo ra lực ép nắn chỉnh di lệch doãng khớp mu, hoặc nằm nghiêng và kết hợp kéo liên tục để điều trị gãy kiểu Malgaigne có doãng khớp mu.