Nếu như nạn nhân được sơ cứu tốt trong thời gian một giờ đầu và vận chuyển nhanh chóng đến bệnh viện thì sẽ giảm thiểu căn bản tỷ lệ tử vong do sốc chấn thương. Theo Katsoulis (2006), việc sơ cứu, chuyển viện càng sớm thì cấp cứu các chấn thương nói chung và gãy khung chậu nói riêng càng hiệu quả [72].
Trong nghiên cứu này, thời gian nạn nhân được chuyển tới bệnh viện từ 1giờ - 7,5 ngày, trung bình 23,7 ± 3,2 giờ. Số liệu cho thấy khả năng vận chuyển trong điều kiện như hiện tại ở nước ta cũng đã rất khả quan.
Hình 4.1. Đai vải băng ép quanh chu vi khung chậu. A. Hình ảnh đai vải khung chậu cố định trên BN.
B. Hình ảnh XQ khung chậu trước khi cố định. C. Hình ảnh XQ khung chậu sau khi cố định.
* Nguồn: theo Guyton J.L., Perez E.A. (2012) [66]
Tất cả các BN đều được tuyến trước sơ cấp cứu trước khi chuyển viện, nhưng chỉ có 16/94 BN (17%) khung chậu gãy được cố định tạm thời đúng kỹ thuật, 83% còn lại không được cố định hoặc cố định không đúng. Như vậy, mặc dù gãy khung chậu là một chấn thương nặng, phức tạp, nhưng thật sự chưa được lưu tâm đúng mức trong quá trình sơ cấp cứu ban đầu ở các tuyến.
Chúng tôi nhận thấy, kỹ thuật bất động tạm thời khung chậu gãy khá đơn giản và dễ áp dụng. Các tác giả Tile (1984, 2003) [147, 150], Routt (2002) [120], Krieg (2005) [78], Wayne (2006) [161], Spanjersberg (2009) [135], Tosoudinis (2010) [151], Guyton (2012) [66] ….cho rằng việc cố định tạm thời tại hiện trường có thể sử dụng ngay quần áo, vải, băng ép quanh chu
vi khung chậu hoặc dùng đai vải khung chậu (chúng tôi đang sử dụng dụng cụ này). Phương pháp cố định tạm thời bằng quần hơi chống sốc (pneumatic antishock garment) chưa phổ biến ở Việt Nam vì giá thành cao và chưa có bệnh viện, bệnh xá tuyến trước nào được trang bị.
Với tổn thương gãy hở khung chậu, ngoài các biện pháp cơ bản nêu trên cần băng ép vết thương và dùng kháng sinh phổ rộng liều cao + tiêm SAT 1500 UI sớm. Những trường hợp vết thương gãy hở thông với trực tràng hoặc âm đạo thì có thể phải nhét meches tạm thời để cầm máu.