Tổn thương kết hợp trong gãy khung chậu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu điều trị gãy khung chậu không vững bằng khung cố định ngoài (toàn văn + tóm tắt) (Trang 30 - 32)

Gãy khung chậu thường do một lực chấn thương mạnh gây ra, do đó ngoài tổn thương gãy xương của khung chậu còn kèm theo tổn thương nhiều cơ quan khác.

* Tn thương các cơ quan trong chu hông

- Tổn thương hệ tiết niệu, sinh dục

Tổn thương cơ quan tiết niệu, sinh dục chiếm tỷ lệ cao nhất của tổn thương các cơ quan trong chậu hông khi gãy khung chậu. Theo Demetriades (2002), nghiên cứu 1545 trường hợp gãy khung chậu, chấn thương hệ tiết niệu sinh dục chiếm 5,8% [49]. Nghiên cứu của Pavelka (2010), trong tổng số 302 trường hợp gãy khung chậu, chấn thương tiết niệu, sinh dục chiếm 16% (niệu đạo 7,5%; bàng quang 6%; âm đạo 1%; khác: 1,5%) [108].

Tổn thương bàng quang, có thể là đụng dập, rách hoặc vỡ. Nguyên nhân thường do các đầu xương gãy xuyên thủng hoặc do lực xé dọc khung

chậu làm cho bàng quang bị rách vỡ. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào cường độ lực chấn thương và lượng nước tiểu trong bàng quang. Tổng hợp của Gansslen (2007), chấn thương bàng quang chiếm từ 5-10% các gãy khung chậu, trong đó có tới 90% là tổn thương bàng quang ngoài phúc mạc, đây là loại tổn thương cần phải can thiệp ngoại khoa sớm để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn vùng chậu [trích 155].

Tổn thương niệu đạo, do đặc điểm giải phẫu, niệu đạo của nam giới dài, có đoạn niệu đạo màng xuyên qua hoành niệu dục, nên dễ bị tổn thương. Tổn thương niệu đạo tới 90% do gãy khung chậu, nhất là loại gãy có di lệch [108].

Tổn thương cơ quan sinh dục, hay gặp tổn thương ở cơ quan sinh dục nữ như: rách âm đạo, rách tử cung…. Chú ý các trường hợp đầu xương gãy chọc thủng âm đạo, tổn thương này dễ bị bỏ sót trong cấp cứu ban đầu, có nguy cơ mất máu và nhiễm khuẩn cao, nên khám BN nữ gãy khung chậu bắt buộc phải thăm khám âm đạo [11], [23].

- Tổn thương trực tràng và các cơ quan trong ổ bụng

+ Trực tràng nằm trong chậu hông, là cơ quan có thể bị tổn thương khi gãy khung chậu, nhất là trường hợp gãy có di lệch lớn. Gãy hở khung chậu vào trực tràng gây nhiễm khuẩn và nhiễm độc nặng, đây là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ hai trong gãy khung chậu, sau tử vong do sốc chấn thương. Nghiên cứu của Demetriades (2002)[49], với 1545 BN, gặp 14 trường hợp tổn thương trực tràng, chiếm tỷ lệ 0,9%.

+ Tổn thương các cơ quan khác trong ổ bụng: gãy khung chậu thường phải do một lực chấn thương mạnh gây ra, tổn thương không đơn thuần là gãy khung chậu mà còn tổn thương kết hợp các cơ quan trong chậu hông và nhiều cơ quan khác trong bệnh cảnh đa chấn thương [29], [37]. Demetriades trong 2 nhóm nghiên cứu của mình với 1545 BN, thông báo tỷ lệ chấn thương các cơ quan trong ổ bụng nói chung có 255 BN chiếm 16,5%, tỷ lệ gặp cao nhất là chấn thương gan 94 BN (6,1%), tiếp sau là chấn thương tiết niệu 5,8%, chấn thương tá tràng chiếm 0,1% [49].

- Tổn thương thần kinh

Tổn thương thần kinh ít gặp hơn trong gãy khung chậu. Theo Majeed (1989, 1990) [87, 88], tổn thương thần kinh là một trong các nguyên nhân làm cho phục hồi chức năng kém sau gãy khung chậu. Siegmeth (2000) gặp tỷ lệ tổn thương thần kinh là 25,6%, nhưng chỉ có 10/126 trường hợp ảnh hưởng lâu dài đến chức năng [trích 136]. Tổn thương hay gặp chủ yếu là các rễ của đám rối thần kinh cùng, đám rối trước xương cụt và nặng nhất là thần kinh hông to. Kobziff (2006) thông báo, tỷ lệ tổn thương thần kinh là 2,9% [75].

* Tn thương kết hp các cơ quan

Gãy khung chậu thường gặp cùng với bệnh cảnh đa chấn thương. Ngoài tổn thương khung chậu, các cơ quan trong chậu hông còn gặp rất nhiều tổn thương quan trọng khác của cơ thể như sọ não, bụng, lồng ngực, xương khớp lớn… trong bệnh cảnh đa chấn thương, tình trạng người bệnh thường nặng hơn, việc cấp cứu điều trị cũng phức tạp hơn. Tỷ lệ tổn thương kết hợp trong gãy khung chậu theo Balogh (2007), chiếm khoảng 45% [31]; Tổng hợp của Tosoudinis (2010), hơn 80% trường hợp gãy khung chậu không vững có chấn thương kết hợp các cơ quan khác trên cơ thể [151]; Thông báo của Parreira (2000), tỷ lệ chấn thương kết hợp trong gãy khung chậu, chấn thương đầu 37%, chấn thương mặt 4,8%, chấn thương ngực 25% và chấn thương xương khớp lớn khác 48% [trích 22].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu điều trị gãy khung chậu không vững bằng khung cố định ngoài (toàn văn + tóm tắt) (Trang 30 - 32)