McMurtry (1980) tổng kết 415 BN đa chấn thương có 79 trường hợp gãy khung chậu (20%) [trích 133]. Demetriades (2002) tổng kết và thông báo tỷ lệ sốc chấn thương trong gãy khung chậu tất cả các loại là >40% [49].
Trong một nghiên cứu của chúng tôi vào năm 2008 có 17/38 (44,7%) trường hợp gãy khung chậu không vững có sốc. Tỷ lệ sốc trong nhóm này là 68,1% (64/94 BN), cao hơn so với nghiên cứu trước đây. Như vậy, gãy khung chậu không vững là một chấn thương nặng có tỷ lệ sốc cao. Bên cạnh việc hồi sức, chống sốc tích cực ngay khi vừa nhập viện, thì việc phải khám tổng thể các chuyên khoa sớm, cố gắng không bỏ sót tổn thương là rất cần thiết, vì bất kỳ một thiếu sót nào trong chẩn đoán và điều trị đều đe dọa đến tính mạng người bệnh [5], [22], [132], [137], [138], [158].
Sau khi xác định chẩn đoán và đưa ra chỉ định cần can thiệp của tất cả các chuyên khoa, phải hội chẩn để thống nhất: chỉ định mổ, thứ tự ưu tiên cho từng phẫu thuật, trong đó, các phẫu thuật giải quyết nguyên nhân đe dọa tính mạng cần được ưu tiên xử trí trước, thứ tự xử trí theo chúng tôi là ưu tiên xử trí suy hô hấp trước tiên, giải quyết tình trạng ùn tắc đờm dãi làm thông đường thở và xử trí chấn thương ngực đe dọa suy hô hấp. Chúng tôi thường gặp trên lâm sàng là chấn thưong ngực có tràn máu màng phổi, cả 14 BN chấn thương ngực đều phải đặt dẫn lưu màng phổi trong đó có 9 trường hợp phải
đặt dẫn lưu màng phổi cấp cứu, 05 trường hợp đặt dẫn lưu muộn vào các ngày sau. Khi thấy BN xuất hiện tình trạng khó thở thì phải kiểm tra XQ lồng ngực xem có dấu hiệu tràn máu ở khoang màng phổi hay không.
Ưu tiên tiếp theo là xử trí cấp cứu các trường hợp mất máu lớn, cấp tính do nguyên nhân như vỡ gan, vỡ lách, tổn thương các mạch máu lớn… [63]. Chúng tôi gặp 03 trường hợp có tổn thương gan, sau khi nhập viện được chẩn đoán kịp thời, mổ cấp cứu khâu cầm máu vết thương gan, và đặt khung CĐN khung chậu; 03 trường hợp có vỡ lách được chỉ định cắt lách và 01 trường hợp thắt động mạch chậu trong 2 bên do khi vào hồi sức, truyền máu, đặt CĐN khung chậu, nhưng huyết áp không nâng được (21). Theo Chezar (2005) [39] và Hak (2004, 2009) [67, 68] khi đã đặt CĐN khung chậu mà huyết áp vẫn không ổn định nên chụp động mạch chậu và can thiệp mạch khi phát hiện điểm chảy máu trước khi chỉ định thắt động mạch.