Ciprofloxacin và Các Kháng Sinh Có Liên Quan
Đây là một nhóm kháng sinh mở rộng. Nhóm fluoroquinolon đã trở thành một nhóm lớn và có vai trò quan trọng như nhóm penicillin và cephalosporin. Lý do cho điều này đó là do chúng an toàn, đạt nồng độ trong máu khi được hấp thu qua đường uống và thẩm thấu rất tốt vào trong mô.
20.1. Tất cả các kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolon thường có tên gọi kết thúc bằng từ FLOXACIN. Để giúp bạn ghi nhớ được một vài dữ kiện về nhóm kháng sinh này, hãy tưởng tượng về một nhóm người khỏa thân điên dại, một đám người tội lỗi (FLOCK OF SINNERS).
Họ đang xoay (gyrate) hông như như thể họ đang khiêu vũ và nhảy nhót. Fluoroquinolon tác dụng bằng cách liên kết với ADN gyrase. Kết quả là làm bẻ gãy cấu trúc của ADN.
Trong cấu trúc cơ bản của quinolon, đặc điểm chính dùng để phân biệt được nhóm fluoroquinolon từ “người tiền nhiệm” của chúng, acid nalidixic, đó là việc thêm vào một gốc flo (fluorine), do đó chúng có tên là fluoroquinolon. Hiện nay, do sự phát triển các cấu trúc của quinolon nên cho phép phân loại chúng thành các thế hệ thứ nhất, thứ hai, thứ ba và thứ tư, kèm theo việc acid nalidixic chỉ có ở trong thế hệ thứ nhất.
Sự Đề Kháng Với Fluoroquinolon
Cũng giống như tất cả các kháng sinh khác, khi mà chúng được sử dụng quá tùy tiện thì các vi khuẩn đề kháng sẽ phát triển một cách nhanh chóng. Điều làm cho sự việc này trở nên đáng lo ngại đó là sự đề kháng với tất cả các kháng sinh nhóm fluoroquinolon. Nguyên nhân của sự đề kháng này đó là đột biến điểm (point mutation) trong các tiểu đơn vị ADN gyrase của vi khuẩn.
Nhóm kháng sinh mới này nên được sử dụng một cách cẩn thận để làm giảm tốc độ phát triển của vi khuẩn đề kháng thuốc.
Tác Dụng Phụ
Chúng có rất ít tác dụng phụ:
1) Một vài bệnh nhân chịu đựng sự khó chịu ở đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy), những điều này tương tự như doxycyclin và erythromycin. Đám người tội lỗi thường bị nôn mửa khi uống quá nhiều.
2) Loại thuốc kháng sinh này gây tổn thương sụn ở động vật. Tránh dùng chúng cho trẻ em, vì cơ thể trẻ em có rất nhiều sụn. Rất nhiều dữ kiện gầy đây cho thấy rằng fluoroquinolon có biểu hiện an toàn cho phụ nữ có thai. (Antimicrob Agents Chemother 1998;42:1336-9)
3) Nhóm fluoroquinolon, đặc biệt là ciprofloxacin, có liên quan đến viêm gân (tendonitis) và đứt gân (phổ biến nhất là liên quan đến gân gót Achilles).
4) Tác dụng phụ lên thần kinh trung ương thường hiếm khi xảy ra: đau đầu, bồn chồn, mất ngủ.
5) Do gây mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, việc sử dụng fluoroquinolon làm gia tăng nguy cơ viêm đại tràng do và tiêu chảy do Clostridium difficile. Một đánh giá hồi cứu gần đây về sự gia tăng cơn bùng phát tiêu chảy có liên quan đến Clostridium difficile ở Quebec, Canada, cho thấy việc sử dụng fluoroquinolon là yếu tố nguy cơ có liên quan hàng đầu.
6) Gatifloxacin được sử dụng bằng đường uống có liên quan đến tình trạng tăng và hạ đường huyết. Loại thuốc này đã bị loại bỏ ra khỏi thị trường, và hiện nay chỉ còn gatifloxacin ở dạng thuốc nhỏ mắt để điều trị viêm kết mặc mắt do nhiễm khuẩn.
Ciprofloxacin, không giống như nhóm quinolon thế hệ thứ ba và thứ tư, dường như chúng gây ức chế acid gamma-aminobutyric (GABA) và do đó có thể gây co giật ở những bệnh nhân có kèm theo suy thận hoặc khi sử dụng đồng thời với các thuốc gây giảm lưu lượng máu thận (ví dụ như thuốc kháng viêm không steroid).
Dược Động Học
Nhóm thuốc này đi qua hệ tuần hoàn gan ruột (được bài xuất ở mật và được tái hấp thu ở ruột) và sau đó là được bài xuất qua thận. Cho nên thuốc có nồng độ cao ở trong phân và nước tiểu.
Ngoài ra, chúng còn xâm nhập tốt vào trong xương và tuyến tiền liệt. Cuối cùng, chúng đạt được mức nồng độ cao ở bên trong tế bào.
Sử Dụng Lâm Sàng
Nồng độ thuốc đạt mức cao ở mô đích +
Có khả năng tiêu diệt vi khuẩn
=
Hữu ích về mặt lâm sàng
1) Ciprofloxacin có phổ tác dụng rất ít lên vi khuẩn Gram dương: Nó có tác dụng rất kém trong việc chống lại Streptococcus pneumoniae nhưng lại tác dụng khá tốt khi chống lại Staphylococcus aureus (ngoài ra còn có tác dụng chống lại bệnh than).
2) Hầu như các kháng sinh nhóm fluoroquinolon không có phổ tác dụng lên vi khuẩn yếm khí. Chú ý: Một vài loại kháng sinh fluoroquinolon mới đang gia tăng phổ tác dụng lên Streptococcus và Staphylococcus và thậm chí là cho thấy sự hứa hẹn trong việc tác dụng lên vi khuẩn yếm khí.
Vậy thì loại thuốc kháng sinh này tác dụng tốt lên cái gì?
3)Vi khuẩn Gram âm!!! Bao gồm:
a) Pseudomonas aeruginosa đa kháng thuốc. Chúng được sử dụng để điều trị những bệnh nhân mắc chứng xơ nang (cystic fibrosis), tất cả những người này đều bị xâm thực bởi tên vi khuẩn quỷ quái này.
b) Họ vi khuẩn đường ruột (những vi khuẩn ở đường trong tiêu hóa), không kể tới những vi khuẩn yếm khí. Chúng được sử dụng trong điều trị bệnh tiêu chảy được gây ra bởi loài Enterotoxigenic Escherichia coli (ETEC), Salmonella, Shigella và Campylobacter. Ngoài ra có thể sử dụng loại thuốc này để điều trị và phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở những người đi du lịch.
Nồng độ thuốc cao trong ruột + phổ tác dụng lên vi khuẩn đường ruột = Điều trị tiêu chảy.
c) Nhiễm khuẩn đường tiểu phức tạp (UTIs) được gây ra bởi chủng vi khuẩn đường ruột kháng thuốc (Pseudomonas…);
viêm tiền liệt tuyết và viêm mào tinh hoàn. Nồng độ thuốc cao ở thận, tuyến tiền liệt + phổ tác dụng lên vi khuẩn Gram âm = Điều trị cho UTIs.
20.2. Fluoroquinolon đạt nồng độ cao trong thận và có thể được sử dụng trong điều trị UTIs.
d. Vi khuẩn Gram âm ký sinh nội bào tùy ý, như là Legionella, Brucella, Salmonella và Mycobacterium. Nồng độ cao bên trong tế bào + phổ tác dụng vi khuẩn âm = Điều trị trong nhiễm Legionella, Brucella, Salmonella và Mycobacterium.
Những kháng sinh nhóm quinolon mới hơn đã được thiết kế sao cho lấp đầy “lỗ hổng” phổ tác dụng của ciprofloxacin. Levofloxacin đã được mở rộng phổ tác dụng lên những vi khuẩn Gram dương (Streptococcus pneumoniae, Enterococcus faecalis, Streptococci nhóm A, B, C và G). Nó được chỉ định chủ yếu trong điều trị viêm phổi mắc phải ở cộng đồng và trong nhiễm khuẩn da.
Moxifloxacin còn được đặt tên là “quinolon cho đường hô hấp” do nó đã được cải thiện tác dụng chống lại Streptococcus pneumoniae, cũng như là được cải thiện phổ tác dụng lên vi khuẩn yếm khí. Vì Moxifloxacin có tác dụng rất tốt trong việc chống lại vi khuẩn yếm khí cho nên gần đây nó đã được chấp thuận trong điều trị các nhiễm khuẩn ổ bụng theo kinh nghiệm.
Mặc dù có rất nhiều “cải tiến” cho các kháng sinh mới trong nhóm quinolon, nhưng ciprofloxacin vẫn có tác dụng hiệu quả nhất để chống lại Pseudomonas aeruginosa và có lẽ chỉ duy nhất loại này nên được sử dụng trong chỉ định nhiễm khuẩn Pseudomonas aeruginosa (có thể ngoại lệ với Levofloxacin).
Vì chúng còn có phổ tác dụng lên vi khuẩn không điển hình (Legionella, Mycoplasma và Chlamydia) cho nên chúng là những sự lựa chọn rất tốt để điều trị viêm phổi mắc phải ở cộng đồng.
Một số kháng sinh fluoroquinolon đã xuất hiện và biến mất do các dụng phụ mà chúng gây ra.
Ngoài gatifloxacin (bị loại bỏ do làm tăng và hạ đường huyết) thì còn có trovafloxacin cũng đã được thu hồi do gây độc tính lên gan, grepafloxacin do làm tăng các biến cố trên tim mạch và sparfloxacin do làm nhạy cảm với ánh sáng và Q – T kéo dài.