CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan về người cao tuổi
1.3. Đặc điểm quá trình lão hoá và sức khoẻ của người cao tuổi 1. Lão hoá
1.3.2. Những biến đổi giải phẫu và chức năng sinh lý ở người cao tuổi 1. Những biến đổi giải phẫu và chức năng sinh lý hệ thần kinh
Về mặt sinh lý, biến đổi thường gặp nhất là giảm khả năng thụ cảm như giảm thị thực, thính lực, khứu giác, vị giác, xúc giác; các khớp thần kinh giảm tính linh hoạt trong dẫn truyền xung động. Hậu quả là phản xạ không điều kiện chậm hơn, yếu hơn; hoạt động của thần kinh cao cấp có những biến đổi: giảm ức chế rồi giảm hưng phấn, sự cân bằng kém đi dẫn đến rối loạn hình thành phản xạ có điều kiện; thực tế thường gặp trạng thái cường giao cảm, rối loạn giấc ngủ với giấc ngủ không sâu, ban ngày dễ ngủ gà ngủ gật.
Về mặt tâm lý, nhiều người có sức khỏe bình thường vẫn giữ được một phong thái hoạt động thần kinh cao cấp như lúc còn trẻ. Khi sức khỏe giảm, tâm lý và tư duy có những biến đổi và mức độ biến đổi tùy thuộc vào thể trạng chung và thái độ của những người xung quanh. Đặc điểm tâm lý là hướng đời sống nội tâm, trí nhớ và kiến thức chung về nghiệp vụ vẫn khá tốt nhưng thường giảm ghi nhớ những việc mới, những vấn đề trừu tượng [33],[56],[99].
1.3.2.2. Những biến đổi giải phẫu và chức năng sinh lý hệ vận động
Có rất nhiều thay đổi diễn ra trong hệ cơ xương khớp của người già.
Những thay đổi tác động lớn đến sức khỏe và các chức năng sống của NCT [23].
Giảm tổng khối lượng xương và cơ. Giảm khối lượng xương diễn ra dưới dạng mất calci xương làm xương trở nên giòn và yếu, loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương. Ở phụ nữ hiện tượng này nổi bật hơn. Cần lưu ý rằng sự giảm khối lượng xương và cơ có thể được hạn chế bởi luyện tập TDTT.
Có sự giảm dần sức căng cơ, tính mềm dẻo và sức mạnh của cơ. Sau tuổi 30 khối lượng cơ bắt đầu giảm, đến năm 70 chỉ còn bằng một nửa so với lúc còn trẻ. Hậu quả là người già giảm sức mạnh và độ bền [23].
Lớp sụn nằm giữa các khớp mỏng đi, các mặt khớp dễ bị tổn thương.
Sự tổn hại của khớp dẫn đến viêm xương khớp, thường gặp ở người già.
Tập thể dục rất cần thiết để duy trì sức khỏe tuổi già, có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực lên NCT bao gồm khả năng duy trì sức mạnh và sức dẻo dai của hệ cơ xương khớp. Tất cả NCT nên được khuyến khích để tìm một chương trình luyện tập mà họ ưa thích và có thể tham gia thường xuyên. Luyện tập TDTT thường xuyên giúp làm chậm quá trình lão hóa trên hệ cơ xương khớp [28], [55].
1.3.2.3. Những biến đổi giải phẫu và chức năng sinh lý hệ tim mạch Đối với tim, nếu không có bệnh lý đi kèm thì khối lượng của cơ tim thường giảm, hệ tuần hoàn nuôi tim cũng giảm hiệu lực làm ảnh hưởng đến dinh dưỡng của cơ tim. Sự biến đổi ở tim trái rõ hơn, nhịp tim thường chậm hơn do giảm tính linh hoạt của xoang tim, việc cung cấp máu bị giảm dần.
Đối với mạch máu, các động mạch nhỏ ngoại biên hẹp lại làm mất một số mao mạch, giảm cung cấp máu đến các mô tế bào, làm tăng sức cản, hậu quả là tim phải tăng sức bóp. Tình trạng xơ cứng động mạch chủ cũng rất phổ biến. Tĩnh mạch giảm trương lực và độ đàn hồi, do đó dễ bị giãn.
Đối với thành phần sinh hóa của máu, nhóm bêta lipoprotein tăng, nhóm alpha lipoprotein giảm. Lượng lipide toàn phần, triglycerid, acid béo không este hóa, cholesterol trong máu đều tăng.
Đối với huyết áp, ở những người khỏe mạnh thì HATT tăng nhưng không vượt quá giới hạn (<29 mmHg) và HATTr tăng đến 8,6 mmHg so với còn trẻ [70].
1.3.2.4. Những biến đổi giải phẫu và chức năng sinh lý hệ hô hấp
Sự lão hóa chủ yếu ở hệ hô hấp ngoài với biến đổi về hình thái học và chức năng do nhiều yếu tố như: sụn sườn bị vôi hóa, khớp sườn – xương sống cứng, đĩa đệm thoái hóa, cơ lưng dài teo làm hạn chế cử động.
Tế bào biểu mô hình trụ phế quản dày và bong ra, tế bào biểu mô tiết dịch loạn dưỡng, chất nhầy giảm lượng và cô đặc. Lớp dưới biểu mô xơ hóa. Mô xơ quanh phế quản phát triển làm ống phế quản không đều, có chỗ hẹp chỗ phình.
Hoạt động lông rung giảm. Nhu mô phổi giảm mức đàn hồi, các phế nang cũng bị giãn ra. Về chức năng, các dung tích phổi đều giảm. Tỷ lệ thể tích khí thở ra trong 1 giây trên dung tích sống (VEMS/CV) giảm từ 75% xuống còn 50 – 60%.
Thông khí tối đa giảm rõ rệt, khả năng hấp thu oxy cũng kém hơn [32],[70].
1.3.2.5. Những biến đổi giải phẫu và chức năng sinh lý hệ miễn dịch Kháng thể dịch thể: Giảm nồng độ các kháng thể tự nhiên (kháng thể nhóm máu), giảm đáp ứng tạo kháng thể với kháng nguyên lạ, tăng sản xuất tự kháng thể (gặp ở 10-15% người già). Cơ chế: Có thể do giảm hoạt động của tế bào lymphoT ức chế.
Đáp ứng miễn dịch tế bào: Giảm phản ứng da: Tuberculin, DNCB (Dinitroclorobenzene); Giảm phân bào với chất kích thích: phytohemaglutinin, concanavalin A; Giảm sản xuất và giảm cả số thụ thể với Interleukin-2; Giảm sản xuất Interleukin-3, GM-CSF; Interleukin-4, 5, 6 thì bình thường hoặc tăng; Giảm hoạt tính và số lượng tế bào lympho TCD4 (giảm kháng thể).
1.3.2.6. Những biến đổi giải phẫu và chức năng sinh lý hệ tiết niệu Thận là một cơ quan bảo đảm sự thanh lọc các chất cặn bã khỏi cơ thể, là cơ sở thực hiện ổn định nội môi. Biểu hiện lão hóa xuất hiện sớm ở thận từ tuổi 20 với những biến đổi ở các mao mạch của thận. Đến khoảng 70 – 80 tuổi, số nephron còn hoạt động sẽ giảm khoảng 1/3 hoặc 1/2 so với lúc mới sinh. Những nephron mất đi được thay thế bằng mô liên kết, đó là hiện tượng xơ hóa thận và chức năng, mức lọc của vi cầu thận giảm dần.
1.3.2.7. Những biến đổi giải phẫu và chức năng sinh lý hệ tiêu hoá Đối với ống tiêu hóa, có hiện tượng thu teo nhưng ở mức độ nhẹ. Sự suy yếu các cơ thành bụng và các dây chằng dẫn đến trạng thái sa nội tạng. Đáng chú ý là sự giảm hoạt lực của các dịch và các men tiêu hóa. Nhu động của dạ dày và ruột cũng giảm theo tuổi, khả năng tiêu hóa hấp thu ở ruột giảm dễ dẫn đến sự rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến vấn đề dinh dưỡng [32].
Đối với gan, sự biến đổi được ghi nhận là giảm khối lượng, gan chỉ còn khoảng 930 – 980 gam lúc 75 tuổi so với 1.430 gam lúc 40 tuổi. Quá trình teo tế bào nhu mô gan đi đôi với quá trình thoái hóa mỡ. Chức năng gan kém dần, nhất là việc chuyển hóa chất đạm, giảm độc, tái tạo dễ có rối loạn chức năng.
Đối với túi mật và đường dẫn mật, ghi nhận tình trạng giảm độ đàn hồi, túi mật giãn ra nên dễ có rối loạn điều hòa sự lưu thông của mật.
1.3.2.8. Những biến đổi giải phẫu và chức năng sinh lý hệ nội tiết Hoạt động của hệ nội tiết thường gắn liền với hoạt động của hệ thần kinh.
Trong quá trình điều hòa mọi chức năng của cơ thểcó sự kết hợp chặt chẽ giữa thần kinh và nội tiết để hình thành một hệ thống điều hòa thần kinh thể dịch.
Biến đổi các tuyến nội tiết trong quá trình lão hóa không đồng thì và đồng tốc. Bắt đầu là tuyến ức, sau đến tuyến sinh dục rồi tuyến giáp trạng, cuối cùng là tuyến yên và thượng thận. Rối loạn thần kinh nội tiết có thể có nhiều biểu hiện đa dạng, tạo điều kiện cho một số bệnh tật phát sinh và phát triển như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, loãng xương… Ngoài ra, những sự biến đổi trong chức năng của các tuyến nội tiết cũng làm thay đổi những phản ứng thích nghi đối với các stress, thông thường xảy ra theo hướng cường giao cảm.