CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan về người cao tuổi
1.3. Đặc điểm quá trình lão hoá và sức khoẻ của người cao tuổi 1. Lão hoá
1.3.3. Khái niệm sức khoẻ và nâng cao sức khoẻ
Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không phải chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật (WHO, 1948). Trong định nghĩa này, sức khoẻ đã được quan niệm theo nghĩa rộng, không chỉ về thể chất mà cả những yếu tố khác, đó là tinh thần và xã hội [22].
Ngoài ra, định nghĩa này cũng hàm ý, để có được sức khoẻ, chúng ta không thể chỉ thực hiện việc phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng mà còn cần phải thực hiện các hoạt động mang lại đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú cùng các hoạt động cải thiện điều kiện kinh tế, xã hội.
Ngoài khái niệm được thống nhất sử dụng của WHO, trong thực tiễn còn tồn tại nhiều quan điểm khác tương đồng như:
Quan điểm của Bác Hồ về sức khoẻ: “Khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ như vậy là sức khoẻ” được đăng trong bài “Sức khỏe và thể dục”.
Cố GS. Phạm Song cũng cho rằng: Sức khỏe là trạng thái tinh thần hài hoà, cân bằng, sống có ý chí, lí tưởng, có kiểm soát.
Có thể thấy, các định nghĩa, các quan điểm được nêu lên đều có những điểm chung: Sức khỏe là trạng thái hài hòa toàn diện về cả thể chất, tinh thần và xã hội.
1.3.3.2. Nâng cao sức khoẻ Khái niệm nâng cao sức khỏe
WHO (1977) đã định nghĩa: NCSK là quá trình làm cho dân chúng nâng cao sự kiểm soát vấn đề sức khỏe và cải thiện sức khỏe của chính bản thân họ.
Mục đích của NCSKlà cải thiện sức khỏe con người và để con người kiểm soát nhiều hơn trên các vấn đề sức khỏe của họ.
Theo Bộ Y tế (1993), “NCSK là một quá trình nhằm giúp nhân dân tự thay đổi những hành vi có hại cho sức khỏe để chấp nhận thực hiện những hành vi tăng cường sức khỏe”.
NCSK là một khái niệm lần đầu tiên được chính thức đề cập trong Hiến chương Ottawa của WHO năm 1986. Khái niệm bắt nguồn từ khái niệm chăm sóc sức khoẻ ban đầu được đề cập trong bản Tuyên ngôn Alma Ata năm 1978.
Chăm sóc sức khoẻ ban đầu là phương cách, trong đó từng cá nhân, gia đình, cộng đồng tự ý thức và thực hiện việc chăm sóc sức khoẻ cho chính mình với sự hỗ trợ của ngành Y tế và các ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội [40],[62].
Còn NCSK chính là sự hỗ trợ, mà trong đó (theo WHO) quan trọng nhất chính là tạo khả năng cho người dân kiểm soát và NCSK của mình.
Chi tiết hơn, nguyên lý thực hiện NCSK thể hiện ở ba hoạt động chính:
-Xây dựng chính sách, đây là hoạt động nhằm thúc đẩy sự hoàn thành các chính sách mang lại sức khoẻ cho người dân.
-Tạo khả năng, là hoạt động nhiều mặt, bao gồm tạo môi trường thuận lợi, cung cấp thông tin, hướng dẫn kỹ năng sống và tạo ra các cơ hội, giúp người dân có khả năng chọn lựa những điều có lợi cho sức khoẻ.
- Phối hợp liên ngành tạo điều kiện phối hợp các ban ngành đoàn thể, tổ chức xã hội để tạo hiệu quả tốt cho sức khoẻ người dân đến mức cao nhất.
Ba hoạt động này cũng nói lên cơ chế của NCSK là “môi trường lành mạnh”, “tự chăm sóc” và “trợ giúp lẫn nhau” theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Y tế và phúc lợi quốc gia Canada đã nêu ra năm 1984 [35].
Như vậy, NCSK là một quan niệm tích cực do nhấn mạnh đến các nguồn lực cá nhân, xã hội, chính trị. NCSK không chỉ chú trọng đến hành vi, lối sống mà gồm cả môi trường sống, đường lối, chính sách tạo điều kiện cho sức khỏe [11],[40].
Các nguyên tắc NCSK
Các yếu tố ảnh hưởng và quyết định tới sức khỏe rất đa dạng. Theo mô hình của Lalonde (1974) cho thấy, các yếu tố bao gồm các nhóm:
Nhóm yếu tố sinh học; Hành vi, lối sống; Dịch vụ y tế; Môi trường.
Như vậy, muốn NCSK cần tác động đồng bộ các giải pháp với sự tham gia của cả xã hội và mỗi cá nhân dựa trên các nguyên tắc sau [35]:
(1) NCSK thu hút toàn bộ người dân trong bối cảnh sống hàng ngày của họ, không chỉ tập trung vào những người có nguy cơ cao cho một loại bệnh.
(2) NCSK hướng tới các hành động nhằm tác động lên các yếu tố quyết định tạo nên sức khỏe. Điều đó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành ngoài y tế do tính đa dạng của các điều kiện ảnh hưởng đến sức khỏe.
(3) NCSK kết hợp các phương pháp khác nhau: truyền thông, giáo dục, luật pháp, biện pháp tài chính, thay đổi về tổ chức, sự phát triển cộng đồng và các hoạt động của địa phương chống lại các mối nguy hiểm cho sức khỏe.
(4) NCSK nhằm vào sự tham gia cụ thể và có hiệu quả của quần chúng.
(5) NCSK trước hết là một thể nghiệm về mặt xã hội và chính trị, không phải là một dịch vụ y tế, mặc dù các nhà chuyên môn giữ vai trò quan trọng.
Quan điểm đổi mới của Đảng về NCSK nhân dân
Trước đây, Đảng, Nhà nước xác định 2 nhiệm vụ của công tác y tế là phòng bệnh, chữa bệnh, thì Nghị quyết 46/NQ-TW về công tác bảo vệ, chăm sóc và NCSK nhân dân trong tinh hình mới đã nêu ra một yêu cầu mới, đó là NCSK nhân dân. Bảo vệ, chăm sóc và NCSK nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo vệ nguồn nhân lực cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng tổ quốc, là một chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước.
Thực hiện chăm sóc sức khoẻ toàn diện, gắn phòng bệnh với chữa bệnh, phục hồi chức năng và tập luyện TDTT NCSK.
Bổn phận bảo vệ, chăm sóc và NCSK nhân dân là bổn phận của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng, là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội, trong đó ngành y tế giữ vai trò nòng cốt [58].
Mục tiêu nhấn mạnh phải NCSK, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực.
Trong nhiệm vụ và giải pháp đã chỉ ra, phải mở rộng và phát triển có hiệu quả các trương trình mục tiêu quốc gia về y tế và NCSK. Phát triển phong trào vệ sinh, phòng bệnh và TDTT. Triển khai mạnh các biện pháp kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kịp thời dự báo, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đối với sức khoẻ do thay đổi lối sống, môi trường và điều kiện lao động [11], [61].
Để thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi nhiều yếu tố tổng hợp, trong đó:
-Người dân được sống trong một chế độ xã hội mà Nhà nước quan tâm thực sự đến sức khoẻ nhân dân, luôn luôn ban hành những luật pháp, chủ trương chính sách nhằm bảo vệ, chăm sóc và NCSK nhân dân.
- Xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh, người dân được sống trong một xã hội có an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; có một nền tự do, dân chủ;
một xã hội công bằng, văn minh, mọi người có điều kiện phát triển toàn diện về mọi mặt; có đời sống kinh tế ổn định, gia đình ấm no, hạnh phúc.
- Tạo ra môi trường tự nhiên không bị ô nhiễm, ngăn chặn tình trạng phá rừng, chủ động và ngăn ngừa và hạn chế tác hại của mưa bão, lũ lụt, lở đất….
- Tạo ra đời sống văn hoá tinh thần phong phú, được hưởng thụ những thành quả văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, được khuyến khích và tổ chức để người dân tham gia tập thể dục, rèn luyện thân thể và các hoạt động thể thao.
- Xây dựng một xã hội mà con người có hiểu biết, có kỹ năng sống, có lối sống lành mạnh, trong sáng, xoá bỏ mê tín, dị đoan và các tệ nạn xã hội khác [61][62].
Các giải pháp NCSK nhân dân trong Nghị quyết 20-NQ/TW
Trong Nghị quyết 20-NQ/TW, các giải pháp được đề cập rõ ràng, cụ thể, đặc biệt các bộ phận tổ chức thực hiện là toàn bộ hệ thống chính trị chứ không riêng ngành y tế. Sau đây là các giải pháp cụ thể [9 ]:
- Tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân; xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về NCSK và tầm vóc người Việt Nam. Quan tâm các điều kiện để mỗi người dân được bảo vệ, NCSK, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.
- Khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng phù hợp cho từng nhóm đối tượng, khẩu vị của người Việt. Triển khai các chương trình bổ sung vi chất cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em, NCT.
- Khẩn trương hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Thực hiện việc kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc.
- Tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá.
-Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng xấu từ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu tới sức khoẻ.
- Đổi mới căn bản GDTC, tăng số môn tập luyện tự chọn trong nhà trường, kết hợp chặt chẽ với tập luyện ngoài nhà trường. Phát triển mạnh các phong trào rèn luyện thân thể. Tăng cường công tác y tế học đường.
- Phát huy hiệu quả các thiết chế, đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, TDTT. Tăng cường tuyên truyền, vận động xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh, vệ sinh; xoá bỏ các tập tục lạc hậu ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
- Triển khai các giải pháp phòng, chống thảm hoạ; bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động; phòng, chống cháy, nổ, bệnh nghề nghiệp.
Bài học rút ra cho việc NCSK người cao tuổi
Nâng cao sức khỏe cho NCT là một nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa các bệnh tuổi già gây nên.
Để tăng cường sức khỏe người già, trước hết cần xây dựng nếp sống lành mạnh, cởi mở, vui tươi, ăn ngủ – tập luyện điều độ là điều cần thiết để NCSK. NCT cũng nên từ bỏ những thói quen xấu như hút thuốc lá, uống bia rượu…
Để NCSK cho NCT thì việc vận động thường xuyên rất quan trọng, hoạt động này giúp làm chậm lại quá trình lão hóa của cơ thể, giúp cơ - xương - khớp dẻo dai hơn. Do đặc điểm thể chất mà NCT cần có chế độ tập luyện phù hợp với tuổi và trạng thái sức khỏe của mình. Những môn thể thao thích hợp là tập dưỡng sinh, đi bộ, đạp xe đạp với tốc độ thong thả, bơi lội nhẹ nhàng… Các hoạt động này cũng chỉ nên kéo dài khoảng 30 – 45 phút mỗi ngày và nên cách giờ ngủ ít nhất 3 tiếng để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi [45].
Ngoài ra còn có thể NCSK NCT bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, trong đó cần quan tâm trước hết tới việc bổ sung Vitamin và khoáng chất thiết yếu.
Tóm lại, qua phân tíchcho thấy, lão hóa là một quá trình sinh học tự nhiên và diễn ra liên tục trong đời sống cá thể sau tuổi trung niên, kết thúc ở cái chết. Các giả thuyết về lão hóa đã chỉ ra nguyên nhân và các biểu hiện của già hóa là kết quả
tương tác giữa cơ thể và môi trường, vì vậy, lão hóa không thể ngăn chặn.
Quá trình lão hóa gây nên những thay đổi về cấu tạo của cơ thể, dẫn đến sự thay đổi hình thái và chức năng sinh lý: giảm khả năng thích nghi, mất khả năng đối phó và sự suy giảm chức năng, dẫn đến việc NCT dễ mắc bệnh.
Lão hóa không thể ngăn chặn, nhưng có thể làm chậm quá trình đó nhờ vào sự nhận thức tích cực nhằm làm hạn chế các tác động bất lợi đối với sức khỏe. Nguyên lý thực hiện NCSK thể hiện ở ba hoạt động chính:
Xây dựng chính sách, Tạo khả năng - gồm tạo một môi trường thuận lợi, cung cấp thông tin, hướng dẫn kỹ năng sống và tạo ra các cơ hội chọn lựa những điều có lợi cho sức khoẻ và Phối hợp liên ngành.
Xác định việc NCSK là nhiệm vụ của toàn xã hội, vì vậy mỗi người có thể phát huy vai trò cá nhân để cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị này.