Giải pháp cho các bệnh viện trong triển khai cơ chế tự chủ

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của tự chủ bệnh viện đến sự hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện công lập chuyên ngành sản, nhi ở Việt Nam (Trang 177 - 181)

CHƯƠNG 5: BÀN LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

5.2. Khuyến nghị, giải pháp hoàn thiện chính sách tự chủ bệnh viện và đảm bảo sự hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ khám, chữa bệnh

5.2.2. Giải pháp cho các bệnh viện trong triển khai cơ chế tự chủ

Kết quả nghiên cứu định lượng đã khẳng định, việc giao quyền tự chủ bệnh viện không chỉ có tác động tăng cường sự hài lòng của người bệnh mà còn tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động của các bệnh viện, ví dụ: tự chủ bệnh viện có tác động tích cực và mạnh nhất đến yếu tố “Cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ của người bệnh”, tiếp theo là yếu tố “Thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế” và “Kết quả cung cấp dịch vụ” và cuối cùng là yếu tố “Khả năng tiếp cận” và “Sự minh bạch thông tin, thủ tục khám chữa bệnh” (kết quả đánh giá bằng mô hình định lượng); thêm vào đó, thực hiện tự chủ “Kết quả trung bình các chỉ số đầu ra, Năng lực chuyên môn, Hiệu suất, Hiệu quả”… của các bệnh viện tự chủ đều tốt hơn các bệnh viện chưa tự chủ (tổng hợp kết quả thống kê mô tả về các chỉ số hoạt động của các bệnh viện). Chính vì vậy, việc thúc đẩy tự chủ bệnh viện là cần thiết. Tuy nhiên, từ kết quả nghiên cứu định tính cũng cho thấy, tự chủ bệnh viện cũng làm nảy sinh nhiều bất cập (Phụ lục 3b, 4b), đặc biệt là những tồn tại về tiếp cận dịch vụ, phổ biến các quy trình, quy định; về tinh thần, thái độ của một số bộ phận NVYT … hay những băn khoăn về chỉ định, thực hiện phác đồ điều trị, chi phí và thanh toán chi phí KCB hoặc yêu cầu ngày càng cao về dịch vụ KCB mà

người bệnh, người nhà người bệnh đề cập đến trong phỏng vấn sâu (Bảng 4.23) càng đòi hỏi các bệnh viện phải có những giải pháp phù hợp trong triển khai tự chủ bệnh viện.

Thực tế tìm hiểu quá trình triển khai tự chủ của các bệnh viện của luận án cho thấy, để phát huy những tác động tích cực, hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực và đảm bảo thực hiện thành công cơ chế tự chủ, các bệnh viện cần phải thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ các bước, các nội dung công việc trong triển khai tự chủ bệnh viện , bao gồm (1)

“Xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch, quy chế, quy định triển khai cụ thể hoá chính sách tự chủ tại bệnh viện”; (2) “Hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị, nhân lực và tổ chức tuyên truyền, phổ biến về chính sách tự chủ trong nội bộ bệnh viện”; (3) “Phân công, phối hợp và tổ chức thực hiện chính sách tự chủ tại bệnh viện” và (4) “Kiểm tra, giám sát và tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo việc thiện chính sách tự chủ” (kết quả nghiên cứu định tính về việc triển khai cơ chế tự chủ tại các bệnh viện). Một số giải pháp cụ thể có thể áp dụng cho các bệnh viện trong tự chủ như sau:

Đầu tiên, các bệnh viện phải xây dựng kế hoạch phát triển bệnh viện và các phương án, kế hoạch triển khai thực hiện cơ chế tự chủ một cách rõ ràng, đồng bộ, sát với thực tế, đặc thù bệnh viện. Trong đó, cần phải chú trọng việc minh chứng từ số liệu thống kê hay bằng chứng khoa học trong lập phương án tự chủ, kế hoạch hoạt động bệnh viện. Sau đó phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách tự chủ đến từng khoa, phòng, bộ phận và cập nhật đến từng cá nhân trong bệnh viện để tạo sự thay đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động của toàn bộ NVYT, bao gồm cả lãnh đạo và viên chức, người lao động, đồng thời nâng cao nhận thức về chính sách và quyền lợi, nghĩa vụ của viên chức, người lao động trong bệnh viện, khuyến khích viên chức, người lao động chủ động thúc đẩy thực hiện chính sách và chủ động phối hợp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, cần không ngừng nâng cao năng lực quản lý, vận hành bệnh viện và triển khai các chính sách, chiến lược phát triển bệnh viện cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp trong bệnh viện. Ngoài ra, cần hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ; xây dựng, chuẩn hóa các quy trình quản lý, quy chế chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán, phác đồ điều trị trong nội bộ bệnh viện để đảm hoạt động bệnh viện được thông suốt; chú trọng ứng dụng kỹ thuật mới, những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị; minh bạch hóa các thông tin, thủ tục KCB để nâng CLDV KCB và đảm bảo hài lòng người bệnh.

Việc xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch, quy chế, quy trình, hướng dẫn… một cách nghiêm túc, bài bản sẽ khiến cho các hoạt động bệnh viện trở lên quy củ, rõ ràng hơn, kèm theo việc công khai, minh bạch hóa các thủ tục, thông tin khám, chữa bệnh với người bệnh sẽ giúp củng cố niềm tin của họ vào bệnh viện, tạo sự thoải mái cho người bệnh, thúc đẩy nâng cao sự hài lòng của người bệnh.

Những giải pháp tiếp theo cũng rất quan trọng để đảm bảo thực hiện thành công cơ chế tự chủ, đó là các bệnh viện phải tự nỗ lực, chủ động thúc đẩy các hoạt động bệnh viện, bao gồm: Đầu tư, cải tạo hạ tầng; công tác mua sắm, đấu thầu; mở rộng loại hình dịch vụ; đẩy mạnh đào tạo và chăm lo đời sống NVYT… nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu KCB cho người dân; ổn định thu nhập, nâng cao đời sống; nâng cao y đức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử và năng lực chuyên môn cho NVYT; đa dạng các loại hình dịch vụ tại bệnh viện và đảm bảo CLDV y tế…

Kinh nghiệm quốc tế, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và định hướng nhân viên là một trong những yếu tố đem lại thành công của tự chủ ở Kenya (Ravaghi và cộng sự, 2018).

Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả của việc thực hiện chính sách tự chủ, các bệnh viện cần có kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục (giám sát nội bộ đối với cả hoạt động tự chủ bệnh viện, hoạt động nâng cao CLDV KCB và đảm bảo hài lòng người bệnh). Giám sát có thể được thực hiện thông qua nhiều phương pháp và cách thức khác nhau, tùy thuộc vào quy mô, cơ cấu và quy trình hoạt động của từng bệnh viện.

Tuy nhiên, các cách tiếp cận thường được sử dụng, bao gồm: Thiết lập hệ thống báo cáo và giám sát: Bệnh viện cần thiết lập một hệ thống báo cáo rõ ràng để cung cấp thông tin về các hoạt động KCB và hoạt động tài chính và tiến độ thực hiện các kế hoạch công tác, chương trình hành động, chiến lược phát triển và chính sách tự chủ bệnh viện. Đồng thời, cần có một hệ thống giám sát chặt chẽ để theo dõi việc thực hiện chính sách tự chủ, các hoạt động nâng cao CLDV và đảm bảo hài lòng người bệnh tại bệnh viện; Kiểm tra thường xuyên: Đây là một cách thức giám sát hiệu quả, đảm bảo việc thực hiện chính sách tự chủ bệnh viện được tuân thủ đúng quy định; công tác chuyên môn được thực hiện đúng quy trình/kế hoạch và đảm bảo chất lượng. Việc kiểm tra này có thể được thực hiện bởi các cơ quan tư vấn độc lập hoặc tự kiểm tra trong nội bộ bệnh viện thông qua các ban kiểm tra, kiểm soát do Giám đốc bệnh viện quy định; Thẩm định định kỳ:

Thẩm định định kỳ có thể giúp bệnh viện đánh giá hiệu quả của các chính sách tự chủ và đưa ra các điều chỉnh cần thiết để đạt được mục tiêu phát triển của bệnh viện, nâng cao CLDV KCB, đảm bảo hài lòng người bệnh; Đánh giá hiệu quả: Việc đánh giá hiệu quả của các chính sách tự chủ bệnh viện và các biện pháp nâng cao CLDV, đảm bảo hài lòng người bệnh là cách giám sát quan trọng để đo lường sự thành công của việc thực hiện chính sách tự chủ bệnh viện và công tác quản lý CLDV. Đánh giá này có thể được thực hiện bằng các tiêu chí đánh giá như hoàn thành các chỉ tiêu chuyên môn KCB, tăng doanh thu, giảm chi phí, cải thiện CLDV, đảm bảo mức hài lòng người bệnh, tăng năng suất và tăng khả năng cạnh tranh của bệnh viện…

Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT quản lý bệnh viện đã trở nên phổ biến và cần thiết. Hệ thống thông tin hoàn thiện sẽ giúp công tác quản lý, điều hành bệnh viện đạt hiệu

quả cao hơn, đồng thời giúp đánh giá CLDV y tế, đánh giá hài lòng người bệnh cũng như hiệu quả hoạt động của bệnh viện chính xác hơn. Triển khai tự chủ bệnh viện, cung cấp bằng chứng nhanh chóng, chính xác cho việc ra quyết định cũng vô cùng cần thiết. Đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu và bằng chứng cụ thể sẽ giúp tăng tính minh bạch và công bằng trong quản lý bệnh viện, đảm bảo hiệu quả trong cải tiến CLDV, nâng cao hài lòng người bệnh. Ngoài ra, sử dụng hệ thống thông tin để cung cấp bằng chứng cũng giúp giảm thiểu sai sót trong quy trình quản lý bệnh viện và giám sát hoạt động tự chủ.

Thực tế đã chứng minh, việc tạo lập hệ thống thông tin quản lý tài chính ở cấp bệnh viện cũng đã giúp tăng tính minh bạch của các hoạt động tự chủ bệnh viện và góp phần tạo nên thành công của cải cách ở Afghanistan (Ravaghi và cộng sự, 2018).

Bảng 5.2. Tổng hợp các nhóm giải pháp cho các bệnh viện thực hiện tự chủ và các tác động kỳ vọng

Giải pháp Tác động đến hoạt động BV

và sự hài lòng của người bệnh Lập kế hoạch chi tiết các hoạt động tự chủ,

tính toán, phân bổ nguồn lực của bệnh viện hợp lý và hiệu quả; xây dựng, triển khai các quy chế, quy trình, quy định… trong hoạt động bệnh viện

Tạo phương hướng cho mọi hoạt động bệnh viện; giúp quản lý hiệu quả các nguồn lực; đảm bảo hoạt động KCB thông suốt; đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức về chính sách tự chủ và nâng cao năng lực quản lý, điều hành.

Hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của tự chủ BV và vai trò của NB trong tự chủ, tạo thực hành tốt của NVYT; quản lý, điều hành hiệu quả.

Kiện toàn tổ chức bộ máy triển khai chính sách tự chủ, phân công rõ ràng và đồng bộ cho từng cá nhân, đơn vị có liên quan trong bệnh viện.

Đảm bảo thông suốt, đồng bộ trong quá trình triển khai, vận hành các chính sách mới, các quy trình hoạt động bệnh viện mà chủ yếu là hoạt động KCB; nâng cao hài lòng NB.

Thúc đẩy các hoạt động đầu tư, cải tạo hạ tầng; mua sắm, đấu thầu; mở rộng loại hình dịch vụ; đào tạo chuyên môn, nâng cao y đức, chăm lo đời sống NVYT; minh bạch thông tin KCB…

Cải thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo đủ thuốc, vật tư, TTB; nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử và năng lực chuyên môn cho NVYT; đa dạng các loại hình dịch vụ, đảm bảo chất lượng dịch vụ;

củng cố lòng tin của người bệnh…

Kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục quá trình triển khai tự chủ; Thẩm định, đánh giá hiệu quả tự chủ.

Nắm bắt thực trạng, điều chỉnh kịp thời và đảm bảo hiệu quả trong thực hiện chính sách tự chủ bệnh viện và hoạt động bệnh viện.

Cải thiện hệ thống thông tin cấp bệnh viện và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý bệnh viện.

Cung cấp các bằng chứng, dữ liệu chính xác, thiết lập các công cụ hỗ trợ việc ra quyết định và triển khai hoạt động bệnh viện.

Nguồn: NCS đề xuất dựa trên kết quả nghiên cứu

Các khuyến nghị, giải pháp nêu trên được áp dụng có thể sẽ góp phần thúc đẩy được tác động tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của chính sách tự chủ bệnh viện;

đảm bảo việc triển khai cơ chế tự chủ bệnh viện được thực hiện theo đúng định hướng, quy định của nhà nước. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải biện pháp nào thúc đẩy tự chủ bệnh viện cũng đem lại thành công cho mọi bệnh viện và mọi giai đoạn của quá trình tự chủ BVC. Khi áp dụng vào thực tiễn, đối với các khuyến nghị, giải pháp từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần phải xem xét, cân nhắc và đánh giá từng giải pháp gắn với những giai đoạn nhất định trong thực thi chính sách tự chủ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và thực trạng của hệ thống y tế… Trong thực hiện nhóm giải pháp cho các BVC, bệnh viện phải chủ động đánh giá nguồn lực, những ưu và nhược điểm, những thành công và tồn tại, hạn chế trong nội bộ bệnh viện để áp dụng giải pháp phù hợp. Việc cẩn trọng và linh hoạt khi áp dụng khuyến nghị, giải pháp sẽ quyết định thành công trong thực hiện cơ chế tự chủ BVC.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của tự chủ bệnh viện đến sự hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện công lập chuyên ngành sản, nhi ở Việt Nam (Trang 177 - 181)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(233 trang)