CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN
2.3. Ảnh hưởng của tự chủ bệnh viện tới sự hài lòng của người bệnh
2.3.2. Ảnh hưởng tiêu cực của tự chủ bệnh viện tới sự hài lòng của người bệnh
Ravaghi và cộng sự (2018) cũng cho biết, tự chủ bệnh viện ở các nước đang phát triển làm giảm quyền tiếp cận các gói y tế cơ bản và tạo ra sự bất công trong việc tiếp cận các dịch vụ có chất lượng cao. Đánh giá về tự chủ bệnh viện ở Việt Nam, Wagstaff and Bales (2012) cũng tìm thấy một số bằng chứng về việc tự chủ dẫn đến chi trả ngoài BHYT cao hơn cho mỗi đợt điều trị, việc này có thể sẽ gây khó khăn cho đối tượng người bệnh nghèo, người bệnh thuộc diện chính sách. Như vậy, tự chủ bệnh viện có thể dẫn tới việc làm giảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, đặc biệt là các gói dịch vụ chất lượng cao, chi phí lớn hoặc gây ra những khó khăn trong chi trả chi phí KCB của người nghèo, người bệnh thuộc diện chính sách và làm giảm sự hài lòng của những đối tượng người bệnh này đối với những dịch vụ y tế mà họ nhận được.
Ravaghi và cộng sự (2018) nhận định, tự chủ bệnh viện đưa đến một số hậu quả không mong muốn đó là sự gia tăng trong việc cung cấp dịch vụ chi phí cao, dịch vụ có lợi nhuận và lạm dụng các dịch vụ chẩn đoán, nguyên nhân gia tăng dịch vụ lại xuất phát từ phía cung cấp dịch vụ (chứ không phải từ nhu cầu của khách hàng), tự chủ cũng làm gia tăng chi tiêu hộ gia đình/chi trả từ tiền túi của người bệnh. Allen và cộng sự (2014) khẳng định, tự chủ bệnh viện có thể xảy ra tình trạng tăng thu từ người bệnh quá mức. Do đó, làm tăng chi phí KCB và gây áp lực tài chính lớn hơn cho người bệnh và gia đình người bệnh. Ở Việt Nam, Bộ Y tế Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (2011) khẳng định có tình trạng tăng chỉ định sử dụng dịch vụ cận lâm sàng và trang thiết bị kỹ thuật cao ở một số bệnh viện tự chủ làm ảnh hưởng tới lợi ích của người bệnh. Bên cạnh
đó, Wagstaff and Bales (2012) cũng chỉ ra rằng, tự chủ có thể dẫn đến nhập viện nhiều hơn và tăng số thăm khám tại khoa ngoại trú, mặc dù hiệu quả không lớn. Tương tự, London (2013) cho biết tự chủ bệnh viện gắn liền với các phương pháp điều trị chuyên sâu và tốn kém hơn; trong các BVC hình thành và phân biệt rõ ràng giữa “dịch vụ do người bệnh yêu cầu” và dịch vụ “thông thường”. Võ Thị Minh Hải và cộng sự (2019) cho rằng, tự chủ BVC tạo ra hiện tượng tối đa hóa việc cung cấp dịch vụ cho người bệnh, trong đó có cả các trường hợp cung cấp quá mức cần thiết hoặc sử dụng quá nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, kê đơn thuốc không phù hợp... Việc tăng thu quá mức hay gia tăng dịch vụ do tác động của tự chủ (chứ không hẳn xuất phát từ nhu cầu khám, điều trị bệnh) chắc chắn không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực tới sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt là trong điều kiện xã hội phát triển, kinh tế tăng trưởng, khả năng tiếp cận thông tin truyền thông và khả năng nhận thức ngày càng cao của người dân.
Ngoài ra, liên quan trực tiếp đến kết quả cung cấp dịch vụ KCB, một nghiên cứu về tự chủ tại các bệnh viện ở Pakistan cho thấy, những cải cách này đã dẫn đến tình trạng không có sẵn các loại thuốc thiết yếu (Abdullah và Shaw, 2007), nghiên cứu khác của Ravaghi và cộng sự (2018) cho thấy tự chủ bệnh viện dẫn đến việc bỏ qua các dịch vụ cơ bản, những điều này ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả điều trị cho người bệnh và có thể làm giảm hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ KCB do các bệnh viện cung cấp.
Tóm lại, bất kỳ cải cách về chính sách nào cũng đem lại những tác động tích cực và cả tiêu cực, cải cách tự chủ bệnh viện công lập trong ngành y tế cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong cải cách chính sách đó là liệu rằng những lợi ích mà tự chủ bệnh viện đem lại cho người bệnh có vượt qua được những ảnh hưởng tiêu cực hay không?, và làm thế nào để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực và phát huy những tác động tích cực của chính sách tự chủ bệnh viện? Đây là những vấn đề đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách và có thể được trả lời bằng các nghiên cứu/đánh giá chính sách trong quá trình triển khai áp dụng vào thực tiễn.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 2
Tiếp nối các nội dung của chương 1, trong chương 2 này luận án đã nghiên cứu và trình bày được các nội dung cơ bản như sau:
Thứ nhất, trình bày được khái niệm, chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của bệnh viện công; khái niệm, phân loại và nội dung chính của cơ chế tự chủ bệnh viện; khái niệm sự hài lòng của người bệnh, dịch vụ khám, chữa bệnh; mối quan hệ giữa dịch vụ khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh.
Thứ hai, trình bày về cơ sở lý thuyết và mô hình lý thuyết, nội dung và việc ứng dụng một số bộ công cụ đánh giá sự hài lòng người bệnh tại Việt Nam, bao gồm: Bộ công cụ đánh giá hài lòng người bệnh dựa trên mô hình SERVQUAL của Parasuraman và cộng sự (1988); bộ công cụ đánh giá hài lòng người bệnh dựa trên mô hình SERVPERF của Cronin and Taylor (1992); bộ công cụ đánh giá hài lòng người bệnh dựa trên mô hình KQCAH của Sower và cộng sự (2001) và bộ công cụ đánh giá sự hài lòng của người bệnh do Bộ Y tế Việt Nam (2016) xây dựng và ban hành. Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu của luận án và thực trạng áp dụng các bộ công cụ đánh giá hài lòng người bệnh tại Việt Nam, luận án đã lựa chọn được bộ công cụ đánh giá hài lòng sử dụng trong nghiên cứu.
Thứ ba, tổng hợp và đưa ra những nhận định về hướng tác động của tự chủ bệnh viện tới các khía cạnh đánh giá sự hài lòng người bệnh đối với dịch vụ KCB và các tác động của những khía cạnh này tới sự hài lòng người bệnh. Cuối cùng là tổng hợp ảnh hưởng gián tiếp của tự chủ bệnh viện tới sự hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ KCB của các bệnh viện. Trong chương này, luận án trình bày cả những tác động tích cực và ảnh hưởng tiêu cực của chính sách tự chủ bệnh viện tới sự hài lòng người bệnh để cung cấp cho người đọc cách nhìn đa chiều về cơ chế tác động của chính sách.