CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
1.4. Khoảng trống nghiên cứu
1.4.1. Những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu trong đánh giá tác động của tự chủ bệnh viện công lập
Dựa trên tổng quan các công trình nghiên cứu về tự chủ BVC, khi so sánh các nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam thì thấy rằng, kết quả tác động của tự chủ BVC do các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra gần như tương đồng với kết quả tác động của tự chủ BVC ở Việt Nam trong việc đảm bảo các yêu cầu, mục tiêu của tự chủ, đó là:“Huy động các nguồn lực ngoài NSNN cho hoạt động các bệnh viện, nâng cao đời sống người lao động”; “tăng quyền tự quyết của bệnh viện - nâng cao hiệu quả công tác quản lý bệnh viện”; “đảm bảo trách nhiệm xã hội của BVC”. Tuy nhiên, với mục tiêu
“nâng cao CLDV KCB tại BVC” lại xuất hiện những khác biệt/mâu thuẫn về nhận định tác động của cơ chế tự chủ bệnh viện đến CLDV KCB giữa các nghiên cứu trong nước cũng như trên thế giới, cụ thể:
Tổng quan các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy những nhận định khác biệt về tác động của tự chủ BVC đối với chất lượng kỹ thuật và những kết luận trái ngược, mâu thuẫn với nhau về tác động của tự chủ đến sự hài lòng của người bệnh. Xem xét nội dung tương tự khi đánh giá về tự chủ BVC ở Việt Nam, một số nghiên cứu đã đưa ra hàm ý cho thấy tác động của tự chủ BVC đến chất lượng kỹ thuật là chưa rõ ràng và cũng còn nhiều trái ngược với nhau/với các nghiên cứu khác trên thế giới. Chưa có nghiên cứu về ảnh hưởng của tự chủ tới chất lượng chức năng của dịch vụ KCB trong các bệnh viện tự chủ ở Việt Nam. Do đó, việc xem xét, đánh giá tác động của tự chủ đến CLDV KCB nói chung, đặc biệt là tác động của tự chủ đến sự hài lòng của người bệnh nói riêng là những nội dung cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.
1.4.2. Xác định khoảng trống nghiên cứu
Xem xét riêng đối với các nghiên cứu có phần nhận định về tác động của chính sách tự chủ bệnh viện đến sự hài lòng của người bệnh, cho thấy: Về mặt lý luận, các nghiên cứu đi trước chưa chỉ ra cách thức đánh giá, nguyên lý tác động của tự chủ BVC tới sự hài lòng của người bệnh một cách thực sự phù hợp, khả thi, đáng tin cậy. Về mặt thực tiễn nghiên cứu, có những nhận định khác biệt/mâu thuẫn về ảnh hưởng tự chủ tới sự hài lòng của người bệnh trong các nghiên cứu và vì thế cần có nghiên cứu chuyên sâu hơn, toàn diện hơn để đưa ra kết luận cụ thể. Về mặt thực tiễn chính sách, cần thiết phải đánh giá ảnh hưởng tự chủ tới sự hài lòng của người bệnh trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ tự chủ ở các BVC (qua tổng quan tài liệu, NCS chưa tìm được công trình nghiên cứu nào đánh giá về tác động của tự chủ BVC đến sự hài lòng của người bệnh ở Việt Nam). Do đó, đánh giá ảnh hưởng của tự chủ BVC tới sự hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ KCB của các bệnh viện là khoảng trống cần phải nghiên cứu.
Những điểm khác biệt thể hiện điểm mới của luận án như sau: Thứ nhất, luận án thực hiện phân chia các bệnh viện chuyên ngành sản, nhi được lựa chọn trong nghiên cứu thành hai nhóm, gồm: i) Nhóm can thiệp (là những bệnh viện đã thực hiện cơ chế tự chủ được ít nhất hai năm) và ii) Nhóm đối chứng (là những bệnh viện chưa thực hiện cơ chế tự chủ) để phân tích sự khác biệt trong kết quả khảo sát sự hài lòng người bệnh giữa các nhóm bệnh viện. Kết quả khảo sát hài lòng người bệnh của cả hai nhóm bệnh viện này cũng được xem xét ở nhiều thời điểm khác nhau, tương ứng với trước và sau khi nhóm can thiệp thực hiện tự chủ để đánh giá khác biệt/biến động sự hài lòng của người bệnh theo các thời điểm tại mỗi nhóm bệnh viện và giữa các nhóm bệnh viện.
Việc phân nhóm bệnh viện và đánh giá ở nhiều thời điểm như vậy nhằm đảm bảo đồng thời chỉ ra được cả sự khác biệt/biến động hài lòng người bệnh giữa các nhóm bệnh viện và giữa các thời điểm đánh giá. Thiết kế nghiên cứu này khắc phục được nhược điểm của các nghiên cứu trước đây khi mới chỉ dừng lại ở việc so sánh đơn giản sự biến động của chỉ số hài lòng người bệnh theo thời gian (Gani, 1996; McPake và cộng sự, 2003;
Hawkins và cộng sự, 2009) hoặc theo nhóm bệnh viện (Jiang và cộng sự, 2016) hoặc dựa vào kết quả hoạt động chung của bệnh viện để nhận định mà không lượng hóa bằng dữ liệu (Collins và cộng sự; 1999). Các nghiên cứu nêu trên chưa đặt chỉ số hài lòng người bệnh cùng với tự chủ trong mối quan hệ phức tạp của các hoạt động bệnh viện.
Thứ hai, trong nghiên cứu định lượng, ngoài phương pháp thống kê mô tả, luận án còn sử dụng kết hợp phương pháp “khác biệt trong khác biệt” (DID) và mô hình hồi quy cấu trúc tuyến tính (SEM) để chỉ ra ảnh hưởng của việc giao quyền tự chủ bệnh viện đến sự hài lòng của người bệnh, đảm bảo phù hợp với thiết kế nghiên cứu và cho kết quả thống nhất, tin cậy, có tính thuyết phục hơn so với các nghiên cứu trước đây. Thứ ba, thay vì
chỉ ra tác động của tự chủ bệnh viện tới một chỉ số duy nhất là sự hài lòng của người bệnh như trong các nghiên cứu trước đây (Gani, 1996; McPake và cộng sự, 2003;
Hawkins và cộng sự, 2009; Jiang và cộng sự, 2016; ), luận án sẽ thảo luận về tác động của tự chủ bệnh viện lên từng yếu tố của dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) và thông qua các yếu tố đó chỉ ra ảnh hưởng của việc giao quyền tự chủ bệnh viện tới sự hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ KCB của các bệnh viện. Thứ tư, luận án không chỉ vận dụng toàn bộ bộ công cụ đánh giá sự hài lòng của người bệnh do Bộ Y tế ban hành và áp dụng bắt buộc trong cả nước, mà còn bổ sung yếu tố tự chủ bệnh viện để xây dựng mô hình định lượng nhằm đánh giá ảnh hưởng của tự chủ bệnh viện đến sự hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ KCB. Với việc tuân thủ chặt chẽ các kiểm định trong ước lượng, luận án khẳng định sự phù hợp, tin cậy của mô hình đề xuất.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Chương 1 tổng hợp và phân tích các công trình nghiên cứu đã được công bố trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan đến đề tài luận án, bao gồm các công trình nghiên cứu về tự chủ BVC; các công trình nghiên cứu về sự hài lòng của người bệnh; và tổng hợp, đánh giá các tác động của chính sách tự chủ BVC.
Theo kết quả tổng quan nghiên cứu cho thấy, rất nhiều công trình nghiên cứu về tự chủ bệnh viện đã được thực hiện, các nghiên cứu trong và ngoài nước về lĩnh vực này cũng chỉ ra những ảnh hưởng cơ bản của cơ chế tự chủ tới các hoạt động bệnh viện. Tổng quan cũng đã thực hiện so sánh kết quả đánh giá ảnh hưởng của tự chủ giữa các nghiên cứu và thấy rằng các nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam cho kết quả gần như tương đồng về ảnh hưởng tự chủ bệnh viện tới các mục tiêu “Huy động các nguồn lực ngoài NSNN cho hoạt động các bệnh viện, nâng cao đời sống người lao động”; “tăng quyền tự quyết của Bệnh viện - Nâng cao hiệu quả công tác quản lý bệnh viện”; “đảm bảo trách nhiệm xã hội của BVC” của tự chủ bệnh viện. Tuy nhiên, riêng mục tiêu về “nâng cao CLDV KCB tại BVC” thì lại xuất hiện những khác biệt trong đánh giá tác động của tự chủ đến mục tiêu này giữa các nghiên cứu hoặc giữa các quốc gia, đặc biệt là tác động của tự chủ đến “chất lượng chức năng của dịch vụ KCB, được đánh giá, phản ảnh bằng sự hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ KCB”, một số nghiên cứu về tự chủ BVC trên thế giới đã chỉ ra bằng chứng cho thấy tự chủ góp phần gia tăng hài lòng người bệnh, trong khi cũng có nghiên cứu khác báo cáo kết quả ngược lại hoặc không ghi nhận biến chuyển hoặc có nghiên cứu chỉ ra sự thay đổi tăng - chững lại - giảm nhẹ theo thời gian của hài lòng người bệnh trong quá trình thực hiện tự chủ BVC. Ở Việt Nam, qua tổng quan tài liệu, NCS chưa tìm được công trình nghiên cứu nào đánh giá trực tiếp về tác động của tự chủ BVC đến sự hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ KCB.
Ngoài ra, về mặt lý luận, các nghiên cứu chưa chỉ ra cách thức đánh giá, nguyên lý tác động của tự chủ bệnh viện tới sự hài lòng của người bệnh một cách phù hợp, khả thi, đáng tin cậy. Đây có thể coi là khoảng trống cho các nghiên cứu tiếp theo về tự chủ bệnh viện tìm hiểu, đánh giá. Phần cuối của chương này, sau khi xác định khoảng trống nghiên cứu, luận án cũng trình bày một số khác biệt (những điểm mới) của luận án.