CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG THÔN
2.3. Các nhân tố tác động đến phát triển kinh tế nông thôn
2.3.1. Nhân tố tác động bên ngoài
Trong bối cảnh hiện nay, tiến trình hội nhập nền kinh tế quốc gia với khu vực và thế giới đang trở thành một xu hướng chủ đạo diễn ra trên khắp các châu lục.
Tuy theo các mức độ hội nhập, mà mỗi một khu vực hay các nhóm liên kết lại hình thành lên các chính sách chung để quản lý và điều tiết các hoạt động của khu vực nói chung và quốc gia nói riêng. Như vậy, tùy vào mức độ hội nhập của quốc gia với khu vực và thế giới mà mức độ ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài đến phát triển kinh tế nông thôn là khác nhau.
Là một thành viên của Liên minh châu âu, chính vì vậy, việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế của Ba Lan chịu sự ràng buộc bởi các quy định, chính sách ở cấp khu vực EU. Trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, những biến động nổi bật của khu vực đã và đang tác động đến việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế nông thôn ở các nước thành viên cụ thể như:
Chính sách phát triển nông thôn của khu vực
Mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ với 19% dân số trên 44% diện tích khu vực EU và đóng góp chưa đến 13% GDP khu vực (EC,2018), song cải thiện cuộc sống
49
người dân khu vực nông thôn luôn được xem là một trong những trọng tâm ưu tiên trong các chính sách của Liên minh châu Âu. Những năm đầu thập niên thế kỷ XXI, khu vực nông thôn EU đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức ngày càng lớn, đó là sự suy giảm dân số ngày càng tăng ( giai đọan 2013- 2017, đã có 500 nghìn người dân nông thôn rời bỏ khu vực nông thôn)(EC,2018), hay xu hướng già hóa dân số với tỷ lệ người già ở khu vực nông thôn ngày càng cao. Bên cạnh đó, chênh lệch về thu nhập giữa người dân khu vực nông thôn và thành thị ngày càng tăng (GDP trên mỗi người dân ở khu vực nông thôn tương ứng với 66% mức trung bình của EU-28 so với 118% ở thành thị), và đặc biệt mức chênh lệch này còn lớn hơn ở các quốc gia là thành viên mới của EU… Hơn nữa, tại nhiều vùng nông thôn hẻo lánh, biệt lập thì khả năng tiếp cận các dịch vụ chung ( trường học, chăm sóc sức khỏe y tế) còn rất thấp bởi sự thiếu hụt, khó khăn trong vấn đề kết nối về cơ sở hạ tầng ( Hạ tầng cứng: giao thông, thủy lợi và hạ tầng mềm: dich vụ thông tin, khả năng truy cập internet, băng thông rộng).
Nhằm cải thiện cuộc sống người dân khu vực nông thôn EU, tại chương trình nghị sự năm 2000, Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua việc điều chỉnh chính sách nông nghiệp chung nông thôn ( Common Agricultural Policy– CAP) thành hai trụ cột chính: (1) Trụ cột thứ nhất- tập trung vào các cơ chế hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản cho người nông dân và (2) Trụ cột thứ hai - hay chương trình phát triển nông thôn (Francesco,2010). Các mục tiêu cơ bản trong chính sách phát triển nông thôn của EU đặt ra nhằm:
- Thúc đẩy sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Các trang trại nông nghiệp trong khu vực đạt hiệu quả cao về chất lượng sản phẩm gắn với việc đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực nông thôn, giải quyết các vấn đề bất bình đẳng trong phát triển vùng, khu vực.
- Thúc đẩy và đảm bảo sự phát triển bền vững về mặt xã hội như giải quyết các vấn đề nguồn lực lao động nông nghiệp nông thôn, vấn đề về chất lượng lao động nông nghiệp, các điều kiện trong sản xuất nông nghiệp nông thôn…
50
- Sử dụng nguồn lực, công nghệ phương thức sản xuất nông nghiệp, khai thác nguồn nước, tài nguyên hướng đến bảo vệ môi trường.
Các hoạt động được triển khai trong chính sách này được thực hiện thông qua các chương trình phát triển nông thôn ở cấp khu vực, và cấp quốc gia. Mỗi một chương trình sẽ kéo dài 07 năm được thực hiện với ngân sách từ khu vực, quốc gia và các nguồn tài trợ từ khu vực tư nhân.
Về mặt lý thuyết, đối với chương trình phát triển nông thôn, các quốc gia thành viên, trong đó có Ba Lan có thể quyết định và vận hành chính sách phát triển nông thôn hoàn toàn độc lập. Tuy nhiên, phương thức tiếp cận như vậy sẽ dẫn đến sự không hiệu quả và thiếu thực tiễn. Bởi lẽ, không phải tất cả các nước thành viên trong khối sẽ có thể đủ nguồn lực và khả năng tài chính để thực hiện các chương trình. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề ở khu vực nông thôn không chỉ giới hạn ở biên giới mỗi quốc gia hay khu vực, vì vậy, các vấn đề này cần được giải quyết thông qua một chính sách chung về phát triển nông thôn (Ví dụ, vấn đề ô nhiễm, tiêu thụ hàng nông sản, hay sự phát triển bền vững của cả khu vực…). Hơn thế nữa, chính sách phát triển nông thôn của EU có sự liên kết đến các chính sách khác được thiết lập ở cấp EU, do vậy, việc yêu cầu các nước thành viên tuân thủ thực hiện một chính sách chung-Chính sách phát triển nông thôn với sự điều phối và kiểm soát được đặt ở cấp khu vực sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất, để đảm bảo những mục tiêu chung mà khu vực đã đề ra (Francesco,2010).
Như vậy, với việc vận hành một chính sách phát triển nông thôn ở cấp khu vực, đòi hỏi Ba Lan, cũng như nhiều nước thành viên EU cần phải tuân thủ thực hiện theo những yêu cầu đề ra. Những điều chỉnh về mặt chính sách ở cấp khu vực như: Tăng giảm về ngân sách tài trợ thực hiện các dự án, chương trình phát triển nông thôn nông thôn (Cơ chế hỗ trợ tài chính được thực hiện qua các kênh như:Quỹ bảo đảm nông nghiệp châu Âu (EAGF); Quỹ phát triển nông thôn (EAFRD); Quỹ phát triển khu vực (ERDF); Quỹ phát triển xã hội (ESF)), đào tạo tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp khu vực nông thôn, thay đổi các quy định về phát triển thị trường hàng nông sản với việc phát triển các chuỗi cung ứng
51
an toàn thực phẩm…sẽ tác động mạnh đến kết quả thực hiện các chương trình phát triển nông thôn ở Ba Lan.
Với mục tiêu chung của chính sách phát triển nông thôn EU, trong những năm đầu thập niên thế kỷ XXI, Ba Lan cũng tập trung vào “chính sách phát triển nông thôn hẹp” đó là việc thiết lập các chương trình phát triển nông thôn quốc gia theo từng giai đoạn (Chương trình giai đoạn 2004-2006; 2007-2013; 2014-2020) nhằm tập trung giải quyết vào các mục tiêu cụ thể như: (1) Cải thiện khả năng cạnh tranh của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; (2) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông thôn; (3) Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông thôn; (4) Đa dạng hóa kinh tế nông thôn…Để đáp ứng các tiêu chuẩn gia nhập Liên minh châu Âu cũng như tận dụng được các cơ hội từ chính sách nông nghiệp, chính sách phát triển nông thôn, Ba Lan cũng đã nhanh chóng thực thi chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, chủ động hội nhập vào EU. Tích cực có những thay đổi khung khổ thể chế, lồng ghép và điều chỉnh chính sách theo những quy định của khu vực như chính sách thương mại, tài chính nông thôn, chính sách đất đai, tư nhân hóa... Những chính sách này được thực thi cùng với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại, cổ phần hóa các trang trại sản xuất nông nghiệp.
Cuộc khủng hoảng nợ công
Khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu bùng phát vào năm 2008 tại Mỹ đã lan sang khu vực châu Âu với điểm đầu tiên tại Hy Lạp sau đó đến Ai-len và tiếp tục lan ra hầu hết các quốc gia khác trong khu vực đồng Euro. Mức nợ công ở Hy Lạp đã lên tới 115% GDP và mức thâm hụt ngân sách 12,7% GDP, cao gấp 4 lần mức cho phép của khu vực đồng tiền chung châu Âu, các nước khác trong khu vực cũng như Đức, Pháp, Bồ Đào Nha lại tăng lên khá mạnh (Đức: từ mức 59,6% GDP năm 2001 lên tới 69,2% năm 2007; Pháp: từ 56,8% GDP lên 67% GDP năm 2007;
Bồ Đào Nha: từ 53,6% năm 2001 lên tới 70,6% năm 2007…) ( Muhammad ,2011).
Tính chung giai đoạn 2007- 2012 tỷ lệ nợ công của khu vực đồng Euro đã tăng 22.3%, đưa mức nợ công từ 66.2% to 88.5% GDP( ECB, 2011).
52
Cuộc khủng hoảng tài chính đã làm tổn thất hàng nghìn tỷ USD thu nhập tài chính của các nước thành viên EU, tác động tiêu cực đổ vỡ hàng loạt các ngân hàng, doanh nghiệp trong khu vực. Sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế, mức độ cạnh tranh của nền kinh tế thành viên yếu ớt, tình trạng thất nghiệp gia tăng đã gây ra những xung đột về mặt chính trị ở hầu hết các quốc gia ( ECB, 2011).
Những bất ổn về hệ thống tài chính, tăng trưởng kinh tế chung của cả khu vực đã gây ra những thiếu hụt về ngân sách chung của cả khu vực, cũng như những điều chỉnh ở cấp khu vực nhằm giải quyết vấn đề này đã tác động trực tiếp đến các chương trình phát triển kinh tế các nước thành viên EU nói chung và Ba Lan nói riêng.
Vấn đề di cư trong khu vực
Trong những năm gần đây, Liên minh châu Âu đang phải gồng mình với những thách thức mới đó chính là khủng hoảng nhập cư, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai gia tăng và Brexit. Vấn đề nhập cư đang trở nên cấp bách đối với hầu hết các nước khu vực châu Âu khi mà dòng người di cư từ khu vực Trung Ðông, Bắc Phi có xu hướng ngày càng gia tăng, đã và đang tạo ra những bất đồng ngày càng lớn trong nội bộ giữa các nước thành viên trong khu vực. Cụ thể, dòng người di cư từ các nước Trung Đông và Bắc Phi đổ về EU tăng đột biến trong năm 2015 và trở thành cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến 2. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2015, số người nhập cư đã lên đến 487,000 người , tăng gấp đôi so với năm 2014, và cũng là con số nhập cư cao nhất từ trước đến giờ ( Natalia,2015)
Trong bối cảnh như vậy, Liên minh châu Âu nói chung và các quốc gia thành viên nói riêng phải thực hiện các chính sách cắt giảm chi tiêu công, giải quyết tình trạng thất nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế…Chính vì vậy, việc dành ra các khoản ngân sách tài chính khổng lồ nhằm hỗ trợ cho những người nhập cư cũng là một trong những nguyên nhân gián tiếp tác động đến phát triển kinh tế nông thôn Ba Lan.
Tình trạng già hóa dân số: Già hóa dân số đang được xem là một trong những nguy cơ tác động đến sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn ở hầu hết các nước phát triển nói chung và Liên minh châu Âu nói riêng. Mức độ già hóa dân số
53
cũng đồng nghĩa với sự suy giảm về nguồn lực lao động, năng suất lao động và sự thiếu hụt nguồn cung lao động trong nông nghiệp. Số liệu thống kê tại khu vực EU cho thây, năm 2018 tỷ lệ người già trên 65 tuổi chiếm đến 19% dân số, tỷ lệ người già trên 80 tuổi cũng tiến đến 14,6%, tăng gấp 2 lần so với năm 2010 ( Eurostat, 2018)
Như vậy, nhằm giải quyết các vấn đề phát triển bởi những tác động do già hóa dân số, trong thời gian qua, ở cấp độ khu vực, Liên minh châu Âu đã có những động thái trong việc điều chỉnh chính sách về việc làm và an sinh xã hội, tăng các nguồn lực tài chính nhằm hỗ trợ và đảm bảo sinh kế bền vững…
Tăng các nguồn lực tài chính, chia sẽ hoặc giảm bớt ngân sách từ các chương trình phát triển nông thôn của EU cũng đang là những nhân tố tác động mạnh đến việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế của các thành viên trong khu vực.
Ảnh hưởng Brexit
Sự kiện Brexit với việc người dân Anh quyết định từ bỏ tư cách thành viên EU đã gây ra những tác động lớn chính sách nông nghiệp chung, tới thâm hụt ngân sách EU, vấn đề về liên kết khu vực…. Năm 2014, Anh đã đóng góp vào ngân sách EU tổng cộng 11,341 tỷ Euro (chiếm 9.73% trong tổng ngân sách trị giá 116,531 tỷ Euro); đứng thứ thứ tư về giá trị đóng góp chỉ sau Đức, Pháp và Ý. Con số này trong năm 2015 (trước thời điểm Brexit thống kê) đã tăng lên gấp rưỡi, đạt 18,209 tỷ Euro (chiếm 15.35% trong tổng ngân sách trị giá 118,604 tỷ Euro); đứng thứ ba về giá trị đóng góp chỉ sau Đức và Pháp. Ngược lại, Anh chỉ đứng thứ sáu trong số những quốc gia nhận lại hỗ trợ từ EU ( Amaro, S. 2017).
Số liệu năm 2016 cho thấy, mức đóng góp ngân sách của Anh là 12,2 tỉ bảng sau khi đã được EU trừ đi mức giảm ( Rebate) là 4,8 tỉ bảng và nhận được ngân sách hỗ trợ 4,1 tỉ bảng năm 2016, do đó thâm hụt trong đóng góp ngân sách giữa Anh vào EU là 8,1 tỉ bảng. Mức thâm hụt đặc biệt cao trong các năm 2013 là 10,2 tỉ bảng, năm 2015 là 10,7 tỉ bảng. Năm 2017, Anh là nước đứng thứ hai (sau Đức) có mức đóng ngân sách nhiều hơn mức nhận lại hỗ trợ từ EU là 5.3 tỷ bảng Anh.
Những nước nhận được hỗ trợ lớn hơn giá trị đóng góp chủ yếu là các quốc gia Trung và Đông Âu, bao gồm Ba Lan (8,6 tỷ bảng), Hungary (3,1 tỷ bảng), Romani
54
(3,4 tỷ bảng), Cộng hòa Séc (2,5 tỷ bảng), Bulgaria (1,5 tỷ bảng), Slovakia (1 tỷ bảng) (Matthew Keep, 2016).
Hàng loạt các quan ngại đã được đặt ra về tương lai của khu vực, khi mà hiệu ứng domino về việc rời bỏ EU có xu hướng ngày càng tăng. Nhiều quốc gia thành viên cũng muốn có những cuộc trưng cầu dân ý về việc rời đi hay ở lại EU, như ở Đan Mạch hay Hà Lan cũng đang gây ra những xáo trộn, những điều chỉnh về mặt thể chế,chính sách nhằm duy trì sự tăng trưởng và phát triển bền vững cho cả khu vực. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát chủ nghĩa dân túy chính là việc người dân ở nhiều quốc gia đang nhận thấy sự không công bằng trong vấn đề đóng và hưởng ngân sách, trong đó có vấn đề về ngân sách EU dành quá nhiều cho các nước thành viên mới trong đó có Ba Lan.