CHƯƠNG II: ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.3. Phương pháp nghiên cứu
2.3.1. Phương pháp điều tra, thu thập số liệu
Huyện An Nhơn tỉnh Bình Định có 15/15 xã và thị trấn có chăn nuôi bò;
13/15 xã và thị trấn có chuyển đổi đất trồng trọt sang trồng cỏ và trải rộng trên toàn huyện. Do đó, điểm nghiên cứu phải đảm bảo tính đại diện cho toàn huyện An Nhơn.
Hơn nữa mục tiêu chủ yếu của đề tài là nghiên cứu hiệu quả của việc chuyển đổi từ đất trồng trọt sang trồng cỏ nuôi bò, vì vậy các tiêu chí chọn điểm được xác định như sau:
- Điểm nghiên cứu phải có tính chất đặc trưng của huyện mà nó làm đại diện.
- Điểm nghiên cứu phải được bố trí tương đối đồng đều về mặt địa lý.
- Số lượng diện tích chuyển đổi từ đất trồng trọt sang trồng cỏ của xã điều tra phải gần với số lượng bình quân chung của toàn huyện.
- Xã phải có số lượng hộ nuôi bò có trồng cỏ đủ lớn để đáp ứng các yêu cầu khi chọn mẫu điều tra theo phương pháp ngẫu nhiên không lặp.
- Xã phải có hoạt động sản xuất nông nghiệp để có thể so sánh hiệu quả giữa trồng trọt và trồng cỏ nuôi bò.
Từ các tiêu chí trên, sau khi trao đổi với một số cán bộ chuyên môn ở phòng nông nghiệp huyện An Nhơn và thông qua khảo sát thực tế tại huyện, chúng tôi đã quyết định lựa chọn 3 xã có đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và tập quán sản xuất có thể đại diện cho huyện An Nhơn làm địa điểm nghiên cứu, đó là:
Xã Nhơn Lộc, Xã Nhơn Khánh và Xã Nhơn Phúc. Thông tin cơ bản về các xã điều tra như sau:
Bảng 2.6: Một số thông tin cơ bản về điểm nghiên cứu
Các chỉ tiêu Đơn vị tính
Nhơn Lộc
Nhơn
Khánh Nhơn
Phúc B/q toàn huyện 1.Diện tích đất tự nhiên ha 1.227,0 858,0 1.068,0 1.614.5
2.Đất nông nghiệp ha 821,0 592,8 666,4 756,8
3.Đất chưa sử dụng ha 78,4 19,3 109,8 280,2
4.Số khẩu hiện tại người 9.474 9.281 11.878 190.165
5.Số hộ hộ 2.137 2.320 2.762 2.452
Trong đó:
- Tỷ lệ hộ khá/xã % 11,1 14,2 14,7 15,2
- Tỷ lệ hộ trung bình/ xã % 80,7 79,3 78,3 78,1
- Tỷ lệ hộ nghèo/ xã % 8,2 6,5 7,0 6,7
6. Số bò hiện có con 3.157 2.960 2.792 2.445
7. Đất trồng cỏ ha 43 70 55,9 23,7
Nguồn: [39], [40], [41]
2.3.1.2. Thu thập số liệu
a) Thu thập các số liệu đã công bố
Số liệu thứ cấp được thu thập từ các tài liệu đã công bố như: Niên giám thống kê của các cấp, số liệu tổng hợp điều tra nông nghiệp nông thôn, các tài liệu, báo cáo của các cơ quan chuyên ngành và của các cấp như: UBND tỉnh, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Tài Nguyên và Môi trường, hội Làm vườn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Nhơn, UBND các xã điều tra. Ngoài ra, các báo cáo khoa học và kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả công bố trên sách báo, tạp chí chuyên ngành chăn nuôi, nông nghiệp, tài chính, Internet… cũng được sử dụng làm nguồn tài liệu thứ cấp.
b) Thu thập số liệu mới
Đề tài tiến hành điều tra bằng các phương pháp khác nhau để thu thập số liệu về tình hình, kết quả và hiệu quả của việc chuyển đổi đất trồng trọt sang trồng cỏ nuôi bò của địa phương. Các phương pháp dùng để thu thập số liệu mới là:
* Phương pháp phỏng vấn bằng bảng hỏi (Questionares):
Chúng tôi tiến hành chọn 240 hộ nuôi bò (bình quân 80 hộ/xã) để điều tra bằng bảng hỏi đã chuẩn bị sẵn cho mục đích nghiên cứu. Trong đó:
+120 hộ có trồng cỏ nuôi bò (bình quân 40 hộ/xã)
+120 hộ nuôi bò nhưng không trồng cỏ (bình quân 40 hộ/xã)
- Tiêu chí chọn hộ điều tra: Đặc điểm hộ nuôi bò ở An Nhơn bao gồm nhiều loại hộ (khá, trung bình, nghèo) với các điều kiện khác nhau. Việc chọn hộ điều tra cần phải mang tính đại diện cho các loại hộ. Do vậy các tiêu chí chọn hộ điều tra là:
+ Hộ phải có chăn nuôi bò để có thể đánh giá hiệu quả của việc chuyển đổi từ đất trồng trọt sang trồng cỏ, đồng thời xem xét các khoản chi phí đầu tư cho nuôi bò và thu nhập hỗn hợp của hộ từ nuôi bò.
+ Hộ có chuyển đổi đất trồng trọt sang trồng cỏ để tính chi phí cho trồng cỏ và đánh giá tác động của trồng cỏ đến thu nhập hỗn hợp của hộ từ trồng cỏ nuôi bò.
- Loại hộ điều tra: Về nguyên tắc, hộ điều tra phải đảm bảo đại diện cho các loại hộ khác nhau như: khá, trung bình và nghèo (được phân loại theo tiêu chí mới của bộ Lao động thương binh và Xã hội). Nhưng qua khảo sát tại các xã điều tra, chúng tôi thấy:
+ Thực tế số hộ trung bình chiếm tỷ lệ lớn nhất (khoảng 80%) trong tất cả các loại hộ ở địa phương (bảng 2.6), trong khi đó hộ khá và hộ nghèo lại chiếm tỷ lệ không đáng kể (trung bình toàn huyện, cả hộ khá và hộ nghèo chỉ chiếm 21,9%). Số hộ khá và hộ nghèo có chăn nuôi bò chỉ chiếm 9,8% [38].
+ Thực tế loại hộ trung bình cũng chuyển đổi nhiều hơn và chiếm phần đa số.
Các hộ khá chiếm tỷ lệ không đáng kể và có thiên hướng không quan tâm nhiều đến sản xuất nông nghiệp. Họ chỉ sản xuất một số cây trồng, chăn nuôi để đủ cung cấp cho gia đình họ, cũng như tận dụng các nguồn lực vốn có và chỉ tập trung vào kinh doanh trên lĩnh vực phi nông nghiệp. Trong khi đó các hộ nghèo thường gặp rất nhiều khó khăn, họ chỉ đủ vốn để sản xuất ngành trồng trọt trên một vài sào ruộng, chăn nuôi lợn và gia cầm với quy mô nhỏ lẻ. Họ không thể có vốn để chăn nuôi bò ở quy mô lớn [42], [43], [44].
+ Hơn nữa, do hạn chế về thời gian và nguồn lực, chúng tôi chỉ chọn loại hộ trung bình để nghiên cứu, mà không điều tra khảo sát 2 loại hộ khá và hộ nghèo ở các xã điều tra.
- Cách chọn mẫu điều tra: Từ các tiêu chí trên, chúng tôi lập danh sách các hộ đáp ứng được tất cả các yêu cầu. Sau đó đưa vào máy tính và tiến hành chọn mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên không lặp có định hướng, với các bước cụ thể là:
Bước 1: Lập danh sách các hộ có chủ định, bao gồm:
(1) Những hộ trung bình có nuôi bò, có trồng cỏ để nuôi bò.
(2) Những hộ trung bình có nuôi bò, nhưng không trồng cỏ để nuôi bò.
Bước 2: Chọn ngẫu nhiên không lặp theo từng nhóm hộ (có và không trồng cỏ).
Từ những tiêu chí và cách chọn trên, chúng tôi đã tiến hành điều tra với số lượng 240 mẫu được phân bổ cụ thể như sau:
Bảng 2.7: Số lượng mẫu nghiên cứu
ĐVT: hộ
Chỉ tiêu Chung Phân theo xã
Nhơn Lộc Nhơn Khánh Nhơn Phúc
1.Số hộ có chuyển đổi 120 40 40 40
2.Số hộ không chuyển đổi 120 40 40 40
Tổng cộng 240 80 80 80
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu điều tra, 2007
- Nội dung điều tra: Với mục tiêu chủ yếu là nghiên cứu hiệu quả của việc chuyển đổi đất trồng trọt sang trồng cỏ nuôi bò ở nông hộ, vì vậy nội dung điều tra chủ yếu là: Nhân khẩu và lao động, đất đai, cơ cấu và số lượng bò, tình hình giải quyết thức ăn cho bò, chi phí sản xuất các cây trồng của hộ (bao gồm chi phí trồng cỏ và chi phí trồng các cây khác trong nhóm hộ có trồng cỏ), chi phí chăn nuôi bò, thu nhập hỗn hợp từ nuôi bò của hộ có và hộ không trồng cỏ, cũng như ảnh hưởng việc chuyển đổi đất trồng trọt sang trồng cỏ nuôi bò đến xã hội và môi trường.
Những nội dung điều tra này trước hết phục vụ cho việc so sánh hiệu quả của trồng cỏ với hiệu quả các loại cây trồng khác trong nhóm hộ có trồng cỏ. Đồng thời từ số liệu thu thập được ở hai nhóm hộ sẽ giúp cho người nghiên cứu so sánh được hiệu quả giữa có với không trồng cỏ nuôi bò.
* Phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia của người dân (PRA - Participatory Rural Appraisal):
PRA là một quá trình học hỏi lẫn nhau một cách linh hoạt giữa người dân địa phương và những người từ nơi khác đến (cán bộ khuyến nông, người làm công tác phát triển, người nghiên cứu…). Đây là phương pháp tạo cơ hội cho người dân trao đổi, thảo luận và phân tích các điều kiện hoạt động sản xuất của họ, từ đó họ tự đề ra các giải pháp phát triển [3]; [5]. Một số công cụ của PRA đã được sử dụng trong quá trình nghiên cứu, đó là:
- Quan sát:
+ Quan sát tổng thể: Công cụ này giúp người thu thập số liệu có cách nhìn tổng thể về thực trạng chuyển đổi ở địa phương. Nhất là ảnh hưởng của các chính sách, phân bố lao động trong chăn nuôi, tình hình sản xuất trong nông nghiệp, xu hướng phát triển và sự biến động về diện tích trồng cỏ và sự biến động về đàn bò của địa phương.
+ Quan sát cá thể: Nhằm thu thập số liệu chính xác hơn trong nghiên cứu định lượng, nhất là khi ứng dụng để điều tra kinh tế hộ.
- Thảo luận nhóm: Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi tổ chức một số buổi thảo luận nhóm theo từng điểm nghiên cứu để thu thập thông tin định tính nhằm đánh giá thực trạng chuyển đổi, các yếu tố ảnh hưởng đến việc chuyển đổi đất trồng trọt sang trồng cỏ ở địa phương. Từ đó người nghiên cứu có cách nhìn tổng thể hơn về việc chuyển đổi đất trồng trọt sang trồng cỏ nuôi bò ở địa bàn nghiên cứu.
Toàn bộ số người tham gia thảo luận ở mỗi điểm nghiên cứu được chia làm hai nhóm: nhóm một là cán bộ lãnh đạo địa phương; nhóm hai là nông dân nòng cốt am hiểu về vấn đề này. Quá trình thảo luận nhóm được tiến hành như sau:
+ Đối tượng tham gia thảo luận nhóm:
Nhóm cán bộ địa phương: có 9 người. Thành phần gồm có: đại diện lãnh đạo xã và các đoàn thể, khuyến nông huyện, chuyên viên kỹ thuật phòng nông nghiệp huyện. Nhóm này bàn về các vấn đề có tính chất vĩ mô và những chính sách có ảnh hưởng đến việc chuyển đổi.
Nhóm hộ nuôi bò có và không trồng cỏ nuôi bò: cụ thể mỗi nhóm 15 người trên 1 xã điều tra, gồm những hộ nuôi bò điển hình. Nhóm này bàn về thực trạng chuyển đổi và có thể đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới.
+ Nội dung thảo luận nhóm:
Trước khi điều tra, chúng tôi tiến hành thảo luận nhóm với nội dung chủ yếu là: Tìm hiểu tình hình chăn nuôi bò và tình hình chuyển đổi đất trồng trọt sang trồng cỏ; đồng thời xác định nguyên nhân, xu hướng và tác động của chuyển đổi. Mặt khác, chúng tôi còn xem xét sự khác nhau về tình hình giải quyết thức ăn và thu nhập giữa các hộ có và không chuyển đổi.
Sau khi kết thúc điều tra hộ: Chúng tôi tổ chức thảo luận nhóm để thống nhất một số vấn đề mà qua điều tra chúng tôi phát hiện ra như: Mục đích trồng cỏ; sự khác nhau giữa các hộ có và không trồng cỏ; ảnh hưởng của trồng cỏ nuôi bò đến các hoạt động sản xuất khác, đến tài nguyên đất,... vì sao hộ chỉ chuyển đổi một phần diện tích đất; những chính sách hỗ trợ của địa phương trong thời gian tới;...
- Phỏng vấn bán cấu trúc: Dựa vào các chủ đề và tiểu chủ đề được chuẩn bị chu đáo để thảo luận có định hướng. Chúng tôi đặt những câu hỏi mở để người dân tự xác định vấn đề khó khăn mà họ gặp phải và đề xuất các giải pháp mà họ có thể thực hiện để nâng cao hiệu quả của việc trồng cỏ trong thời gian tới [3], [5].
* Phương pháp phỏng vấn sâu: Một số thông tin có tính khái quát và chuyên môn, thông tin về các chính sách mang tầm chiến lược, kết quả và hiệu quả được lấy từ việc trao đổi, phỏng vấn cán bộ chuyên trách ở địa phương và những nông dân am hiểu [3], [5].