CHƯƠNG I: TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.5. Kinh nghiệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở một số nước trên thế giới và khu vực
1.5.6. Bài học rút ra cho Việt Nam
Từ kinh nghiệm của các nước có thể rút ra bài học cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở nước ta là:
- Chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế so sánh, để tập trung sản xuất thật hiệu quả những mặt hàng xuất khẩu với số lượng lớn, chất lượng cao nhằm chiếm ưu thế trên thị trường; bước đầu chấp nhận nhập khẩu các mặt hàng sản xuất trong nước không có lợi thế, trên cơ sở đảm bảo trước tiên về an ninh lương thực trong nước.
- Chuyển từ độc canh sang đa canh, từ sản xuất lúa sang trồng cây công nghiệp và cây ăn quả hoặc xen canh cây ngắn ngày và cây dài ngày. Chuyển từ tăng trưởng theo số lượng sang phát triển theo chất lượng, từ cây có giá trị kinh tế thấp và thị trường không ổn định sang trồng cây có giá trị kinh tế cao và ổn định trong thương mại.
- Gắn sản xuất với chế biến nông sản, chuyển từ sản xuất và xuất khẩu nguyên liệu thô sang xuất khẩu sản phẩm đã được chế biến để tăng giá trị hàng hoá nông sản xuất khẩu, chuyển hướng sản xuất phục vụ thị trường trong nước vươn ra thị trường quốc tế.
- Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống công trình thuỷ lợi, hệ thống điện, giao thông, thông tin liên lạc, chợ nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hoá, vật tư, phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
- Nhà nước điều chỉnh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế thông qua các chính sách vĩ mô: chính sách tiêu thụ nông sản, chính sách đầu tư và tín dụng, chính sách khuyến nông gắn với chính sách đầu tư khoa học công nghệ cho các mặt hàng nông sản chủ lực, chính sách sử dụng đất, chính sách đối với miền núi và đồng bào dân tộc ít người... Các chính sách này sẽ tạo niềm tin, thu hút và thúc đẩy những người sản xuất nông nghiệp thực hiện có hiệu quả quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.
1.6. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU HIỆU QUẢ CỦA VIỆC CHUYỂN ĐỔI
ĐẤT TRỒNG TRỌT SANG TRỒNG CỎ NUễI Bề Ở VIỆT NAM
Đây là lĩnh vực còn mới nên đến nay có rất ít công trình nghiên cứu đề cập đến vấn đề này. Chúng tôi xin điểm lại các công trình nghiên cứu sau đây:
1) Viện chăn nuôi Quốc gia nghiên cứu về HQKT của chăn nuôi bò sữa trong hộ gia đình ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc vào tháng 3 năm 2006. Theo nghiên cứu này, HQKT trên một đơn vị diện tích của việc trồng cỏ để nuôi bò sữa là cao hơn so với sản xuất nông nghiệp, song cao hơn bao nhiêu thì còn phụ thuộc vào quy mô chăn nuôi của hộ [12] .
2) Tác giả Nguyễn Anh Tuấn đã có nghiên cứu về việc phát triển đồng cỏ để đẩy mạnh chăn nuôi gia súc ở đồng bằng sông Hồng vào tháng 6 năm 2006. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy: Một sào đất trồng sắn trong một năm chỉ lãi được 100.000đ kể cả công lao động. Trong khi đó nếu trồng cỏ để nuôi trâu bò sinh sản hoặc trâu bò thịt thì có thể lãi được 500.000 – 700.000đ/sào/năm [12].
3) Nghiên cứu của Viện cây lương thực và cây thực phẩm Việt Nam về việc chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp sang trồng cỏ nuôi bò ở đồng bằng sông Hồng, được tiến hành vào tháng 6 năm 2006. Kết quả nghiên cứu cho thấy HQKT của việc trồng cỏ nuôi bò cao gấp 7 – 8 lần trồng lúa, theo đó các nhà nghiên cứu đưa ra khuyến cáo cho các nông hộ là nên bỏ lúa lai để trồng cỏ nuôi bò [12].
4) Báo cáo tình hình phát triển chăn nuôi tỉnh Bình Định của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của huyện An Nhơn hàng năm, trong đó có đề cập đến việc khuyến cáo trồng cỏ để nuôi bò [31]; [32].
5) Các luận văn tốt nghiệp của sinh viên Trường đại học Nông Lâm Huế nghiên cứu về hiệu quả trồng cỏ nuôi bò ở xã Tiến Hóa huyện, Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình [12].
6) Hoàng Mạnh Quân, Lê Đình Phùng và cộng tác viên đã có nghiên cứu về:
Ảnh hưởng của trồng cỏ nuôi bò đến các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường của xã Tiến Hóa, huyện Tiến Hóa tỉnh Quảng Bình (năm 2007). Kết quả nghiên cứu cho thấy trồng cỏ voi (pennisetum purpureum) nuôi bò đã có ảnh hưởng tích cực đến các khía cạnh kinh tế và xã hội của nông hộ ở Tiến Hóa. Hộ có trồng cỏ nuôi bò có thu nhập từ chăn nuôi bò cao gấp 2,28 lần so với hộ không trồng cỏ, giảm thời gian lao động cho chăn nuôi bò, như: giảm thời gian chăn dắt, thời gian cắt cỏ tự nhiên, số tháng cắt cỏ tự nhiên. Đặc biệt, trồng cỏ nuôi bò đã làm giảm thời gian chăn nuôi bò cho trẻ em so với không trồng cỏ (47 ngày so với 163 ngày/năm). Trồng cỏ làm tăng
lượng phân hóa học dùng cho trồng trọt và do vậy có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng đất [29].
Các công trình nghiên cứu khoa học trên đều đề cập đến những vấn đề cơ bản của việc chuyển đổi từ đất trồng trọt sang trồng cỏ nuôi bò và có thể tóm lược như sau:
1.Những vấn đề lý luận cơ bản về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và HQKT, những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế của các nước trong khu vực và trên thế giới.
2.Đánh giá thực trạng chuyển đổi từ đất trồng trọt sang trồng cỏ nuôi bò, từ đó rút ra những thành công, hạn chế và các nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi.
3.Đưa ra những định hướng và giải pháp để chuyển đổi có hiệu quả, đề nghị những chính sách vĩ mô và vi mô để thúc đẩy quá trình chuyển đổi ở Việt Nam.
Chúng tôi cho rằng những công trình khoa học trên là những tư liệu rất quí báu cả về lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, các nghiên cứu chưa đề cập cụ thể đến địa bàn Huyện An Nhơn, trong khi đó có một số các nghiên cứu nhỏ cụ thể ở Bình Định lại được khảo sát nghiên cứu trên một phạm vi không gian hẹp, phạm vi thời gian và tính đương đại cũng còn hạn chế. Do vậy, các nghiên cứu đó chưa đề cấp hoặc chưa phản ánh được toàn diện, đầy đủ và sát với tình hình chuyển đổi đất trồng trọt sang trồng cỏ nuôi bò ở huyện An Nhơn.
1.7. MỘT SỐ NHẬN XÉT RÚT RA TỪ NGHIÊN CỨU TỔNG QUAN
Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn về chuyển đổi đất trồng trọt sang trồng cỏ nuôi bò như chúng tôi đã trình bày ở trên, có thể thấy rằng:
- Chuyển dịch CCKTNN là một tất yếu khách quan và được tác động bởi các yếu tố bên trong và cả những yếu tố bên ngoài một quốc gia, một vùng, một địa phương .
- Trồng cỏ nuôi bò có vị trí rất quan trọng trong sản xuất và đời sống của nông hộ. Việc chuyển đổi đất trồng trọt sang trồng cỏ là vấn đề cần thiết do yêu cầu thực tiên đặt ra. Nó cho phép khai thác nguồn lực sẵn có của địa phương, của nông hộ và thúc đẩy chăn nuôi bò phát triển.
- Quá trình chuyển đổi đất trồng trọt sang trồng cỏ nuôi bò phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tự nhiên, kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng, trình độ dân trí, thị trường, các chính sách kinh tế của nhà nước… Tất cả những nhân tố này tác động khác nhau giữa các vùng, các địa phương sẽ dẫn đến hiệu quả cũng khác nhau.