4. Kết cấu của luận văn
4.1.4. Mục tiêu phát triển
Để đạt được mục tiêu phát triển trồng cỏ nuôi bò, điều quan trọng là hiện tại các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng phải nắm bắt được những khó khăn, yếu kém của việc trồng cỏ nuôi bò hiện nay, tìm ra nguyên nhân của những tồn tại. Từ đó có những giải pháp phù hợp, có tính khả thi cao. Với kết quả khảo sát và phân tích đánh giá ở trên, chúng tôi cho rằng sự yếu kém trong quá trình chuyển đổi đất trồng trọt sang trồng cỏ nuôi bò ở An Nhơn bắt nguồn từ ba nhóm nguyên nhân cơ
bản, đó là: Chính sách kinh tế chưa phù hợp (quy hoạch, đầu tư, vốn, quy định pháp lý đối với chuyển đổi đất trồng trọt sang trồng cỏ nuôi bò); trình độ sản xuất kinh doanh của hộ; thị trường và kiểm soát thị trường. Các mục tiêu phát triển cần đạt được là:
- Mục tiêu kinh tế: Hướng dẫn nông dân đầu tư các yếu tố đầu vào một cách cân đối, hợp lý và hiệu quả, vừa đảm bảo tính kỹ thuật vừa tiết kiệm chi phí; tăng năng suất, chất lượng cỏ trồng. Từng bước nâng cao thu nhập cho nông hộ.
- Mục tiêu kỹ thuật: Tiếp tục nâng cao trình độ kỹ thuật trồng cỏ, kỹ thuật chăn nuôi bò cho từng hộ nông dân. Áp dụng các giống cỏ tốt đã được khảo nghiệm nhằm tăng tính ổn định của giống cỏ. Đảm bảo kỹ thuật bón phân hợp lý, đúng liều lượng.
- Mục tiêu xã hội: Trồng cỏ nuôi bò góp phần sử dụng đầy đủ và hợp lý lao động của hộ, tạo thêm việc làm. Tạo cơ hội để con em của hộ học tập nâng cao trình độ và góp phần tích cực vào việc ổn định chính trị ở nông thôn An Nhơn.
- Mục tiêu về môi trường: Đa dạng hệ sinh thái, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Hạn chế ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm đất, ô nhiễm nước thông qua việc sử dụng hợp lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.