CBGV-CNVvà học sinh trong các trường THPT về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong trường học
Vấn đề dân chủ và xây dựng chính quyền ở cơ sở đã được nâng lên tầm chiến lược, đã trở thành đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Điều đó chứng tỏ nhận thức tư tưởng đã được xác định và quán triệt trong mọi cấp cán bộ về tính chất sống còn này của sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong thực tế điều hành thì chiều sâu nhận thức của rất nhiều cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý lại không như vậy. "Nhận thức của nhiều cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh, ngành của chúng ta về dân chủ nói chung và Quy chế dân chủ ở cơ sở nói riêng còn có dạng sơ khai. Phải có những thay đổi lớn trong nhận thức mới có thể triển khai tiếp công việc này có hiệu quả" [55, tr. 6]. Đối với CBGV-CNV mà trước hết là cán bộ quản lý trong các trường THPT không phải thiếu nhiệt tâm mà nhận thức tư tưởng về dân chủ trong trường học thiếu chiều rộng và chưa đạt đến chiều sâu cần thiết. Không hiểu hết tầm vóc của dân chủ và Quy chế dân chủ ở cơ sở, lúng túng trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Do đó, việc nâng cao hơn nữa trình độ nhận thức tư tưởng và trách nhiệm của CBGV-CNV, cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các trường THPT (đặc biệt là Hiệu trưởng) về thực hiện Quy chế dân chủ trong trường học là một yêu cầu vừa cơ bản vừa cấp bách. Cần tạo lập một mặt bằng lý luận cần thiết, vững chắc hơn để nâng cao hơn nữa tầm nhận thức tư tưởng về dân chủ và dân chủ ở cơ sở. Nghị quyết Hội nghị Trung ương ba khóa VIII nhấn mạnh: "Tinh thần và kết quả học tập lý luận chính trị là một tiêu chuẩn để xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ" [14, tr. 89]. Việc bổ nhiệm, đề bạt Hiệu trưởng trong các trường THPT chưa căn cứ được vào tiêu chuẩn trên với lý do trình độ lý luận chính trị trung cấp và cao cấp của đảng viên khối THPT (trong đó có Hiệu trưởng) quá thấp (dưới 1%). Trong khi cán bộ lãnh đạo cấp huyện, lãnh đạo các cơ sở kinh doanh được tạo điều kiện theo học các líp lý luận chính trị cao cấp theo chủ trương của Đảng là "Đến năm 2005 phần lớn cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp huyện trở lên học xong chương trình cao cấp về lý luận chính trị và có trình độ đại học về một chuyên ngành nhất định" [17, tr. 142] thì Hiệu trưởng các trường THPT chưa có chỉ tiêu điều kiện để theo học. Vì vậy trong những năm tới cần tạo điều kiện cho CBGV, trước hết là Hiệu trưởng các trường THPT nâng cao trình độ lý luận chính trị. Là người chịu trách nhiệm triển khai Quy chế dân chủ trong trường học nếu Hiệu trưởng hiểu sâu sắc, đầy đủ về dân chủ, về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện Quy chế dân chủ thì mới có thể triển khai Quy chế dân chủ một cách thực chất.
Quán triệt tinh thần trong Đảng trước rồi mới ra dân, các trường THPT cần tổ chức học tập về Quy chế dân chủ trong chi bộ, lấy vai trò nòng cốt là các đảng viên, giao nhiệm vụ cho đảng viên khi sinh hoạt chuyên môn truyền đạt tới CBGV-CNV trong tổ chuyên môn mà mình sinh hoạt. Trọng tâm của quá trình triển khai học tập phải cho CBGV-CNV biết rõ những điều họ được tham gia góp ý, thực hiện và giám sát đồng thời thấy rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở;
phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến giáo dục, đến quyền lợi của CBGV-CNV để CBGV-CNV có điều kiện góp ý, kiểm tra những việc thuộc về phạm vi được bàn, được kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật.