Hiệu quả hoạt động kinh doanh là một phạm trù kinh tế phản ánh trình độ sử dụng các yếu tố của quá trình kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đạt kết quả cao nhất với chi phí là thấp nhất. Nó không chỉ là thước đo trình độ tổ chức quản lý kinh doanh mà còn là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của lịch sử và góc độ nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, xuất hiện các khái niệm khác nhau về hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Chương 6 – Quản trị kết quả kinh doanh và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp
152
Quan điểm thứ nhất của Nhà kinh tế học người Anh-Adam Smith cho rằng: “Hiệu
quả hoạt động kinh doanh là kết quả đạt được trong hoạt động kinh doanh, là doanh thu tiêu thụ hàng hoá”. ở đây hiệu quả được đồng nhất với chỉ tiêu phản ánh kết quả hoạt động kinh
doanh. Với cách tiếp cận này khó giải thích kết quả kinh doanh có thể tăng do tăng chi phí mở rộng sử dụng các nguồn sản xuất. Nếu cùng một kết quả có hai mức chi phí khác nhau thì theo quan điểm này chúng có cùng hiệu quả.
Quan điểm thứ hai cho rằng: “Hiệu quả hoạt động kinh doanh là quan hệ tỷ lệ giữa
phần tăng thêm của kết quả và phần tăng thêm của chi phí” . Quan niệm này đã biểu hiện được
quan hệ so sánh tương đối giữa kết quả đạt được và chi phí đã tiêu hao. Nhưng xét theo quan điểm triết học hiện đại thì sự vật và hiện tượng đều có mối quan hệ ràng buộc hữu cơ tác động qua lại lẫn nhau chứ không tồn tại một cách riêng lẻ. Hơn nữa kinh doanh là một quá trình trong đó các yếu tố tăng thêm có sự liên hệ mật thiết với các yếu tố sẵn có. Chúng trực tiếp hoặc gián tiếp tác động làm kết quả kinh doanh thay đổi. Theo quan điểm này hiệu quả hoạt động kinh doanh chỉ được xét tới phần kết quả bổ sung và chi phí bổ sung.
Quan điểm thứ ba nêu: “Hiệu quả hoạt động kinh doanh được đo bằng hiệu số giữa
kết quả đạt được và chi phí bỏ ra để đạt được kết quả đó”. Ưu điểm của quan điểm này là
phản ánh được mối quan hệ bản chất của hiệu quả hoạt động kinh doanh. Nó đã gắn được kết quả với toàn bộ chi phí, coi hiệu quả kinh doanh là sự phán ánh trình độ sử dụng các chi phí. Tuy nhiên, nó không đề cập đến trình độ sử dụng lao động xã hội cũng như sử dụng các nguồn lực để đạt được kết quả kinh tế cao. Nếu xem xét kết quả kinh doanh trên góc độ này thì nó cũng đồng nhất với phạm trù lợi nhuận do đó rất khó khăn trong công tác đánh giá và tổ chức quản lý các doanh nghiệp.
Quan niệm thứ tư đưa ra: “Hiệu quả hoạt động kinh doanh là phạm trù kinh tế phản
ánh trình độ sử dụng các nguồn nhân tài, vật lực của doanh nghiệp nhằm đạt được kết quả của mục tiêu kinh doanh”. Đây là một khái niệm tổng quát và là một khái niệm đúng thể hiện
được bản chất của hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Quan niệm thứ năm cho rằng hiệu quả hoạt động kinh doanh là “một phạm trù kinh
tế biểu hiện tập trung của sự phát triển kinh tế theo chiều sâu phản ánh trình độ khai thác các nguồn lực và trình độ chi phí các nguồn lực đó trong quá trình tái sản xuất nhằm mục tiêu kinh doanh”. Khái niệm này gắn quan điểm hiệu quả với cơ sở lý luận kinh tế hiện đại là nền
kinh tế của mỗi quốc gia được phát triển đồng thời theo chiều rộng và chiều sâu. Phát triển kinh tế theo chiều rộng là huy động mọi nguồn lực vào sản xuất, tăng thêm vốn, bổ sung thêm lao động và kỹ thuật... Phát triển kinh tế theo chiều sâu là đẩy mạnh cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ sản xuất, nâng cao cường độ sử dụng các nguồn lực, chú trọng chất lượng sản phẩm và dịch vụ, phát triển kinh tế theo chiều sâu là nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Từ các khái niệm trên có thể khái quát quan niệm hiệu quả hoạt động kinh doanh
doanh nghiệp là phạm trù kinh tế phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp
nhằm đạt được kết quả của mục tiêu hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh.
Chương 6 – Quản trị kết quả kinh doanh và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp
153