6. Kết cấu của luận văn
1.5.2. Mối quan hệ giữa BHXH với các chính sách xã hội kinh tế tài chính
BHXH là một chính sách xã hội quan trọng của mỗi quốc gia. Như bất kỳ một chính sách xã hội nào, BHXH có mối quan hệ chặt chẽ với những chính sách xã hội khác, với cả chính sách tài chính và chính sách kinh tế.
Chính sách BHXH và các chính sách xã hội khác có mối quan hệ biện chứng thể hiện ở chỗ các chính sách này thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau để giải quyết các vấn đề xã hội. Cần thiết phải thấy được sự tác động của các chính sách xã hội như chính sách tiền lương, chính sách việc làm, chính sách phát triển các dịch vụ công cộng… đối với chính sách BHXH. Chẳng hạn chính sách tiền lương là cơ sở để xác định mức đóng BHXH. Do đó khi có một chính sách tiền lương hợp lý sẽ góp phần thực hiện chính sách BHXH, bởi lẽ khi đó phần đóng góp của NLĐ và NSDLĐ sẽ đảm bảo tính ổn định cho quỹ BHXH, nâng cao độ an toàn trong quá trình sử dụng quỹ. Chính sách việc làm với việc khuyến khích việc làm sẽ làm tăng số người làm việc và tăng thu nhập cho NLĐ, do đó quỹ BHXH có nguồn thu ổn định và liên tục tăng, trong khi đó nhu cầu chi của một số chế độ có xu hướng giảm làm cho quỹ BHXH có độ an toàn cao. Ngược lại, việc giảm lao động trong các cơ quan Nhà nước, đoàn thể và các đơn vị SXKD sẽ có tác động tiêu cực tới việc thực hiện chính sách BHXH.
Bên cạnh những tác động của các chính sách xã hội tới chính sách BHXH thì chính chính sách BHXH cũng có tác động trở lại đối với các chính
sách xã hội khác. Những quy định chi tiết cụ thể trong chính sách BHXH về chế độ thai sản đang góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình,... Việc thực hiện tốt chế độ chính sách BHXH đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội nổi lên gay gắt như: thất nghiệp, phân hoá giàu nghèo, tệ nạn xã hội,...
Chính sách BHXH không chỉ góp phần quan trọng tạo ra nền tảng ổn định xã hội để phát triển lâu bền mà còn góp phần tạo ra động lực của sự phát triển. Bởi vì, thực hiện tốt chính sách BHXH sẽ làm cho NLĐ yên tâm, tạo động lực kinh tế để làm việc với năng suất và hiệu quả cao, sản xuất ổn định - điều đó có nghĩa là đã thực hiện giải phóng sức lao động, hướng con người tới làm chủ xã hội, xây dựng một xã hội có tính nhân văn. Vì vậy, chính sách BHXH và chính sách kinh tế phải được kết hợp một cách hài hòa, phải được hòa quyện vào nhau trong một thể thống nhất các chính sách kinh tế - xã hội, đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, duy trì sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc dân.
Ngược lại, khi xem xét chính sách BHXH dưới góc độ một chính sách kinh tế thì việc hoạch định chính sách BHXH không hợp lý (xây dựng mức đóng góp không phù hợp) sẽ làm nâng giá thành sản phẩm lên cao, tăng chi phí sản xuất kinh doanh, từ đó hạn chế tính cạnh tranh của sản phẩm, hạn chế hoặc thủ tiêu tăng trưởng kinh tế. Chính sách BHXH góp phần duy trì sự ổn định xã hội, từ đó sẽ thúc đẩy nhu cầu nội địa đối với hàng hoá và dịch vụ, thúc đẩy GDP tăng nhanh.
Chính sách tài chính là một phần của chính sách kinh tế. Một trong những mục tiêu cơ bản của chính sách tài chính của mỗi quốc gia là huy động các nguồn lực trong nước để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong một thời điểm nhất định, quỹ BHXH có thể có một nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi và có
thể được sử dụng để đầu tư phát triển. Do đó, trong những khoảng thời gian cụ thể, BHXH là một hình thức huy động vốn có hiệu quả và được coi là một bộ phận quan trọng của hệ thống chính sách tài chính quốc gia.
Tuy nhiên, khi xem xét mối quan hệ giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác, với chính sách kinh tế và tài chính không nên tách rời chúng, mà phải được xem xét trong tổng thể các chính sách. Nếu tách rời để xem xét riêng biệt các mối quan hệ sẽ có ảnh hưởng không tốt trong quá trình hoạch định chính sách.