Yếu tố con người mặc dù đã được quan tâm nhiều hơn nhưng với tốc độ phát triển kinh tế nói chung và tốc độ tăng trưởng tín dụng nói riêng trong thời gian qua thì số lượng và chất lượng cán bộ tín dụng tại VCB Hà Nội, nhất là tại các phòng giao dịch nhỏ, vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, đặc biệt đối với các
dự án có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp.
Hiện toàn hệ thống VCB Hà Nội có gần 40 cán bộ tín dụng. Như vậy, bình quân một cán bộ tín dụng phải đảm trách khoảng 75 - 80 tỷ đồng dư nợ - là mức tương đối cao. Thực tế cho thấy cường độ làm việc của cán bộ tín dụng thời gian qua khá căng thẳng cộng thêm với sức ép về thời gian từ phía khách hàng nên nhiều dự án cán bộ tín dụng không thể thực hiện đầy đủ, toàn diện tất cả các nội dung quy định trong báo cáo thẩm định mà chỉ lựa chọn những chỉ tiêu và phương pháp thẩm định cơ bản nhất phù hợp với dự án. Các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, với các đối tác và các ban ngành hữu quan để tìm hiểu thêm thông tin phục vụ cho công tác thẩm định cũng chưa được thực hiện thường xuyên.
Kinh nghiệm của cán bộ thẩm định cũng là một điểm còn yếu của ngân hàng. Do tuổi đời, tuổi nghề của hầu hết cán bộ tín dụng và cán bộ thẩm định còn chưa nhiều nên kinh nghiệm trong công tác nghiệp vụ, trong các mối quan hệ xã hội và kiến thức kinh tế xã hội tổng hợp còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác thẩm định.
Đội ngũ cán bộ tín dụng/thẩm định tại VCB Hà Nội nhìn chung có trình độ học vấn khá cao so với các ngân hàng thương mại trong nước khác nhưng công tác đào tạo nghiệp vụ tại Ngân hàng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Hiện nay, ngân hàng chưa có chương trình đào tạo, phát triển tổng thể cho đội ngũ cán bộ thẩm định. Nhiều cán bộ chưa có điều kiện được đào tạo nghiệp vụ một cách cơ bản, có hệ thống nên khi thực hiện thẩm định còn nhiều lúng túng.
Ngoài ra, hầu hết cán bộ thẩm định tại Ngân hàng tốt nghiệp từ các trường thuộc khối kinh tế nên kiến thức về kỹ thuật rất hạn chế. Gần đây Ngân hàng có bổ sung thêm cán bộ tốt nghiệp các trường kỹ thuật như kinh tế xây dựng, bách khoa… nhưng lực lượng này còn quá nhỏ so với yêu cầu. Việc thẩm định các yếu tố kỹ thuật gặp nhiều khó khăn nên cán bộ khó đánh giá được tính chính xác, đúng đắn của các hạng mục trong tổng vốn đầu tư và vì thế, nội dung này đôi khi bị bỏ qua (nhất là với những dự án đã được Chính phủ hoặc các Bộ, ngành phê duyệt đầu tư).