Trường Đại học Hồng Đức Thanh Hoá

Một phần của tài liệu hoàn thiện quản lý tài chính tại trường đại học hồng đức thanh hoá (Trang 104)

- Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác đầu tư cho giáo dục đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho sự phát triển của các trường đại học nói chung và các trường ĐHCL nói riêng. Trong đó, Chính phủ cần tăng tăng cường hơn nữa chính sách khuyến khích đối với công tác xã hội hoá giáo dục đào tạo thông qua các chính sách khuyến khích liên kết giữa các cơ sở giáo dục – đào tạo với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân trong lĩnh vực đào tạo, NCKH; tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các công ty, các viện nghiên cứu trực thuộc các trường đại học theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Đồng thời, để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi ngành nghề đầu tư tài chính cho các trường đại học, Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp này khi họ thực hiện đầu tư về cơ sở vật chất cho các trường đại học.

Song song với các chính sách khuyến khích xã hội hoá giáo dục đào tạo, chính sách đầu tư của Chính phủ cũng cần chú trọng hơn tới việc đầu tư phát triển các trường đại học địa phương để nâng từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy của các trường đại học địa phương. Từ đó, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các trường đại học địa phương với các trường đại học khác trong cả nước.

- Nhà nước cần cải tiến phương án phân bổ ngân sách nhà nước cho sự nghiệp giáo dục đào tạo. Cụ thể cần chuyển đổi từ mô hình hành chính sang mô hình cấp phát trọn gói, tạo tính chủ động, sáng tạo cho các trường đại học. Với mô hình này các trường đại học sẽ được tự do chi tiêu trong phạm vi quyền hạn, tuân thủ các quy định của nhà nước. Ngoài ra, thực hiện phân bổ ngân sách theo mô hình cấp phát trọn gói sẽ tăng quyền hạn, cũng đồng thời tăng tính trách nhiệm, giải trình của cán bộ lãnh đạo các trường đại học trong quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn lực tài chính.

- Định mức tài trợ từ NSNN cho giáo dục đào tạo cũng cần được điều chỉnh theo hướng ưu tiên những ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm. Hạn chế kinh phí đối

với những ngành nghề ít quan trọng hơn trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

- Mức thu học phí của nhà trường hiện nay đang áp dụng mức thu theo tháng. Trong điều kiện hiện nay, khi các trường đại học đang thực hiện chiến lược đào tạo của nhà nước là chuyển từ đào tạo theo niên chế sang học chế tín chỉ thì cách thu học phí như vậy không phù hợp. Chính vì vậy, đề nghị Chính phủ ban hành mức thu học phí theo tín chỉ để phù hợp hơn với tình hình thực tế.

- Ngân sách địa phương cần dành một phần kinh phí cấp cho trường để đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập; tạo điều kiện cho học viên có phòng thí nghiệm, hoá chất, mẫu thực vật thực hành, thực tập tay nghề để nâng cao chất lượng. Mức đầu tư đề nghị là 15% số chi thường xuyên.

- Khi nhà nước giao thêm nhiệm vụ, tăng quy mô hằng năm chưa có nguồn tài chính đảm bảo đi cùng. Do đó, để đảm bảo cho trường trong việc thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, việc giao nhiệm vụ đào tạo, NCKH phải gắn liền với nguồn tài chính đảm bảo. Cụ thể:

+ Hằng năm, theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo, các trường phải xây dựng chỉ tiêu tuyển mới tăng bình quân 10% so với năm trước. Do vậy, đề nghị tỉnh cấp kinh phí từ ngân sách địa phương tăng tương đương để đảm bảo cho trường thực hiện các nhiệm vụ đào tạo.

+ Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá giao nhiệm vụ cho trường triển khai thực hiện đề án “liên kết đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học nước ngoài” và nguồn kinh phí cấp cho việc thực hiện này là kinh phí không thường xuyên. Tuy nhiên, theo tính toán của Sở nộ vụ, hiện có 12 cán bộ trong biên chế làm việc thường xuyên tại trung tâm từ năm 2007 đến nay nhưng chưa có nguồn kinh phí thường xuyên đảm bảo. Vì vậy, đề nghị ngân sách địa phương cấp bổ sung nguồn kinh phí thường xuyên để chi thanh toán chế độ, chính sách cho 12 biên chế trên.

- Khung học phí đã được điều chỉnh tăng thêm theo quyết định 1310/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ và các trường được điều chỉnh tăng theo lộ trình

15%//năm. Tuy nhiên, hiện nay uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá chưa cho phép trường được tăng theo lộ trình. Mức thu hiện nay của trường vẫn là mức điều chỉnh tăng từ năm học 2009 – 2010. Vì vậy, đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá cho phép trường áp dụng mức thu học phí mới, phù hợp với quy định của Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tế của trường.

- Theo quy định, khi có nguồn thu từ học phí hệ đào tạo chính quy, trường phải trích một phần kinh phí để làm nguồn thực hiện tăng lương theo lộ trình. Vì vậy, đề nghị ban hành rõ tỷ lệ, phạm vi điều tiết để các trường có cơ sở thống nhất chung khi lập báo cáo quyết toán.

KẾT LUẬN

Quản lý tài chính tại các trường ĐHCL là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý chung của các trường đại học nói chung, ĐHCL nói riêng. Hiệu quả của công tác quản lý tài chính chịu sự tác động của hiệu quả hoạt động chung của trường, đồng thời, nó cũng tác động trở lại tới mọi mặt hoạt động của trường ĐHCL. Do đó, vấn đề nâng cao hiệu quả quản lý tài chính của các trường ĐHCL luôn nhận được sự quan tâm của những người làm công tác quản lý giáo dục đào tạo. Trong phạm vi đề tài, sau khi hệ thống mốt số vấn đề lý luận chung về quản lý tài chính của các trường đại học công lập, vấn đề quản lý tài chính tại trường Đại học Hồng Đức Thanh Hoá được xem xét, phân tích trên các khía cạnh về cơ chế quản lý tài chính, nội dung quản lý tài chính tại trường. Tác giả đã phân tích cụ thể cơ chế quản lý tài chính tại trường ĐHHĐ, bao gồm các nội dung về nguồn thu, các nội dung chi và việc thực hiện trích lập các quỹ tại trường ĐHHĐ. Trên cơ sở đó, các nội dung quản lý tài chính được đi sâu phân tích từ khâu lập kế hoạch đến khâu chấp hành và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tài chính tại trường ĐHHĐ đối với các nội dung thu chi hoạt động thường xuyên.

Nội dung quản lý tài chính tại trường ĐHHĐ được phân tích cụ thể ở các nội dung: phân tích quá trình xác đinh các chỉ tiêu để lập dự toán thu, chi tài chính; đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính bằng cách so sánh các chỉ tiêu thực hiện so với dự toán đã đặt ra; đồng thời, phản ánh kết quả của công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động tài chính tại trường ĐHHĐ. Từ những phân tích đó, rút ra những kết quả đã đạt được và chỉ ra những hạn chế còn tồn tại trong công tác quản lý tài chính tại trường ĐHHĐ để đưa ra các giải pháp hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại trường. Các giải pháp được chia thành 2 nhóm: nhóm các giải pháp chủ yếu và nhóm các giải pháp bổ trợ với những giải pháp cụ thể phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển chung của trường cũng như định hướng quản lý tài chính của trường đến năm 2015

Bên cạnh những đóng góp đó, luận văn được thực hiện trên cơ sở nguồn số liệu báo cáo của trường vì vậy, việc phân tích chưa bao quát được toàn bộ nội dung

quản lý tài chính tại trường ĐHHĐ, đặc biệt là đối với các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động tài chính của trường từ bên ngoài như quá trình kiểm tra giám sát của cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước, …. Đồng thời, việc phân tích chủ yếu được thực hiện đối với các nội dung thu, chi hoạt động thường xuyên, do vậy chưa bao quát được toàn bộ hoạt động tài chính thực tế của trường. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho các nghiên cứu sau của tác giả để vấn đề nghiên cứu được hoàn thiện hơn.

Một phần của tài liệu hoàn thiện quản lý tài chính tại trường đại học hồng đức thanh hoá (Trang 104)