LÝ LUẬN CHUNG VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP
1.1.2.2. Kế hoạch hoá theo thời gian
Khi kế hoạch hóa theo thời gian, tùy theo khoảng thời gian lặp lại chúng ta có kế hoạch dài hạn, kế hoạch trung hạn và kế hoạch ngắn hạn.
- Kế hoạch dài hạn: được lập ra là kế hoạch bao trùm lên một khoảng thời gian dài thường là khoảng 5 năm. Trong bản kế hoạch này thường nêu lên những mục tiêu dài hạn, những định hướng của doanh nghiệp trong thời gian dài. Khi xây dựng kế hoạch này, trước hết phải căn cứ vào chiến lược và phương hướng phát triển kinh doanh của doanh nghiệp và nêu rõ về mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản phải hoàn thành; về nội dung phải xác định được các chỉ tiêu quan trọng như: mặt hàng, cơ cấu mặt hàng, thị trường tiêu thụ, giá trị tổng
sản lượng,… Quá trình soạn lập kế hoạch dài hạn được đặc trưng bởi:
+ Môi trường liên quan được hạn chế bởi thị trường mà doanh nghiệp đã có mặt;
+ Dự báo trên cơ sở ngoại suy từ quá khứ, bao gồm xu hướng dự tính của nhu cầu, giá cả và hành vi cạnh tranh;
+ Chủ yếu nhấn mạnh các ràng buộc về tài chính;
+ Sử dụng rộng rãi các phương pháp kinh tế lượng để dự báo.
Cần lưu ý rằng kế hoạch dài hạn không đồng nghĩa với kế hoạch chiến lược vì kế hoạch chiến lược bao trùm nội dung khác không phải chỉ đứng trên góc độ thời gian.
- Kế hoạch trung hạn: là sự cụ thể hóa những định hướng của kế hoạch dài hạn ra các khoảng thời gian ngắn hơn để thực hiện, tức là để đảm bảo tính khả thi lĩnh vực mục tiêu, chính sách và giải pháp thực hiện được hoạch định trong kế hoạch đã chọn. Kế hoạch trung hạn thường là khoảng từ 3 đến 5 năm.
- Kế hoạch ngắn hạn: thường là kế hoạch hàng năm và các kế hoạch tiến độ, hành động có thời hạn dưới 1 năm như: kế hoạch quý, tháng, … Kế hoạch ngắn hạn bao gồm các phương án sử dụng các nguồn lực một cách cụ thể để đạt được mục tiêu trong kế hoạch dài hạn và trung hạn.
+ Kế hoạch hàng năm: thường được gọi là kế hoạch sản xuất kinh doanh. Kế hoạch này để ra các chỉ tiêu cụ thể phải đạt được trong năm kế hoạch, đồng thời bao gồm các phương pháp cụ thể sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp để đạt được mục tiêu. Kế hoạch năm phản ánh mọi hoạt động của doanh nghiệp dự kiến thực hiện trong năm kế hoạch như tiêu thụ, sản xuất, kỹ thuật công nghệ, tiền lương…
+ Kế hoạch quý, 6 tháng: là việc chia nhỏ kế hoạch năm nhằm tiến hành các phân tích, đánh giá tình hình thực hiện trong thời gian qua, đề ra những công việc cần thực hiện để hoàn thành kế hoạch năm, hoặc điều chỉnh kế
hoạch theo thực tế. Nhìn chung, kế hoạch quý, 6 tháng chi bao gồm các chỉ tiêu chủ yếu, quan trong trong kế hoạch của doanh nghiệp như sản xuất, doanh thu, đầu tư,…
+ Kế hoạch tác nghiệp tháng, tuần, ngày: là việc chia nhỏ các kế hoạch quý, nhằm phân tải hoạt động của doanh nghiệp một cách hợp lý. Đồng thời giúp các cấp quản trị theo dõi, bám sát thực tế hoạt động sản xuất- kinh doanh và phát hiện kịp thời các thay đổi, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh để có giải pháp.
Nhưng trong điều kiện ngày nay với những biến đổi nhanh chóng của thị trường và khoa học công nghệ thì việc phân chia kế hoạch theo thời gian chỉ còn mang tính tương đối. Khi mà khoa học công nghệ thay đổi nhanh chóng, kĩ thuật sản xuất nhanh chóng trở lên lạc hậu, vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn, … thì những kế hoạch từ 3 đến 5 năm cũng có thể coi là dài hạn.
Các kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn cần phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau, không được phủ nhận, loại bỏ lẫn nhau. Cần coi trọng vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa các loại kế hoạch theo thời gian, giữa lợi ích cục bộ trước mắt và lợi ích lâu dài vì trên thực tế đã nảy sinh nhiều lãng phí từ các quyết định trong ngắn hạn với lợi ích cục bộ trước mắt mà không đánh giá hay xem xét ảnh hưởng của nó tới các lợi ích lâu dài trong kế hoạch dài hạn. Nhiều kế hoạch ngắn hạn đã không những không đóng góp gì cho một kế hoạch dài hạn mà còn gây nhiều cản trở hay có những đòi hỏi nhiều đối với các kế hoạch dài hạn, thậm chí còn làm thất bại mục tiêu lâu dài của doanh nghiệp.
Để thực hiện được mối quan hệ giữa kế hoạch dài, trung và ngắn hạn, các nhà lãnh đạo chủ chốt các doanh nghiệp nên thường xuyên xem xét và sửa đổi các quyết định trước mắt xem chúng có phục vụ các chương trình dài hạn hay không và các nhà quản lý cấp dưới nên được thông báo một cách thường xuyên về kế hoạch dài hạn của doanh nghiệp sao cho các quyết định của họ
phù hợp với các mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp.