Nâng cao hơn nữa năng lực, trách nhiệm, tính tích cực của đại biểu HĐND trong hoạt động chất vấn. Không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng chất vấn, bao gồm kỹ năng lựa chọn vấn đề đưa ra chất vấn; lựa chọn ngôn ngữ đối thoại trong chất vấn... Phản ánh thông tin khi chất vấn phải ngắn gọn, mạch lạc, rõ ràng, dễ hiểu. Nội dung đưa ra chất vấn tại kỳ họp phải là những vấn đề có tính bức xúc, có tầm ảnh hưởng lớn, được đơng đảo cử tri các vùng miền và đại biểu HĐND quan tâm.
Để việc chất vấn đạt hiệu quả cao, các đại biểu cần nghiên cứu kỹ các văn bản liên quan đến phiên chất vấn như: báo cáo kết quả giải quyết những vấn đề mà cử tri quan tâm của UBND; văn bản tiếp nhận, giải trình và hứa sẽ giải quyết những vấn đề cử tri và các đại biểu kiến nghị đến kỳ họp của các ngành; văn bản tổng hợp ý kiến cử tri của Mặt trận tổ quốc; các quy định pháp luật có liên quan đến vấn đề chất vấn… Nắm rõ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giải quyết của từng ngành, từng cấp để những câu hỏi chất vấn và những kiến nghị của đại biểu sát thực, đúng địa chỉ. Trường hợp cần thiết, các đại biểu có thể trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề dự định chất vấn. Làm tốt những điều này, các đại biểu sẽ có cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn rõ ràng để buộc người trả lời chất vấn “tâm phục, khẩu phục”. Tại phiên chất vấn, nếu người trả lời chất vấn giải trình chưa rõ thì cần tranh luận, truy vấn đến cùng.
Điều 61 Luật tổ chức HĐND và UBND nêu rõ: “HĐND ra Nghị quyết về việc chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn khi xét thấy cần thiết”. Đây là vấn đề rất quan trọng góp phần đảm bảo cho HĐND hoạt động có thực quyền, hiệu quả và chất lượng. Trong thời gian tới, HĐND cần có nghị quyết để quy kết rõ ràng trách nhiệm của cơ quan, người trả lời chất vấn, tạo ra áp lực mạng tính quy phạm buộc người trả lời chất vấn phải thực hiện nghiêm túc lời hứa của mình.