III. LÒNG ĐẠO VAØ TÔN GIÁO
2. Lòng đạo: nhu cầu căn bản nhân sinh
Cách thức biểu lộ lòng đạo và tinh thần tôn giáo chỉ thay hình đổi dạng mà thôi. Chính lòng đạo vẫn còn ngấm ngầm hiện hữu trong nhân loại ngày nay. Trong thế giới “tự do”, người ta ghi nhận một số hình thức bày tỏ dấu vết lòng đạo. Cách tiêu cực, chúng ta chứng kiến cả một phong trào trong giới trẻ, bằng mọi cách, trang phục, tư tưởng … phản kháng ngầm hay rầm rộ, cái mệnh danh là nền văn minh và văn hoá “hưởng thụ”, vì bầu khí ngột ngạt của nó. Cũng cách tiêu cực, người ta thấy số đông thanh thiếu niên lao đầu vào cần sa, ma tuý, tìm cảm giác mới, cảm giác thần bí siêu thoát…Cách tích cực hơn, nhất là ở Mỹ quốc và Anh quốc, có phong trào tôn giáo do giới trẻ khởi xướng như phong trào “cách mạng của Đức Giêsu” (Revolution of Jesus), nói lên nhu cầu đạo giáo, ngay trong giới mà người ta không ngờ tới nhất. Cũng thế, một trung tâm tu trì như Taizé (Pháp), do những tu sĩ Tin lành điều khiển, người ta thấy tuôn đến từ khắp xứ, thuộc mọi tín ngưỡng cũng như không tín ngưỡng nào, lớp lớp người trẻ tuổi tìm nơi đó, những gì là thinh lặng, cầu nguyện, khao khát lẽ sống dồi dào hơn, làm thoả mãn toàn diện con người, ngay trong cuộc sống thanh xuân của họ.
Chúng ta cũng biết rằng: có khi ngay trong những quốc gia tân tiến và vô thần, có nhiều buổi lễ tập thể, được tổ chức và cử hành theo những nghi thức đượm màu sắc tôn giáo. Nhiều nước
“dân chủ cộng hoà”, như Đông Đức, người ta đã tìm cách bổ túc hay thay thế nghi lễ Kitô giáo cổ truyền, bằng những buổi lễ “rửa tội” nhân dịp khai sinh, những lễ cưới, như lễ hôn phối với đèn, hát, trang phục, hoa. Tư tưởng của chủ tịch Mao, được đọc hằng ngày và suy gẫm, như một thứ Phúc âm vậy…
Cách chung, trong đời sống con người, có những lúc hay những biến cố khiến chúng ta cảm thấy mình đang đứng trước một cái gì vượt bậc như: khuôn mặt một trẻ thơ, giá trị của một mối tình, nỗi đau khổ; chết chóc hay trước một quang cảnh thiên nhiên bao la hùng vĩ…
Đành rằng: ngày nay, người ta dè dặt trong cách giải thích những sự kiện kể trên. Tuy nhiên, không thể vì thế mà cho là lòng đạo đã mất rồi. Có thể nói: bao lâu, con người còn tìm hiểu về cuộc sống cách khác hơn là các kỹ thuật, suy lý suông, thì chúng ta dám chắc rằng: lòng đạo vẫn tồn tại. Ít nói về thần thánh, không đương nhiên là dấu lòng đạo mất đi. Việc “giữ đạo” sa sút cũng chưa phải là một triệu chứng chắc chắn. Thực ra, các nhà tôn giáo xã hội học, đã xác nhận là sự kiện bỏ đạo (déchristianisation) ở Âu châu trong những thập niên gần đây, không phải là một sự kiện phổ quát. Vả lại, ở thời toàn giáo Trung cổ, việc “giữ đạo” cũng không hơn gì, sánh với tình trạng tôn giáo ở xã hội Âu châu gần đây.