Luận chứng tất yếu dựa trên những tiền đề chắc chắn và tất yếu để nêu lên một kết luận tất yếu và chính xác. Luận chứng này diễn tiến theo hai đường: trực tiếp và gián tiếp.
1. Đường trực tiếp.
Trong luận chứng này, kết luận được tích cực dẫn giải từ những nguyên tắc đã được nêu lên. Ví dụ: phải trình bày: linh hồn là bất tử. Trước tiên phải chứng minh: tinh thần là bất tử. Kế đến, nêu ra linh hồn là tinh thần, để đi tới kết luận: linh hồn là bất tử. Luận chứng trực tiếp có thể nhắm một trong hai quan điễm sau đây.
1) - Chiếu bản tính (propter quid). Như khi chứng minh về tự do của con người qua khả năng lý trí, vì đó là bản tính của con người.
2) - Chiếu lý do (quia). Căn cứ trên những nguyên nhân xa hay trên những hậâu quả. Ví dụ: chứng minh hồn thuộc lãnh vực tinh thần qua những hoạt động của hồn.
Có tác giả kể quan điểm 1)- (propter quid) là luận chứng tiên thiên (apriori), và luận chứng 2)- (quia) là luận chứng hậu nghiệm (aposteriori). Thực ra, hai cách suy luận không giống nhau hoàn toàn vì luận chứng chiếu lý do (quia) có thể là tiên thiên, khi đi từ nguyên nhân xa đến kết quả. Ví dụ: trình bày Thiên Chúa hằng hữu, căn cứ trên sự hoàn hảo của Người: nguyên nhân gần chính là bất dịch tính của Thiên Chúa.
2. Đường gián tiếp.
Luận chứng gián tiếp không căn cứ trên những nguyên tắc, nhưng chỉ dựa vào tính cách sai lạc của lập trường đối phương. Luận chứng có nhiều hình thức như:
1) - Phản phúc luận (ab absurdis). Trong luận chứng này, luận đề được chứng minh bằng cách nêu lên sự sai lạc của luận đề mâu thuẫn. Ví dụ: chứng minh: con người có tự do, vì nếu không, thì không có vấn đề tội ác, như vậy là phi lý.
2) - Đối thủ luận (ad hominem). Trong luận chứng này, một luận đề được chứng minh theo một quan điểm mà chính đối thủ chấp nhận. Ví dụ chứng minh về thiên tính của Đức Kitô bằng sự kiện phép lạ của Ngài. Người Hồi giáo vẫn nhìn nhận phép lạ, nhưng không tin Ngài là Thiên Chúa. Luận chứng này có giá trị giới hạn: khi có thể nại đến lập trường rõ rệt của đối thủ.
3) - Nghịch đảo luận (inversio). Để chứng minh một luận đề, người ta xử dụng chính quan điểm mà đối thủ dùng cho luận đề của họ. Trong câu đối đáp của Chúa Giêsu và người phụ nữ Cananêa:“Không nên lấy bánh của con cái mà cho chó ăn.” - “Thưa Thầy, phải, nhưng đám chó con cũng ăn những mụn bánh rơi từ bàn chủ mình chớ”.
4) - Phản lý pháp (retorsio). Cách bẻ lý này dùng chính luận đề của dối thủ mà kết luận tương phản hoặc áp dụng luận thức của đối thủ mà nêu lên một luận chứng sai. Trong trường hợp trên, luận chứng gần giống đối thủ luận; còn trường hợp dưới được dùng để giải một song luận (dilemme). Tuy nhiên, cần nhớ
nguyên tắc: bẻ lý chưa phải là đáp lý (retorquere non est respondere).