Biến nghĩa tượng trưng

Một phần của tài liệu Giáo trình luận lý học (Trang 74 - 76)

II. PHẠM VI TRIẾT HỌC

4. Biến nghĩa tượng trưng

Ý nghĩa tượng trưng xuất hiện trong một đoàn thể và nhằm phục vụ đoàn thể. Nhờ đó, các phần tử của đoàn thể đều ghi nhận những ý tưởng, cảm xúc và tâm tình như nhau. Do đó, tình đoàn thể càng được gắn bó chặt chẽ hơn, trong hời xã hội bộ lạc, tổ vật (totem) được suy tôn như một vị tổ tiên, vừa là nguồn gốc vừa là hiện thân cụ thể của bộ lạc. Ý nghĩa tượng trưng tồn tại với bộ lạc.

Nhưng theo thông lệ, ý nghĩa tượng trưng cũng biến đổi. Vì cái thực tại tượng trưng nằm giữa hai lãnh vực hữu thể: hữu thể tiềm tàng và hữu thể hiển hiện, nên mối liên lạc ấy bị đặt trong tình trạng giằng co luôn. Sự biến nghĩa nơi đây lệ thuộc vào nhiều yếu tố như: cảnh vực, thời gian…

Biến nghĩa tượng trưng theo cảnh vực. Bức hoạ của vị thánh được đặt trong ngôi thánh đường để cho tín hữu tôn kính. Nhưng nếu đưa vào góp phần trang trí một phòng triển lãm về hội hoạ, tất nhiên, ý nghĩa của bức hoạ đã bị biến đổi. Cầm cây nến tham dự nghi thức Vọng Phục sinh, khác với việc cầm cây nến soi lối đi trong đêm tối, vật liệu không thay đổi, nhưng ý nghĩa tượng trưng của hai hành động ấy khác xa nhau nghìn trùng. Hơn nữa, ngay trong nghi lễ Vọng Phục sinh, kiệu nến vào trong nhà nguyện thắp đèn sáng rực hay trong nhà nguyện đang chìm trong bóng tối: ý nghĩa tượng trưng đều không giống nhau được.

Biến nghĩa theo thời gian, có thể làm phong phú hay tàn lụi. Những báu vật như ngọc trai, được người thượng cổ qúy chuộng. Người ta đã tìm gặp đủ thứ ngọc trai, vỏ sò trong nhiều ngôi mộ tiền sử. Trong cuốn “Khái luận về lịch sử các tôn giáo”, Mircea Eliade có ghi nhận rằng: ngọc trai thuộc thuỷ giới, liên hệ tới mặt trăng và dĩ nhiên là với nữ giới. Ngọc trai được tìm thấy trong vỏ con sò, nằm trong vỏ sò như một bào thai trong dạ mẹ. Do đó, ngọc trai hàm ngụ ba ý nghĩa tượng trưng căn bản, liên hệ đến thuỷ giới, nữ giới và nguyệt cầu. Chúng ta vẫn thấy mối liên lạc giữa nữ giới và nguyệt cầu và thuỷ giới. Nữ giới sinh sản cũng

như thuỷ giới thường được người thượng cổ kể là môi trường sinh sản. Nữ giới có sinh hoạt cơ thể lệ thuộc vào mặt trăng (nguyệt kỳ).

 Vì thế, ngọc trai được quí chuộng trong phạm vi thần dược, phụ nhân y khoa và tang lễ. Đầu hết, ý nghĩa tượng trưng theo hướng ma thuật tôn giáo nổi bật. Cho người chết ngậm ngọc trai chắc chắn là nhằm bảo đảm cho đương sự kiếp trường sinh. Chúng ta biết: hoàng đế Gia Long cũng được đặt vào miệng nhiều ngọc trai và đá quí, trước khi được mai táng (Xem đoạn Les funérailles de Gialong, của L. Gadière trong Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens - 1958).

 Kế đó, ý nghĩa tượng trưng của ngọc trai biến đổi. Người ta dùng ngọc trai như một phương dược, trị bá chứng như: xuất huyết, đau mắt, đau gan, đau phổi, hay ngộ độc…: đó là vị thuốc thông dụng trong giới Ấn độ. Ngay trong xã hội Âu châu, người ta cũng dùng ngọc trai để trị những chứng bệnh bất thường như: chứng buồn rầu, ngất xỉu, kinh phong, điên khùng… Người Tây phương ở thời Trung cổ dùng danh từ “Nguyệt bệnh” để chỉ những chứng bịnh như thế, vì bệnh nhân thay đổi tính tình hay diện mạo cách bất thường như mặt trăng thay thay đổi đổi luôn.

 Sau hết, trong thời hiện đại, ngọc trai chỉ còn có giá trị và ý nghĩa trong lãnh vực thương mại. Tuy nhiên, nó vẫn còn liên hệ tới nữ giới, vì ngọc trai chuyển tới ý nghĩa trang sức cho phụ nữ. Vô tình, nữ giới ngày nay thích ngọc trai, vì giá trị thương mại và trang sức của nó, nhưng đã theo truyền thống ngàn đời. Vì ngày xưa; người thiếu nữ hay phụ nữ đeo ngọc trai như một thứ bùa may mắn cho cuộc tình duyên vợ chồng và nhằm được phúc sinh con.

 Sự tuột thang ý nghĩa tượng trưng không chỉ ghi nhận ở một vài địa phương mà thôi. Chúng ta ghi nhận sự kiện biến nghĩa ở khắp nơi. Ví dụ tục lệ đốt pháo bên Trung Hoa. Theo

nhiều nhà Trung Hoa cổ học, đầu tiên, đốt pháo là để trừ tà, trong dịp lễ lớn như ngày Tết. Người ta cũng đốt pháo để nghinh tiếp hoặc cầu khẩn thần thánh. Kế đó, mỗi lần phải đón rước một vị thượng khách, đặc biệt là các nhà cầm quyền, người ta cũng quen đốt pháo chào mừng. Sau hết với thời gian, việc đốt pháo chỉ còn ý nghĩa như một tục lệ cổ truyền, để cho cuộc lễ thêm vẻ long trọng, nhộn nhịp mà thôi, ít là đối với đa số đại quần chúng.

 Tuy nhiên, tục lệ đốt pháo đón mừng Chúa Xuân vẫn còn diễn hiện trong bầu khí đặc biệt, có lẽ là bầu khí tượng trưng và huyền thoại chăng?

 Chúng ta thấy: ý nghĩa tượng trưng mang nhiều sắc thái khác biệt, nhưng tựu trưng, chúng ta nhận thấy có sự biến đổi theo chiều hướng “thế tục hoá” (xem “Trào lưu thế tục hoá”). Từ ý nghĩa huyền bí tôn giáo chuyển sang ý nghĩa thực tiễn, trần tục, vì lợi vật chất… Trong trào lưu tư tưởng nhân loại, người ta ghi nhận hai thái cực: một đàng, biến mọi sự vật thành dấu tượng trưng, một cách giả tạo; đàng khác, huỷ bỏ ý nghĩa tượng trưng chân chính. Trường hợp sau xuất hiện, khi con người chỉ nhằm cái tích cực, cái thực tiễn. Dĩ nhiên, sự vật đầy ý nghĩa tượng trưng sẽ trở thành vật xa xĩ. Các bức tượng thánh được đưa vào phòng mỹ nghệ, thánh đường biến thành bảo tàng viện. Những nghi lễ tôn nghiêm chỉ còn công dụng thoả mãn đám người hiếu kỳ nhàn rỗi. Thay vì tích cực tham dự, người ta chỉ giữ vai trò khán giả!

Một phần của tài liệu Giáo trình luận lý học (Trang 74 - 76)