Huyền thoại và hiện tại

Một phần của tài liệu Giáo trình luận lý học (Trang 82 - 85)

II. TƯ TƯỞNG HUYỀN THOẠI

4. Huyền thoại và hiện tại

a)- Biến dạng.

Cũng như dấu tượng trưng, huyền thoại cũng bị biến dạng với hoàn cảnh và thời gian. Theo một học giả, Gérard van der Loeuw, “Tôn giáo trong yếu tính và các hình thái” (La religion dans son essence et ses manifestations), huyền thoại trải qua ba giai đoạn biến đổi:

- Giai đoạn sơ khai: Cảm thức và cảm thông với thánh giới thần minh nhường chỗ cho bầu khí huyền sử. Các thần minh chỉ được nêu ra như một lối giải thích các huyền lực tiềm tàng trong thiên nhiên. Lối giải thích nửa tưởng tượng nửa suy lý. Thần thánh không còn được tin tưởng nữa: đó chỉ là chất liệu làm cốt truyện cho người ta lưu lại, nhưng không ai tin là có thật.

- Giai đoạn kế: Huyền thoại biến thành anh hùng sử của một quá khứ hoang đường. Thần thánh tuy còn hiện diện, nhưng nhường chỗ cho các vị anh hùng. Các vị này có quyền lực như thần thánh. Thế giới thần linh chỉ còn là khung cảnh cho anh hùng sử mà thôi.

- Giai đoạn chót: Huyền thoại trở thành chuyện thần tiên, hoang đường. Vai trò của thần thánh hay anh hùng chỉ còn là vai trò của những hình nhân múa rối. Người ta bịa đặt và thêm bớt cách tự do, không còn gì là kính trọng đối với các nhân vật nữa.

b)- Tồn tại.

Tuy nhiên, cơ cấu căn bản và khả năng sáng tạo của huyền thoại vẫn tồn tại. Tư tưởng huyền thoại, ngôn ngữ huyền thoại vẫn còn ngấm ngầm hiện diện. Nhưng huyền thoại liên hệ đến vũ trụ đều theo cơ cấu: phân biệt trời (trên cao, điều cao quí…) và đất (dưới thấp, điều thấp hèn…), tranh chấp giữa hai lực lượng: ánh sáng và tối tăm. Những huyền thoại quan trọng là: đại hồng thuỷ, trận hỏa tai toàn diện thế giới, kho tàng giấu kín, lễ đăng quang, nền hòa bình rạng rỡ, hôn lễ thiên quốc...

Truyền thuyết về thánh Georges cho chúng ta thấy cơ cấu tư tưởng huyền thoại: cuộc tranh đấu chống hỗn độn. Một con rồng núp dưới đầm lầy, nuốt sống nhiều người. Hơi thở của nó làm cho vùng đất ra hoang tàn. Hằng năm, người ta phải tế sinh một thiếu nữ. Một lần nọ, người ta bắt thăm trúng nàng công chúa: do đó, tương lai vương quốc và trật tự xã hội bị đe dọa trầm trọng với cái chết của nàng. Nàng đang lặn hụp dưới đầm lầy. Nhưng may thay, ngay lúc đó, một chàng hiệp sĩ xuất hiện, đâm giáo thấu họng con rồng và cứu nàng công chúa tên là Margarita (ngọc trai).

Người ta ghi nhận sự kiện cơ cấu tồn tại qua các áng văn hùng kịch, bi kịch: cuộc tranh đấu giữa thiện ác, trung thần và ngụy thần, qua các loại tiểu thuyết, chưởng, trinh thám, phim ảnh người hùng (Western)...

Khả năng sáng tạo của huyền thoại cũng tồn tại. Kiểu mẫu có thể tái hiện trong bất cứ cảnh ngộ nào. Có học giả đang cử một điển hình, rút trong tiểu sử của Kirkegaard. Mẫu anh hùng “độc nhất”, vượt qua giới hạn “thông thường”. Kirkegaard đoạn tuyệt với cô Regina Olsen, để nhắm tới cái vĩnh cữu, từ chối nếp sống hạnh phúc gia đình trong bậc “thông thường”. Nhật ký mật (8,A 56 ) có câu: “Tôi sẽ hạnh phúc hơn, trong ý hướng hữu hạn, nếu tôi có rút bỏ cái dằm cảm thấy trong xương thịt tôi; nhưng trong ý hướng vô hạn, tôi sẽ hư mất”.

Khuôn mẫu vẫn còn hiệu lực, dù biến dạng. Huyền thoại “Bồng lai tiên cảnh” (Đông Tây đều gặp nhau) chẳng những tạo nguồn hứng cho nhiều văn sĩ, mà còn gây cơ hội cho công cuộc khám phá về hàng hải. Đại đa số nhà thám hiểm hàng hải, dù nhằm mục tiêu thương mại rõ rệt (con đường Ấn độ) cũng mong ra cảnh tiên mà người ta gọi là “phúc đảo” (insul„ fortunat„). Từ dân Phênixi đến dân Bồ-đào-nha, mọi khám phá quan trọng về mặt địa dư đều được thực hiện do mộng tìm tiên cảnh. Trái lại, những nhà hàng hải trứ danh và lão thành nước Ýù (nguyên quán Genova,Venetia), ngang dọc đó đây, tận các miền nam Nga, Syri và Ai cập, mà không có lưu lại một thành tích nào trong lịch sử khám phá về mặt địa dư.

Huyền thoại “cảnh tiên” ngày nay còn phảng phất trong lòng các du khách nghỉ hè, nghỉ mát, đi tìm nơi lý tưởng, dù là trên những du thuyền đầy đủ tiện nghi.

Có học giả nhận định rằng: “Những huyền thoại là những tài liệu về tư tưởng nhân loại trong thời phôi thai” (Fraser). Tuy nhiên, có thể nói rõ hơn: tư tưởng huyền thoại không chỉ là một giai đoạn tư tưởng nhân loại mà thôi; nó phát xuất từ tư tưởng tượng trưng, nên không thể tiêu diệt được ngôn ngữ và tư tưởng “huyền thoại”. Trong sinh hoạt thường ngày, chúng ta nói tới cảnh vật thinh lặng, mặt trời mọc, lặn; lòng đất mẹ... chúng ta đã vô tình sử dụng lối diễn tả “huyền thoại” mà không ý thức điều ấy.

Một phần của tài liệu Giáo trình luận lý học (Trang 82 - 85)