Có thể hóa giải huyền thoại không?

Một phần của tài liệu Giáo trình luận lý học (Trang 85 - 87)

II. TƯ TƯỞNG HUYỀN THOẠI

5. Có thể hóa giải huyền thoại không?

Vấn đề “huyền thoại” đã được nêu ra trong lãnh vực Thánh Kinh học. Trong một bài diễn thuyết năm 1941, với chủ đề: “Tân Ước và Huyền thoại” (Neues Testamen und Mythologie), học giả tin lành Bultman (Rudolf) đã nhận định rằng: sứ điệp Kitô, qua Lời Thiên Chúa, nhất là trong Tân Ước, được trình bày theo lối huyền thoại. “Thế giới của Tân Ước là thế giới huyền thoại, chia làm ba tầng: ở giữa là đất, trên cao là trời, dưới thấp là hạ địa giới...”. Hơn nữa, huyền thoại là một hình thức tư tưởng hoàn toàn lỗi thời mà con người ngày nay không thể nào hiểu được. Do đó phải “hóa giải huyền thoại”. Đây không có nghĩa là “xếp vào loại truyện hoang đường” (démythisation), nhưng là cởi bỏ hình thức tư tưởng huyền thoại (démythologisation, entmythologiesirung). Một quan niệm như: Thiên Chúa can thiệp vào thế cuộc là quan niệm có tính chất huyền thoại. Theo tác giả, quan niệm khoa khoa học về vũ trụ đã thấm nhuần trí não con người thời nay không chấp nhận quan niệm trên được. Cho nên cần phải phiên dịch Tin Mừng cho người thời nay hiểu. Phúc Âm chứa đựng chân lý vượt dòng thời gian, có hiệu lực trường cửu, liên hệ đến thân phận hiện sinh của con người. Nhưng Phúc Âm đã được trình bày bằng những hình ảnh lỗi thời, nên cần phải được giải thích cho hợp với tâm trạng ngày nay.

Vấn đề nêu lên thuộc lãnh vực Thánh Kinh học. Ở đây, chúng ta chỉ nhận định rằng: “Đằng sau ngôn ngữ Do thái (Cựu Ước), có cả một ngôn ngữ tượng trưng thông dụng cho toàn thể nhân loại thuộc mọi nền văn minh” (Léon-Dufour trong “Sự sống lại của Chúa Giêsu và sứ điệp phục sinh” 1971, trg 43, La Résurrection de Jésus et Message Pascal). Tuy nhiên, dấu vết và sắc thái “huyền thoại” trong Thánh Kinh không phải là một bằng chứng: ngôn ngữ thần học Do thái trực thuộc ngôn ngữ huyền thoại, như trong vấn đề “chết-sống lại” chẳng hạn. Tuy có những nét giống nhau về cơ cấu và cách diễn tả, nhưng nội dung đã được đổi hẳn từ căn bản.

Cách chung, chúng ta có thể đi tới chỗ khẳng định rằng: sứ điệp Kitô, cũng như mọi sứ điệp tôn giáo khác, đều phải bắt đầu sử dụng những ý niệm có sắc thái huyền thoại, hiểu theo nghĩa đích thực ở trên. Nhưng niềm tin Do thái và Kitô đã sửa đổi hoàn toàn nội dung. Huyền thoại quan niệm một vũ trụ vòng tròn, mọi biến cố đều lặp lại và tái diễn không ngừng. Trái lại, biến cố Nhập Thể thay đổi tức khắc ý nghĩa và chiều hướng của vũ trụ. Chính Phúc âm đã vượt qua huyền thoại, mặc dù đã dung nạp những gì có giá trị trường tồn trong huyền thoại (x. Louis Bouyer “Nghi thức và con người”, Le rite et l’homme, tr. 300-302).

Chúng ta dám quả quyết và chấp nhận như thế, là vì cơ cấu tư tưởng huyền thoại không chỉ là một giai đoạn trong quá trình nhân loại. Một tác giả, Gusdorf, trong "Huyền thoại và Siêu hình học - Mythe et métaphysique", đã ghi nhận: “Huyền thoại nằm trong bản tính con người, và khai triển mọi khả năng của con người. Vai trò của lý trí là vai trò thanh lọc”.

Như thế, quan niệm của Bultmann không còn hợp thời. Một triết gia Đức, Jaspers, không mang tiếng là thủ cựu trong lãnh vựa tôn giáo, đã chỉ trích Bultmann. Trong “Học luận thần học và Tôn giáo” với chủ đề: “Huyền thoại và Tân Ước”, K. Jaspers nhận định rằng: sự đối lập theo Bultmann giữa cái nhìn khoa học và cái nhìn huyền thoại là một ý kiến sơ lược, mà tiến bộ khoa học đã loại bỏ từ lâu. Thực vậy, quan điểm của Bultman lệ thuộc vào thuyết tất định của thế kỷ XIX. Nhưng khoa học ngày nay không lấy làm thoả mãn nữa. Đặc biệt, với những khám phá mới của môn sử học về các tôn giáo cũng như của môn “thâm tâm lý học” (Psychologie des profondeurs), không thể hiểu huyền thoại như một cách hình dung vũ trụ theo kiểu trẻ con và lỗi thời được.

Tóm lại, chúng ta nhận thấy: tâm thức tượng trưng mà huyền thoại là một thành phần, đều ăn liền với sinh hoạt con người vượt dòng thời gian và không gian, làm thành thế giới nhân sinh. Tư tưởng suy lý và tư tưởng “ngoại lý” là hai cục diện tương tại vào nhau của tâm thức con người. Nếu đứng về phương diện

suy lý, chúng ta có thể ghi nhận những “khuyết điểm” và “ đặc điểm” của tư tưởng “ngoại lý” như sẽ thấy trong phần sau đây.

Một phần của tài liệu Giáo trình luận lý học (Trang 85 - 87)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w