Thế giới tượng trưng: thế giới nhân sinh

Một phần của tài liệu Giáo trình luận lý học (Trang 76 - 80)

II. PHẠM VI TRIẾT HỌC

5) Thế giới tượng trưng: thế giới nhân sinh

Nói đúng ra, trong chiều hướng biến nghĩa tượng trưng, chúng ta thấy rằng: có những dấu tượng trưng biến dạng hay thay đổi. Nhưng sự kiện ấy không chứng minh con người hiện đại không còn lãnh hội được ý nghĩa tượng trưng. Trải qua cơn khủng hoảng, như một trận địa chấn, do tiến trình tư tưởng suy lý gây ra, con người đã ý thức được rằng: thế giới kỹ thuật với tất cả những thành quả tốt đẹp của nó, chưa hẳn là cốt yếu độc đáo của thế

giới nhân sinh. Đã từ lâu, những cố gắng trong lãnh vực văn chương, nghệ thuật đã chứng kiến một nhu cầu căn bản của con người: nhu cầu vượt qua quan điểm thực tiển, để cảm thông với thế giới linh thiêng. Khoa phân tâm học đưa ra ánh sáng cả những khuynh hướng thầm kín sâu xa của con người, luôn luôn hấp thụ bầu khí tượng trưng… Bệnh nhân diễn tả tâm trạng qua những cử chỉ, những hình ảnh tượng trưng mà tư tưởng mạch lạc thông thường khó nhận ra ý nghĩa và thực chất được. Không cần nại đến những trường hợp bất thường, chúng ta có thể thấy ngay trong sinh hoạt xã hội hiện đặi vai trò của dấu hiệu tượng trưng: các nhà tâm lý học và xã hội học lưu ý đến cơ năng tượng trưng hoá của ngôn ngữ con người. Trong lãnh vực sinh hoạt tập thể trong xã hội, người ta nhận thấy trong phong trào phản kháng bồng bột, nhất là nơi thế hệ trẻ, phản kháng nền văn minh tiêu thụ và hưởng thụ, một bằng chứng tiêu cực về nhu cầu nói trên. Trong phạm vi tôn giáo, chúng ta cũng thấy có một cuộc trở về nguồn: coi nhẹ phương diện hình thức, duy luật lệ, để sinh hoạt tôn giáo được phong phú dồi dào hơn.

PHỤ LỤC: NGƯỜI KỂ NHƯ DẤU TƯỢNG TRƯNG

Con người được coi như là thành phần của vũ trụ, mà còn là một vũ trụ thu gọn, một tiểu thiên địa (micro-cosmos). Theo các học giả Ấn độ, con người bao gồm ba nguyên lý phát sinh vũ trụ: thuỷ, mộc, thổ… Thánh Grêgôriô Cả dung nạp quan niệm phổ thông của người Hy lạp, khi thánh nhân chú giải câu Phúc âm Mát-cô 16,15: “… Con người có một điểm gì chung với mọi vật thụ tạo; người có sự hiện hữu như đá, sự sống như cây cối, cảm giác như thú vật, sự nhận thức như thiên thần”.

Người đầu tiên được kể là tiêu biểu cho nhân loại. Thuở sơ khai gồm những bậc vĩ nhân khai quốc, ân nhân của nhân loại: xem đoạn 44, “Chúng ta hãy ca tụng những người lừng danh, tổ tiên chúng ta… Những người giữ chức đế vương và thực hiện những kỳ công rạng rỡ… Những bậc hiền nhân điều khiển dân chúng bằng những lời khuyên nhủ, giáo huấn… Danh các ngài tồn tại qua các thế hệ, muôn dân loan báo tài khôn ngoan của các ngài, cộng đoàn cất tiếng ca tụng các ngài…”.

Và người ta cũng tin rằng vào thời thế mạt sẽ xuất hiện những người nổi tiếng. Dân Ấn độ mong đợi Vishnu-Kalin, dân Ba tư đợi Saochyant, người Ai cập đợi các đế vương giải phóng, dân Israel đợi Môisen, Elia và vị Cứu thế.

Chi thể con người cũng mang ý nghĩa tượng trưng rõ rệt. Đầu là vị trí của hồn, đại diện cho toàn thân thể. Tóc chứa đựng một sức lực đặc biệt. Trong giới Hy-La, không được cắt tóc người công dân. Samson, theo Cựu ước, bị cắt tóc, nên mất hết sức lực anh hùng. Mắt là ánh sáng của thân xác (Mt 6,22). Theo huyền thoại của dân Bắc Tây Âu, nhãn quang của người khổng lồ đánh đổ nhà cửa thành trì. Nhờ tay mà con người tiếp xúc và thấu hiểu ngoại giới. Người ta đặt tay trên chi thể như mắt, tóc, ngực… để tuyên thệ, sau này mới đặt tay trên Thánh Kinh, ảnh tượng hay bàn thờ. Mở tay hay giơ tay lên cao là những cử chỉ nhằm liên lạc với thần thánh (thái độ cầu nguyện). Ấn nhẹ trên tay, hôn tay, hay múa ngón tay là những cử chỉ bao gồm nhiều nghĩa tượng

trưng. Ngón trỏ được kể là ngón tay chính yếu: chính ngón trỏ được dùng để chúc dữ hay bài bác, chống cự thù địch.

Con người dùng chân để chiếm đất, đo khoảng cách và đi tới mục tiêu. Người Latinh gọi việc chiếm hữu đất đai là việc đặt chân (possessio, do pedis sessio, đặt chân). Người thắng trận đạp chân lên ót người bại trận (Tv 110,1). Người ta tôn kính dấu chân của Đức Phật, hay của Chúa Kitô. Người Hy lạp kể vết chân các phụ nữ thánh thiện có thể mang lại sung túc phì nhiêu cho việc đồng áng (có lẽ do ý nghĩa tượng trưng tính dục của bàn chân ?).

Cơ quan sinh dục mang ý nghĩa tượng trưng đặc biệt trong địa hạt tôn giáo nơi những dân tộc sơ khai: ý nghĩa tượng trưng sinh lực và những năng lực sáng tạo của vũ trụ. Năng lực đáng sợ (La ngữ dùng danh từ verenda để chỉ bộ phận sinh dục): Abraham và Giacob đã bắt đặt tay vào đó mà thề (St 24,2 và 47,29).

Vận y phục để bảo vệ sức khoẻ, nhưng chính y phục có mang một ý nghĩa tượng trưng: địa vị trong đoàn thể hay trong giai cấp xã hội. Y phục là dấu hiệu và cũng là phản ánh của nhân cách con người. Chính trong bầu khí tượng trưng ấy mà chúng ta phải hiểu những từ ngữ như “cởi người cũ”, “mặc người mới” trong thư thánh Phaolô: Galata 3,27; Roma 13,14; Ephêsô 4,22. Đức Phật đã bỏ y phục hoàng tộc để mặc áo cà sa vàng (thứ áo người ta mặc cho tử tội khi dẫn đi thụ hình, trong thời sơ khai). Thánh Phanxicô ném dưới chân thân phụ bộ áo quí tộc, để mặc chiếc áo người hành khất. Sự kiện thay đổi y phục như thế tượng trưng ý định thay đổi nếp sống.

Ở thời Trung cổ Âu châu, thói tục đánh áo choàng của tên ăn trộm cho thấy là: chiếc áo mặc cũng đủ đại diện cho người: cử chỉ đó ngụ chỉ: tên trộm bị coi như chết rồi.

(Phỏng theo A. Kirghgassner trong La Puissance des signes, đoạn L'homme comme symbole, trang 129…).

Một phần của tài liệu Giáo trình luận lý học (Trang 76 - 80)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w