Ngụy biện (sophisma) là một lập luận khiếm khuyết, sai lạc, tuy bề ngoài xem ra có lý. Trong trường hợp ngay tình, người ta gọi là võng luận (paralogismus). Có nhiều hình thức ngụy luận, tùy theo phương diện từ ngữ hay phương diện suy luận. Chúng ta ghi nhận những ngụy luận thông thường sau đây:
1. Phương diện từ ngữ (in voce)
1) -
Dị nghĩa (fallacia „quivocationis): vị tướng lãnh Không - quân - tướng không (có) quân.
2) -
Lưỡng ý (f. amphibologi„). Ví dụ:“người Nga, người Mỹ, không ai thắng nổi”. Có nghĩa là hai hạng người vô địch; nhưng có thể hiểu là giữa hai người, không ai thắng ai được.
2. Phương diện suy luận (in re)
1) -
Không hiểu vấn đề (ignorantia elenchi). Trường hợp lập luận không hoàn hảo, vì điều chứng minh không thích hợp: chưa đủ hoặc quá thừa hay khác hẳn với luận đề. Như khi cho rằng chỉ có Thiên Chúa mới đáng tôn thờ, mà kết luận: việc sùng kính các thánh là điều phạm thượng. Một không phải là ba, vậy không thể có một Chúa Ba ngôi …
2) -
Điệp nguyên luận (petitio principii). Luận thức căn cứ trên một tiền đề chưa được chứng minh, để rút kết luận. Như trường hợp phủ nhận phép lạ, bởi vì cho rằng mọi hiện tượng đều xảy ra đúng theo luật thiên nhiên.
3) -
Vòng luẩn quẩn (circulus vitiosus). Thường lấy A để chứng minh B rồi lại lấy B để chứng minh A. Ví dụ: chứng minh sự khôn ngoan của Thiên Chúa bằng sự kiện: trật tự trong vũ trụ, và chứng minh sự kiện này bằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Luận thức này giống luận thức điệp nguyên luận.
PHỤ LỤC: TRANH BIỆN KINH VIỆN (disputatio scholastica) (một mẫu tranh biện)
− Người BIỆN HỘ: Đề luận: giá trị của việc tranh biện.
− Người PHẢN KHÁNG: Tranh biện là việc có hại hay ít là vô ích. Vậy là việc không có giá trị.
− B.H: Tôi phủ nhận tiền đề.
− P.K: Tôi chứng minh tiền đề phần đầu: điều gì gây hoài nghi là điều có hại. Mà việc tranh biện gây hoài nghi. Vậy việc tranh biện là việc có hại.
− BH: Tôi phân biệt đại đề: điều gì ngẫu nhiên gây hoài nghi là điều có hại, tôi phủ nhận. Điều gì đương nhiên gây hòai nghi là điều có hại, tôi đồng ý. Do đó, tôi lại phân biệt tiểu đề: tranh biện đương nhiên gây hoài nghi, tôi phủ nhận; ngẫu nhiên gây hoài nghi, tôi đồng ý. Vì thế, tôi phủ nhận hậu đề và hậu kết.
− P.K: Tôi chứng minh: điều gì giúp phần phản kháng chân lý, là điều đương nhiên gây hoài nghi. Mà tranh biện giúp phần phản kháng chân lý. Vậy, đương nhiên gây hoài nghi.
− BH: Tôi phân biệt đại đề. Điều gì giúp phần phản kháng chân lý, vì thích gây lý sự, là đương nhiên gây hoài nghi, tôi đồng ý. Vì muốn tìm hiểu rõ hơn, tôi phân biệt: nếu biết dùng lý trí và cách thức đàng hoàng mà lại gây hoài nghi, tôi phủ nhận; nếu không, tôi đồng ý.
− P.K: Xin bàn tới điểm khác. Điều gì cổ võ tính khoe khoang, là điều có hại. Mà đôi khi việc tranh biện cổ võ tính khoe khoang. Vậy, việc tranh biện có hại.
− B.H: Tôi đồng ý về đại đề, và tiểu đề. Nhưng tôi phủ nhận hậu kết, vì kết luận vượt tầm mức của tiền đề (ở đây là tiểu đề). Ý niệm tranh biện được lãnh hội ở tiểu đề theo phương diện đặc thù; và ở kết luận, theo phương diện phổ quát.
TÂN LUẬN LÝ HỌC
I. TỪ LUẬN LÝ HỌC CỔ ĐIỂN ĐẾN TÂN LUẬN LÝ HỌC
Chúng ta biết: luận lý học cổ điển nhằm khám phá và nêu lên quy luật của tư tưởng mạch lạc. Cho nên, người ta đã bắt đầu khảo sát ngôn ngữ, vì ngôn ngữ là một phương tiện thông dụng nhất để diễn tả và truyền thông tư tưởng cho người khác.
Mối liên lạc giữa luận lý học và văn phạm rất mật thiết. Tuy nhiên lần lần các học giả nhận thấy rằng: mối liên lạc ấy có nhiều khuyết điểm. Chữ không những biểu lộ ý tưởng mà còn khêu gợi tâm tình. Do đó, người ta nhận thấy nhiều lúc khó phân biệt rõ ràng hai phương diện của ngôn ngữ. Cho nên có người muốn tìm phương thế đạt tới một tư tưởng mạch lạc chặt chẽ hơn, không lệ thuộc vào văn phạm. Phương pháp toán học được sử dụng.
LEIBNITZ (1646-1716), lúc 20 tuổi, đã có ý định thiết lập một môn luận lý học có giá trị phổ quát (caractéristique universelle), dùng ký hiệu để diễn tả mọi khía cạnh dồi dào và phức tạp của tư tưởng.
Đầu thế kỷ 19, Morgan và Boole đã thực hiện ý định của Leibnitz mà phát hoạ một thứ “đại số luận lý học”. Nhưng chính hai học giả Hilbert và B. Russel đã hoàn thành công trình của hai nhà toán học trên. Và môn “toán luận lý học” đã thành hình. Có thể gọi cách đơn sơ là TÂN LUẬN LÝ HỌC.
Tân luận lý học nhằm theo dõi đường lối tư tưởng hơn. chúng ta lấy hai điển điển hình sau đây.
1) - Cổ luận lý chú trọng đến mệnh đề. Nhưng mệnh đề được trình bày theo một cơ cấu đơn giản: chủ từ- động từ (esse) - thuộc từ.
Động từ esse vẫn được lãnh hội theo nghĩa hiện hữu. Nhưng trong văn phạm, động từ này có nhiều nghĩa khác, như: đồng nhất, sở hữu, lệ thuộc…. Cổ luận lý không chú trọng đến những nghĩa ấy.
2) - Thuộc từ: theo Cổ luận lý, mọi hình thức phán quyết đều có thể rút gọn lại trong cặp chủ từ-thuộc từ. Nhưng trong thực tế, có nhiều phán đoán gồm hơn hai từ ngữ. Ví dụ mệnh đề: Nhân viên bưu điện trao lá thư cho tôi. Cổ luận lý kể trao lá thư cho tôi là thuộc từ, cũng như trong câu: Ông A là em của ông B, kể phần em của ông B là thuộc từ, dù theo ý nghĩa, đây là mối liên lạc họ hàng hơn là trạng thái hay động tác của chủ từ. Tân luận lý lưu ý đến sự khác biệt ấy và phân biệt trong thuộc từ cổ điển hai phương diện: trạng thái (propriétés) và tương quan (relations).
Hơn nữa, tuy là hình thức, nhưng Cổ luận lý vẫn còn lưu ý đến nội dung tư tưởng. Trong một suy luận, vẫn phải tham chiếu đến ý nghĩa đối chiếu thực tại của một phán đoán. Trái lại, tân luận lý cố gắng theo sát cơ cấu tư tưởng mạch lạc mà không nại đến nội dung cụ thể. Phương pháp hình thức (formalisme) của toán học được sử dụng trong Tân luận lý. Do đó, người ta đã nghĩ ra nhiều loại luận lý học. Luận lý đa giá. Luận lý dựa trên những mệnh đề cái nhiên, những mệnh đề phi lý ... Công trình còn đang thời kỳ nghiên cứu. Cho nên trong hiện thời, chỉ có luận lý lưỡng giá mới trình bày khá mạch lạc đầy đủ.
Theo tinh thần khoa học mới, nhằm ghi nhận toàn diện, người ta tìm hiểu luận lý lưỡng giá như thành phần hay một trường hợp nằm trong môn luận lý đa giá. Ý tưởng này mới được áp dụng có kết quả phần nào đối với Cổ luận lý học. Như thế, theo nhiều học giả, thể thức suy luận Cổ luận lý được coi như là một trường hợp đặc thù của Tân luận lý học.
Để có một khái niệm tổng quát về Tân luận lý học, chúng ta ghi nhận những nét đại cương của phần căn bản, luận lý mệnh đề LƯỠNG GIÁ.