Khoa học thuần lý và khoa học thực nghiệm

Một phần của tài liệu Giáo trình luận lý học (Trang 64 - 65)

II. PHẠM VI TRIẾT HỌC

1. Khoa học thuần lý và khoa học thực nghiệm

Chúng ta biết cách phân chia khoa học làm hai ngành: Khoa học thuần lý và khoa học thực nghiệm, đã được nhà bác học Bacon chủ trương từ thế kỷ 16. Thuần lý: khi môn khoa học không nại đến trực giác giác quan một cách tuyệt đối, như môn luận lý học hiện đại hay môn toán học. Trái lại là thực nghiệm: như môn lý hoá. Đó là cách phân biệt cổ điển. Tuy nhiên, dần dần, người ta nhận thấy cách phân loại khoa học như thế không phù hợp với thực tế. Môn hình học thuộc loại nào? Không thể liệt vào loại thuần lý, vì nó đòi hỏi một khung cảnh cụ thể là không gian. Đàng khác, những nguyên tắc hình học rất mạch lạc chặt chẽ, nên khó mà liệt môn hình học vào loại khoa học thực nghiệm hoàn toàn được. Chính phương pháp hình thức có thể giúp tìm một giải đáp thoả đáng.

Hình học cổ điển có sắc thái vừa thuần lý vừa cụ thể, vì là một môn hỗn hợp. Hình học có sắc thái thuần lý, và hiệu lực của nó chỉ dựa vào sự mạch lạc giữa những nguyên tắc, mà không nại đến kinh nghiệm cụ thể. Sắc thái hình học cụ thể, vì lệ thuộc vào trực giác; phần chứng minh là phụ thuộc, các nguyên tắc chỉ là những định luật lý học mà thôi. Hai phương diện đều tương hệ: phương diện cụ thể giúp cho phương diện lý thuyết thành hình. Và dần dần, phương diện sau trở thành tự lập, và kể phương diện cụ thể, thực nghiệm như là một trong nhiều trường hợp của môn học thuần lý mà thôi. Do đó, người ta có thể trình bày hai phương diện hình học bằng một ngôn ngữ; nhưng ngôn ngữ này có hai cách đọc, vì thế mới có sự lẫn lộn giữa hai phương diện.

Tuy nhiên, không thể giải thích tình trạng trung gian của môn hình học theo lối xếp loại: phần thuần lý thuộc khoa học thuần lý và diễn dịch; phần cụ thể du nhập khoa học thực nghiệm hay quy nạp. Đó là trở ngại cách phân biệt cổ điển! Chúng ta biết rằng: sự phân biệt không những nằm giữa hai hay nhiều môn khoa học mà thôi, mà còn nhận thấy ngay trong mỗi môn khoa học nữa.

Tiêu chuẩn hình thức đã được áp dụng cho môn số học, luận lý học, cũng như cho môn cơ học và lý học nữa. Cho nên tính cách lưỡng diện: lý thuyết hay cụ thể có thể gặp thấy trong nhiều môn học, tuỳ theo môn học có thể hay chưa có thể trình bày theo phương pháp Hình thức. Cho nên, không có những khoa học trừu tượng và những khoa học cụ thể, những khoa học thuần lý và những khoa học thực nghiệm. Trước tiên, giữa những khoa học, có những cấp bậc trừu tượng và lý thuyết khác nhau, nhờ đó mà sắp xếp theo thứ tự cổ điển. Kế đến, đối với mỗi khoa học, mỗi môn có thể được trình bày theo hai sắc thái như đã thấy trên.

Ranh giới phân loại cổ điển có từ Bacon có thể còn chấp nhận được nếu chúng ta hiểu rằng: Khoa học thuần lý là khoa học đã đạt tới mức độ có thể chấp nhận cách trình bày hình thức, còn khoa học thực nghiệm là môn chưa đạt đến mức độ ấy, nên còn lệ thuộc vào cách trình bày cụ thể. Mỗi môn khoa học đều có thể hiểu và trình bày theo hai phương diện bổ túc cho nhau.

Tóm lại: danh từ khoa học thuần lý và khoa học thực nghiệm không chỉ hai thứ khoa học, nhưng là cái kiểu mẫu lý tưởng được thể hiện trong nhiều khoa học khác nhau. Đó là hai cực điểm của tư tưởng khoa học vậy.

Một phần của tài liệu Giáo trình luận lý học (Trang 64 - 65)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w