Tại sao dân chủ cần pháp luật?

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật trong điều kiện việt nam hiện nay luận án TS luật 62 38 01 01 (Trang 28 - 30)

1.1.2.1 Pháp luật hợp pháp hóa cho quyền lực của nhà nước dân chủ

Quyền lực nhà nước có thể dựa trên sự sợ hãi và đàn áp bằng vũ lực, sự tôn sùng phẩm chất cá nhân của lãnh tụ hoặc niềm tin mù quáng vào thế lực thần thánh mà không dựa trên sự ưng thuận có tính lý trí, tính pháp lý của nhân dân. Sự tuân phục quyền lực nhà nước dựa trên những nền tảng như trên là tuyệt đối, không nghi ngờ và không kiểm soát vì không một tín đồ ngoan đạo lại có thể nghi ngờ và thách thức quyền lực của “Đấng tối cao” và cũng không thể nghi ngờ và thách thức quyền lực của lãnh đạo vốn có phẩm chất siêu việt [106, tr.89]. Quyền lực nhà nước và sự tuân phục như trên là không hợp lý, hợp pháp và không thể là quyền lực của nhà

nước dân chủ vì quyền lực nhà nước dân chủ không thể dựa trên bạo lực và sự sợ hãi cũng như niềm tin mù quáng.

Quyền lực nhà nước dân chủ thể hiện ý chí của nhân dân hoặc chí ít cũng phải có được sự ưng thuận của nhân dân và sự ưng thuận mang lại tính hợp lý, hợp pháp cho quyền lực nhà nước hay nói cách khác là quyền lực nhà nước dân chủ cần được pháp luật hợp pháp hóa. Tuy nhiên, nghịch lý đối với quyền lực nhà nước phi dân chủ hiện đại là: một mặt chúng muốn hợp pháp hóa quyền lực cai trị, mặt khác, chúng lại lo ngại trước tính minh bạch ổn định và tiên liệu trước của quyền lực khi nó mang hình thức pháp lý.

Quyền lực của nhà nước dân chủ phải có tính hợp lý và hợp pháp và biểu hiện là sự ưng thuận một cách có lý trí của nhân dân. Tính chính đáng biểu hiện thông qua sự ưng thuận và chuyển giao quyền lực của nhân dân cho nhà nước phải bằng phương thức minh bạch và tiên liệu trước để tránh tình trạng ngụy tạo sự ưng thuận của nhân dân và đảm bảo trật tự các quan hệ quyền lực trong xã hội. Với yêu cầu đó, pháp luật là phương tiện thích hợp nhất thỏa mãn tính minh bạch, ổn định và tiên liệu trước cho quá trình thiết lập quyền lực nhà nước vốn thuộc về nhân dân. Nói chung, tính hợp lý và hợp pháp của quyền lực nhà nước dân chủ phải được thể hiện bằng pháp luật và chỉ với pháp luật, tính chính đáng đó mới chắc chắn và bền vững. Chính vì vậy, ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh

đã đặt ra nhiệm vụ cấp bách là tiến hành tổng tuyển cử và “Nhà nước hợp pháp ra

đời, tư cách của nó, vị trí của nó trên thế giới, trong nước hoạt động có danh nghĩa, có hiệu lực và hiệu quả hơn một Chính phủ lâm thời” [62, tr.117]. Khi quyền lực nhà nước dân chủ có tính hợp pháp, nghĩa vụ tuân phục tự nguyện quyền lực nhà nước dân chủ mới hình thành. Sự tuân phục quyền lực của nhà nước dân chủ là sự tự tuân phục ý chí của nhân dân khi nó là nghĩa vụ pháp lý và nghĩa vụ này có phạm vi và hiệu lực thực hiện cao hơn. Nếu coi dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân thì nhà nước dân chủ là sự chuyển giao quyền lực từ nhân dân cho nhà nước một cách có lý trí, không bị lừa dối và ép buộc và dân chủ cũng là sự quản lý của nhà nước được thực hiện một cách dân chủ. Sự chuyển giao và quản lý đó cần mang hình thức pháp lý vì luật pháp có tính chất rõ ràng, chặt chẽ, công bằng, từ đó sẽ xác định tính hợp lý, hợp pháp của nhà nước dân chủ. Có lẽ vì vậy mà chế độ chuyên

chế phải ngụy tạo tính hợp pháp của quyền lực nhà nước thông qua hiến pháp và pháp luật.

1.1.2.2 Pháp luật là phương tiện quan trọng để thực hiện dân chủ

Nói một cách đơn giản, pháp luật là con đường, cách thức qua đó dân chủ đi vào cuộc sống và thể hiện thông qua hoạt động xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật. Pháp luật với vai trò phương tiện sẽ hợp thức hóa quyền lực dân chủ để quyền lực dân chủ trong một hình thức quyền lực mạnh nhất – quyền lực nhà nước. Tất nhiên là dân chủ sẽ có thể có nhiều “con đường” để đi vào thực tế cuộc sống nhưng “con đường” nào là phổ biến nhất và hiệu quả nhất nếu không phải là pháp luật?. Giá trị ảnh hưởng của pháp luật tới dân chủ là khả năng thực hiện dân chủ và sự đảm bảo thực hiện dân chủ với phạm vi rộng hơn, tính hiện thực cao hơn so với phong tục tập quán hoặc các quy tắc chính trị xã hội khác.

Pháp luật cũng là phương tiện hạn chế sự lạm dụng quyền lực để đảm bảo quyền lực thực sự có tính chất dân chủ. Sự chặt chẽ về mặt hình thức, tính công bằng, bình đẳng của pháp luật có ‎ý nghĩa đối với việc thực hiện quyền dân chủ của công dân và có ý‎ nghĩa quan trọng trong việc hạn chế sự lạm quyền của nhà nước, buộc nhà nước thực hiện dân chủ bằng trách nhiệm pháp lý. Nói cách khác, pháp luật không chỉ có giá trị trong việc “vận chuyển” dân chủ, pháp luật còn có giá trị rất cao trong việc thực hiện dân chủ. Tóm lại, dân chủ là những yêu cầu về việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, quyền lực dân chủ phải bị kiểm soát tránh sự tha hoá đồng thời ràng buộc trách nhiệm thực hiện tích cực. Những yêu cầu này chỉ có thể thực hiện được khi có sự điều chỉnh bằng pháp luật mà vai trò này sẽ thể hiện trong phần phân tích về nội dung sự tác động của pháp luật đến dân chủ. Ngược lại, điều chỉnh các quan hệ trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước bằng những quy tắc phi pháp lý khác như tôn giáo, đạo đức, tập quán…đã cho thấy nhiều bài học về sự tha hóa quyền lực trong lịch sử.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật trong điều kiện việt nam hiện nay luận án TS luật 62 38 01 01 (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)