Dân chủ trong hoạt động xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật trong điều kiện việt nam hiện nay luận án TS luật 62 38 01 01 (Trang 55 - 59)

Mặt biểu hiện thứ hai của mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật là sự biểu hiện dân chủ trong các hoạt động pháp lý. Ở một góc độ nhất định, nếu nội dung dân chủ trong pháp luật được phân tích ở trên như là sự biểu hiện trạng thái “tĩnh” của mối quan hệ thì dân chủ trong hoạt động pháp lý là sự biểu hiện tính chất “động” của mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật. Nói cách khác, với biểu hiện cơ bản là nguồn gốc, bản chất quyền lực nhà nước, các quyền và các cơ chế dân chủ, dân chủ là một nội dung của pháp luật và cũng là sự thể hiện mối quan hệ ra bên ngoài để nắm bắt thì ngược lại, pháp luật biểu hiện là hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật thì hình thức biểu hiện của mối quan hệ có mặt thứ hai là dân chủ trong các hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật hay các hoạt động pháp lý.

1.2.3.1 Dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật

Hoạt động xây dựng pháp luật đã xuất hiện cùng với sự ra đời của pháp luật nhưng hoạt động xây dựng pháp luật một cách dân chủ thì chỉ khi dân chủ xuất hiện. Như vậy, những phương thức xây dựng pháp luật có tính chất dân chủ và theo cách thức dân chủ chính là biểu hiện quan trọng của dân chủ trong các hoạt động pháp lý. Xuất phát từ yêu cầu của hoạt động xây dựng pháp luật, các cách thức xây dựng pháp luật mang tính chất dân chủ nên đảm bảo mục đích là thể hiện ý chí của nhân dân và các quy luật vận động của các quan hệ xã hội. Để đảm bảo sự thể hiện trực tiếp và đầy đủ nhất ý chí của nhân dân, sự tham gia trực tiếp của nhân dân vào hoạt động xây dựng pháp luật là phương thức đảm bảo tốt nhất. Nếu nhân dân không thể luôn tham gia trực tiếp vào việc xây dựng toàn bộ hệ thống pháp luật thì nhân dân vẫn có thể tham gia trực tiếp vào việc xây dựng một đạo luật cơ bản nhất, hiến pháp bằng hình thức phúc quyết và một số vấn đề quan trọng khác với hình thức tham gia bằng việc bỏ phiếu quyết định theo những phương án đươc lựa chọn nhất định. Theo phạm vi của hoạt động xây dựng pháp luật, nếu nhân dân không thể tham gia đối với việc xây dựng các văn bản trung ương thì sự tham gia ở địa phương, ở cơ sở là rất thiết thực. Trong trường hợp nhân dân không trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và tranh

luận rộng rãi trên các phương tiện thông tin là cần thiết và cũng mang tính chất dân chủ bởi vì nó thể hiện sự giám sát của nhân dân với việc xây dựng pháp luật.

Nếu việc tham gia một cách trực tiếp hoặc gián tiếp của nhân dân vào hoạt động xây dựng pháp luật có những hạn chế về điều kiện, kỹ thuật thì việc nâng cao hiệu quả của cơ quan lập pháp là giải pháp khả thi và hiện thực hơn cả trong quá trình dân chủ hóa hoạt động xây dựng pháp luật. Yêu cầu quan trọng nhằm đảm bảo dân chủ trong hoạt động lập pháp của cơ quan đại diện là phải có cơ chế kiểm soát quyền lực lập pháp của cơ quan này và nâng cao trách nhiệm của nó trước nhân dân. Sự kiểm soát và chế ngự cơ quan đại diện không chỉ nhằm mục đích hạn chế sự lạm quyền, vô trách nhiệm mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động một cách tích cực của nó. Tuy giám sát, chế ngự quyền lực của cơ quan đại diện là cơ chế rất quan trọng trong hoạt động lập pháp nhưng mức độ và tính chất của sự tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật, mức độ thể hiện ý chí của nhân dân và hiệu quả hoạt động của cơ quan lập pháp chính là những biểu hiện quan trọng nhất của dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật.

1.2.3.2 Dân chủ trong hoạt động thực hiện pháp luật

Thực hiện pháp luật theo phương thức dân chủ và nhằm mục đích dân chủ được coi là sự biểu hiện mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật bởi vì mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật không chỉ là những nội dung dân chủ trong pháp luật mà còn phải là sự thực hiện những nội dung đó trên thực tế. Hoạt động thực hiện pháp luật, đặc biệt là áp dụng pháp luật chủ yếu do những cơ quan nhà nước thực hiện rất đa dạng, phức tạp là diễn ra liên tục ở mọi cấp độ. Hoạt động này cũng làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với cá nhân, công dân và khó có thể đảm bảo cho sự tham gia trực tiếp của nhân dân vào hoạt động thực hiện pháp luật. Vì vậy, phương thức thực hiện pháp luật có tính chất dân chủ khi nó có cơ chế chế ngự và giám sát quyền lực nhà nước trong hoạt động thực hiện pháp luật của cơ quan nhà nước. Yêu cầu cơ bản của việc giám sát và chế ngự hoạt động thực hiện pháp luật là đảm bảo tính hợp pháp và ngăn ngừa sự vi phạm. Hơn thế, nó còn phải đảm bảo cho sự thực hiện pháp luật dân chủ một cách tích cực và chủ động.

Trong việc thi hành pháp luật, nội dung, cách thức và tính chất của sự chế ngự quyền lực nhà nước chính là sự hiện thực hóa cơ chế chế ngự quyền lực với tư

cách là một nội dung dân chủ trong quy định của pháp luật. Nói cách khác, cơ chế chế ngự quyền lực trong luật là biểu hiện dân chủ trong pháp luật thì thực hiện nó trên thực tế lại là sự biểu hiện dân chủ trong hoạt động pháp lý. Hoạt động giám sát, chế ngự quyền lực trong lĩnh vực này phải được thực hiện thường xuyên, đa dạng và có tính thách thức nhất định. Ví dụ, ở Việt Nam, hoạt động chất vấn Chính phủ của Quốc hội được coi là một biểu hiện dân chủ trong hoạt động thực hiện pháp luật nhưng cần có cơ chế bất tín nhiệm và phải thường xuyên có sự điều trần, giải trình của các cơ quan Hành pháp trước Quốc hội hoặc Ủy ban của Quốc hội.

Ở phạm vi rộng hơn, sự chế ngự thể hiện là việc hình thành xã hội dân sự lành mạnh, đóng vai trò đối trọng với nhà nước, đảm bảo dân chủ [97]. Trong chừng mực nhất định phải có sự tác động từ bên ngoài thông qua các tổ chức quốc tế và pháp luật quốc tế đối với việc bảo vệ và thực hiện dân chủ trong những nhà nước nhất định. Sự thể hiện mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật ở đây là sự hiện diện và hoạt động hiểu quả của cơ chế giám sát và chế ngự quyền lực nhà nước trong lĩnh vực hành pháp. Thực hiện cơ chế chế ngự quyền lực nhà nước trong pháp luật cũng phải đồng bộ, thống nhất với các cơ chế dân chủ khác và trong các điều kiện kinh tế - xã hội nhất định. Ví dụ, muốn giám sát, chế ngự sự thực hiện pháp luật của cơ quan nhà nước hiệu quả, cần thực hiện sự tự do thông tin, minh bạch của chính phủ và điều kiện kinh tế, kỹ thuật cho phép.

Với tư cách là hình thức biểu hiện mối quan hệ, dân chủ trong hoạt động thực hiện pháp luật nên bao hàm cả cách thức, tính chất của việc thực hiện nội dung dân chủ trong hiến pháp và pháp luật. Việc thực hiện nội dung dân chủ trong hiến pháp và pháp luật là một biểu hiện của mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật nhưng việc thực hiện nó theo cách thức và với tính chất dân chủ hay không cũng chính là sự thể hiện những mức độ dân chủ trong hoạt động pháp lý. Hơn nữa, thực hiện nội dung dân chủ trong pháp luật trên thực tế cũng là một dấu hiệu quan trọng để nhận biết và đánh giá mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật. Ví dụ, dụ dân chủ được quy định rất rộng rãi trong nội dung của hiến pháp và pháp luật nhưng nó được thực hiện rất hạn chế và thực hiện một cách có lựa chọn là biểu hiện của sự không tương thích giữa dân chủ và pháp luật.

1.2.3.3 Dân chủ trong hoạt động bảo vệ pháp luật

Hoạt động bảo vệ pháp luật thường được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước mà trọng tâm là hệ thống Tư pháp được coi là biểu hiện của mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật. Về nguyên tắc, cơ quan bảo vệ pháp luật phải có sự độc lập nhất định đối với các cơ quan có khả năng vi phạm và chỉ tuân theo pháp luật. Yêu cầu của sự độc lập là để bảo vệ pháp luật chứ không phải là độc lập để vi phạm pháp luật. Vì vậy, cơ quan bảo vệ pháp luật tuân theo pháp luật chính là biểu hiện của dân chủ vì pháp luật chính là biểu hiện ý chí của nhân dân. Cơ quan bảo vệ pháp luật cũng có thể vi phạm pháp luật, cho nên sự chế ngự của các cơ quan khác là phương tiện ngăn ngừa sự vi phạm này.

Sự tham gia của nhân dân vào hoạt động bảo vệ pháp luật là rất hạn chế vì tính chuyên môn và theo vụ việc cụ thể. Cho nên, sự độc lập của cơ quan bảo vệ pháp luật mà cụ thể là Tòa án và sự chế ngự giữa các cơ quan nhà nước là phương thức dân chủ hữu hiện hơn cả. Hơn nữa, hiệu quả hoạt động và phạm vi cần được bảo vệ bởi Tòa án là không thể bị giới hạn. Ví dụ, thẩm quyền xét xử của Tòa án không thể bị giới hạn với bất cứ một lý do gì ngoài lý do dân chủ vì phạm vi nào của pháp luật về dân chủ không được bảo vệ, ở đó chưa thể hiện mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật.

Để đảm bảo dân chủ trong hoạt động bảo vệ pháp luật trong trường hợp tham gia và trực tiếp tham gia là hạn chế, yêu cầu đặt ra là thủ tục, trình tự phải được quy định rõ ràng, có tính chất và với mục dân chủ. Hơn thế, hoạt động bảo vệ pháp luật trên thực tế phải công khai, minh bạch (tất nhiên có ngoại lệ) và đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên tham gia và tính cạnh tranh trong tố tụng. Tuy nhiên, sự dân chủ trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật đóng vai trò quan trọng hơn cả là bảo vệ hiến pháp, dù nó là ý chí của nhân dân hay là đạo luật cơ bản của nhà nước. Dân chủ trong phạm vi này trước tiên là phải có cơ chế bảo hiến được quy định bằng luật, sau đó phải thực hiện những điều kiện cho cơ chế này hoạt động một cách hiệu quả.

Nhìn chung, các loại hoạt động này đều có thể thực hiện và kết hợp thực hiện các phương thức dân chủ ở mức độ nhất định và sự nhấn mạnh tùy theo tính chất của từng loại hoạt động. Mặt khác, các loại hoạt động này đều phải có điều kiện mang tính chất dân chủ là minh bạch, công khai và có sự tranh luận và tham gia

thông qua các phương tiện thông tin rộng rãi và tự do. Hơn nữa, các phương thức dân chủ được thực hiện trong ba lĩnh vực trên bắt buộc phải mang mục đích dân chủ thì mới có thể là sự biểu hiện mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật.

Tóm lại, các phương thức dân chủ cơ bản như tham gia, chế ngự và bảo vệ thích hợp đối với từng loại hoạt động pháp lý nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế, cần kết hợp các phương thức này trong một loại hoạt động nhất định và các loại hoạt động pháp lý nói chung. Việc thực hiện những phương thức dân chủ này với những mức độ, mục đích thực hiện khác nhau cũng là những căn cứ để đánh giá sự thể hiện và tính chất của mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật trong điều kiện việt nam hiện nay luận án TS luật 62 38 01 01 (Trang 55 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)