Kết cấu xã hội ảnh hưởng đến dân chủ và pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật trong điều kiện việt nam hiện nay luận án TS luật 62 38 01 01 (Trang 77 - 78)

Kết cấu xã hội được hiểu theo nghĩa rộng là cơ sở phân chia và số lượng các nhóm trong xã hội và nội dung, tính chất mối quan hệ giữa các nhóm đó. Cách phân tích kết cấu trong một xã hội cụ thể dựa trên kinh tế, tôn giáo, chủng tộc, ý thức chính trị…Rõ ràng là một kết cấu ổn định theo trật tự thứ bậc và tương quan mất cân bằng rõ nét là một nguy cơ đối với nhóm thiểu số và do vậy khó tương thích với dân chủ. Ngược lại, sự đa dạng về số lượng cũng như chất lượng và sự di động của nhóm sẽ thích nghi với dân chủ hơn [103].

Sự phân hóa sâu sắc giữa các nhóm và mối quan hệ xung đột gay gắt, xu hướng giải quyết bằng bạo lực, không dung thứ là sự nguy hiểm tiềm tàng cho dân chủ. Trong xã hội luôn có những nhóm yếu thế hơn như nhóm những người tàn tật, người nghỉ hưu, người già…mà tiếng nói của họ ít khi được lắng nghe và được cân nhắc. Nhưng rõ ràng là họ sẽ có vai trò hơn trong một nhà nước dân chủ, dù vai trò này rất hạn chế nhưng vẫn hơn là sự ban phát, chiếu cố của một nhóm độc quyền. Khả năng cho một kết cấu ổn định và không có cạnh tranh bởi một nhóm mạnh nhất mà tương thích với dân chủ chỉ có thể là chính nhóm đó đại diện được cho lợi ích của những nhóm còn lại trong xã hội. Sự đại diện này là nghĩa vụ có tính chất pháp lý, trách nhiệm bắt buộc đối với nhóm đại diện cho toàn thể xã hội đó. Nhưng thách thức trong chế độ có một nhóm đại diện cho toàn thể chính là sự lạm dụng quyền lực. Như vậy, kết cấu xã hội không tạo ra tình trạng độc quyền về quyền lực, mối quan hệ giữa các nhóm là dung thứ, tôn trọng và phương thức giải quyết hòa bình sẽ là điều kiện tiên quyết cho dân chủ. Ngược lại, đa số cố định, sự phân hóa sâu sắc trong xã hội, phổ biến bạo lực sẽ cản trở dân chủ.

Sự đa dạng của kết cấu xã hội dẫn đến ý chí của pháp luật phải là sự thống nhất ý chí của nhân dân hoặc thống nhất ý chí về một phương thức giải quyết hòa

bình trong các quan hệ xung đột về lợi ích. Tính chất quan hệ cũng như nội dung các quan hệ đó sẽ quyết định khung khổ pháp lý cho các ứng xử đó. Vai trò tác động trở lại của luật pháp trong lĩnh vực này là thiết lập các quy tắc giao tiếp chính trị một cách hòa bình, ổn định và minh bạch [72, 129]. Như vậy, xã hội đa dạng về tổ chức là một dạng thức của tổ chức xã hội mang tính khách quan, gắn với trình độ phát triển khác nhau của xã hội và đa dạng xã hội là một trong những yếu tố tác động đến mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật.

Sự tồn tại một xã hội dân sự cũng được coi là một yếu tố tác động đến dân chủ và pháp luật. Xã hội dân sự được hiểu là lĩnh vực của những tổ chức liên kết một cách tự nguyện, độc lập với nhà nước và thị trường, giữ cho nhà nước có trách nhiệm với xã hội [97]. Nếu thiếu sự tồn tại của xã hội dân sự, cá nhân công dân không có không gian công tự do và phải phụ thuộc vào nhà nước thông qua xã hội chính trị do nhà nước thiết lập. Vì thế, xã hội dân sự đóng vai trò là một yêu cầu và là điều kiện quan trọng cho nền dân chủ. Xã hội dân sự đóng vai trò rất quan trọng đối với dân chủ nhưng nó lại rất cần một khung khổ pháp lý hoàn thiện. Vì vậy, xã hội dân sự có thể được coi là một trong những yếu tố mang tính chất điều kiện đối với mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật trong điều kiện việt nam hiện nay luận án TS luật 62 38 01 01 (Trang 77 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)