Chương 3: HOÀN THIỆN MỐI QUAN HỆ GIỮA DÂN CHỦ VÀ PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM
3.2.1 Thực hiện mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật trước hết phải là công việc của nhân dân
việc của nhân dân
Dân chủ chính là sự nghiệp của toàn dân, là kết quả đấu tranh không ngừng của nhân dân lao động hơn là sự ban tặng của giai cấp thống trị. Nói một cách ngắn gọn, dân chủ trước tiên là “từ dưới lên chứ không chỉ là từ trên xuống”. Cũng chính vì thế mà quyền lực thuộc về nhân dân, do nhân dân mới thực sự có ý nghĩa. Mọi lập luận cho việc “quyết định thay cho dân vì dân trí thấp” hoặc các lý do khác cho việc trì hoãn thực hiện dân chủ là vô hiệu và vô đạo đức. Dân trí thấp giải pháp là
giáo dục và thông tin đầy đủ và vai trò lãnh đạo dân chủ là đưa ra những lựa chọn và nâng cao khả năng lựa chọn chứ không phải là quyết định thay nhân dân. Đối với tầng lớp lãnh đạo, thực hiện dân chủ là nhân dân quyết định, nhân dân sẽ chia sẻ trách nhiệm và tri thức do vậy trách nhiệm chính trị của người lãnh đạo sẽ nhẹ hơn, họ không hoàn toàn đứng ở vị trí đối lập với toàn dân và có thể bị nhân dân phế truất bằng một cuộc cách mạng bạo lực. Hơn nữa, đây vừa là trách nhiệm chính trị và cũng là đạo đức của quyền lực. Mặt khác, xây dựng và thực hiện pháp luật không thể là độc quyền của nhà nước và dân chủ là công việc của nhân dân nên nó cũng phải thể hiện ngay trong lĩnh vực pháp lý. Nguyên tắc này thể hiện trong điều kiện cụ thể của Việt Nam như sau:
Thứ nhất, thực hiện dân chủ, pháp luật và mối quan hệ giữa chúng phải được
coi là sự nghiệp của toàn dân do nhân dân và vì nhân dân. Quan điểm Mácxít cho
rằng, vai trò của quần chúng nhân dân có tính chất quyết định đối với sự nghiệp cách mạng. Thực hiện dân chủ cũng như thực hiện mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật cần phải xuất phát từ quan điểm này. Thứ hai, những quyết định quan trọng phải do chính nhân dân quyết định, không ai có thể thực hiện thay cho nhân dân. Kể cả trong trường hợp trình độ, dân trí được cho là “hạn chế”. Vai trò của nhà nước là tạo cơ chế để nhân dân quyết định chứ không quyết định thay cho nhân dân. Đây là tiền đề quan trong cho việc xây dựng luật phúc quyết toàn dân. Thứ ba, xuất phát từ nguyên tắc trên, việc thực hiện dân chủ trước tiên phải được xem là nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và là quyền của nhân dân và quyền cũng như trách nhiệm này trước tiên phải là quyền và trách nhiệm pháp lý. Thứ tư, hoạt động của cơ quan nhà nước, nếu có khó khăn, nhà nước phải gánh chịu hơn là đẩy về phía nhân dân. Xuất phát từ bản chất và mục đích của nhà nước là dân chủ và phục vụ nhân dân, không thể chấp nhận tình trạng nhà nước thấy khó quản lý thì đẩy cho xã hội. Ví dụ, tình trạng an toàn giao thông là trách nhiệm của nhà nước nhưng không thể vì an toàn giao thông mà hạn chế quyền sở hữu của công dân với xe gắn máy. Điều tồi tệ hơn khi biện pháp này lại vi phạm Luật và Hiến pháp.
Cần phân định giữa vai trò của nhà nước, xã hội và thị trường trong việc tạo điều kiện thực hiện mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật. Nếu cơ chế thị trường đáp ứng một cách hiệu quả, cần chuyển dịch thị trường thực hiện. Ví dụ, nông dân
Ấn độ nhận ra rằng khi họ trả tiền thì người cấp nước sẽ có trách nhiệm hơn đối với
họ và họ kết luận rằng: “Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép Chính phủ cấp nước
miễn phí cho chúng tôi nữa” [33, tr.14]. Ngược lại, những thứ “hàng hóa công cộng” như nền giáo dục tiên tiến, an ninh xã hội…lại không thể hoạt động theo quy luật thị trường và không một công ty nào có thể cung cấp cho toàn xã hội mà phải cần nhà nước. Phân định rõ chức năng của nhà nước bằng pháp luật không chỉ giúp kiểm soát sự lạm quyền và thực hiện quyền lực một cách hiệu quả mà nó cũng xác định trách nhiệm của công dân tích cực hơn, không ỷ lại, trông chờ vào nhà nước. Tóm lại, nếu chúng ta coi quá trình dân chủ hóa là việc của nhà nước, của lãnh đạo thì quá trình tổ chức và thực hiện sẽ không đạt được kết quả như mong muốn. Thực hiện dân chủ cũng phải bắt đầu từ nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân để nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân. Nói ngắn gọn, nhân dân với tư cách là chủ thể thụ hưởng từ dân chủ đồng thời phải là chủ thể thực hiện dân chủ.